Chuỗi cung ứng ở châu Á đã và đang được tái định hình trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng khó giải quyết.
Mỹ đang tăng tốc điều chỉnh lại chuỗi cung ứng tại châu Á theo hướng dành cho đồng minh, đối tác nhiều cơ hội hơn.
>> Tránh rủi ro chuỗi cung ứng kinh tế xanh
Những mâu thuẫn mang tính bản chất giữa hai hệ thống Đông - Tây, đại diện bởi Trung Quốc và Mỹ, thực sự khó hóa giải. Nội các hai cường quốc này không thể tìm được tiếng nói chung sau nhiều vòng đàm phán thương mại, pháp lý.
Đỉnh điểm vào năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt các gói thuế vào hàng hóa Trung Quốc, ông kêu gọi công ty Mỹ hồi hương hoặc chuyển sang một nước khác. Sự đối đầu về thương mại giữa 2 cường quốc này tiến triển thành xu hướng.
Đại dịch COVID-19 cho thấy rằng việc hình thành duy nhất một trung tâm sản xuất cho toàn cầu đã bộc lộ điểm yếu, khâu vận chuyển cung ứng lập tức bị đình trệ nếu phải thực hiện biện pháp phong tỏa, hoặc xung đột vũ trang xảy ra, khiến thiệt hại vô cùng lớn.
Đại dịch COVID-19 vừa lắng xuống, chiến sự Nga - Ukraine nổ ra phủ bóng đen lên môi trường toàn cầu hóa. Không dừng lại ở đó, xung đột Hamas - Israel đe dọa tuyến đường vận tải biển quan trọng bậc nhất thế giới, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu tắc nghẽn. Cùng với đó, căng thẳng Trung - Mỹ đã phát triển thành cuộc chiến thương mại lần thứ 2.
Đặc biệt, tiến trình chuyển đổi số, chạy đua công nghệ bán dẫn, năng lượng sạch, trí tuệ nhân tạo (AI)… khiến các cường quốc nghi kỵ lẫn nhau. Washington cáo buộc Bắc Kinh đe dọa an ninh kinh tế của họ; còn Trung Quốc không cho là vậy.
Chính quyền Biden tiếp tục đánh thuế lên hàng hóa thế hệ mới của Trung Quốc, đặc biệt tăng thuế lên 100% với xe điện.
Tương lai của các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc ở Đông Nam Á bị đe dọa khi Bộ Thương mại Mỹ mở cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với pin quang điện silicon tinh thể từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Cuối tháng 6 vừa qua, Nhà trắng tiếp tục ban hành dự thảo quy định cấm hoặc yêu cầu thông báo công khai về một số khoản đầu tư vào AI và các lĩnh vực công nghệ khác ở Trung Quốc có thể đe dọa an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Nói tóm lại, Mỹ và đồng minh đang cố gắng tách khỏi chuỗi cung ứng có sự hiện diện của Trung Quốc. Xét về bản chất, động thái này một mặt nhằm kìm tỏa cường quốc châu Á, mặt khác giữ địa vị thống trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
>> Chìa khoá để đa dạng chuỗi cung ứng
Mắc kẹt giữa cạnh tranh Trung - Mỹ, nhiều tập đoàn lớn đã quyết định chọn Đông Nam Á, và Nam Á làm bến đỗ mới, thậm chí nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng tìm tới đây trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nước này chậm lại.
Ông James Cheo, Giám đốc Đầu tư khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Khối Dịch vụ Ngân hàng và Quản lý tài sản Chuyên biệt Toàn cầu HSBC, cho biết: "Các nhà sản xuất điện tử và xe điện từ Bắc Á đang nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất ở ASEAN để gia tăng thị phần. ASEAN đại diện cho một thị trường mới rộng lớn và một cứ điểm sản xuất với chi phí thấp đối với các công ty Trung Quốc gặp phải tình trạng tăng trưởng chậm lại ở trong nước. “Chúng tôi ưa chuộng các công ty ở Ấn Độ và ASEAN hưởng lợi nhờ xu thế định hướng lại chuỗi cung ứng theo chiến lược "Trung Quốc+1" của các tập đoàn đa quốc gia và châu Á", ông James Cheo nhấn mạnh.
Những cuộc điều tra gần đây với hàng hóa Trung Quốc tại Đông Nam Á có thể sẽ dẫn tới kịch bản nhiều công ty sản xuất tấm năng lượng mặt trời, xe điện, chất bán dẫn sẽ phải rời đi, hoặc hợp tác chặt chẽ hơn với công ty bản địa để “xóa sạch” dấu vết “made in China” trước khi xuất khẩu vào Mỹ.
Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất tấm năng lượng mặt trời Trung Quốc “hết cửa” nhập linh kiện từ quê nhà Trung Quốc, lắp ráp tại Đông Nam Á và bán sang Mỹ. Điều này có nghĩa họ phải chuyển giao công nghệ, dây chuyền sản xuất, tạo ra chuỗi cung ứng tại chỗ.
Một xu hướng khác đang trỗi dậy; doanh nghiệp Mỹ, châu Âu cũng như đối tác, đồng minh của họ sẽ chọn các quốc gia có quan hệ ngoại giao thân thiện để thiết lập cứ điểm sản xuất. Việt Nam là quốc gia hiếm hoi đạt được mối quan hệ ngoại giao tầm cao nhất với nhiều bên.
Chưa bao giờ các tập đoàn kinh tế hàng đầu phương Tây cấp tập tìm đến Việt Nam như vài năm qua. Mới đây, tại diễn đàn WEF Đại Liên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã được mời chủ trì nhiều cuộc thảo luận quan trọng, gặp gỡ song phương và đa phương với rất nhiều nhà đầu tư tầm cỡ.
Tuy nhiên, chuỗi cung ứng châu Á đang hình thành trong bối cảnh đầy nhạy cảm chính trị, nhiều cam kết đầu tư, hợp tác kèm theo “điều kiện”. Làm hài hòa quan hệ rường cột là nhiệm vụ không kém phần quan trọng.
Có thể bạn quan tâm
Tái thiết lập chuỗi cung ứng với AI và tự động hóa
02:30, 28/06/2024
DIỄN ĐÀN KINH DOANH: Hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
22:30, 26/06/2024
DIỄN ĐÀN KINH DOANH: Cơ hội tốt cho đa dạng hoá chuỗi cung ứng
20:44, 26/06/2024
Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp
14:05, 26/06/2024
[TRỰC TIẾP] Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp
14:00, 26/06/2024
Quản lý rủi ro chuỗi cung ứng bằng AI
10:00, 25/06/2024
Giải pháp tài chính chuỗi cung ứng dược bền vững
00:30, 26/06/2024