Quốc tế

Tại sao "độc chiêu" lạm phát khó giúp ông Donald Trump thắng cử?

Trường Đặng 19/08/2024 03:30

Áp lực lạm phát tại Mỹ đang giảm dần, khiến ông Donald Trump dần mất đi lợi thế tranh cử của mình trước ứng cử viên đảng Dân chủ.

Trong năm ngoái, lạm phát Mỹ đã có lúc lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua, khiến lạm phát trở thành chủ đề quen thuộc của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đưa ra trong các cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ.

inflation US
Lạm phát Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden tăng cao khiến yếu tố này trở thành "lá bài" tranh cử quan trọng của ông Donald Trump (Ảnh: New York Post)

Trump đánh mất lợi thế “lạm phát”

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây không còn là “lá bài” có thể giúp ông Trump thắng cử như kỳ vọng. Trong những tháng gần đây, tình hình lạm phát Mỹ đã cải thiện nhanh chóng.

Vào tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ chỉ còn tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lạm phát thấp nhất kể từ đầu năm 2021 và giảm mạnh so với mức 9,1% vào giữa năm 2022.

Các chuyên gia và nhà đầu tư trên thị trường hầu hết đã kết luận rằng lạm phát không còn là vấn đề nóng của Mỹ. Dù vậy, với các cử tri, đây vẫn là một vấn đề hệ trọng có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của họ. Và một trong những chủ đề lớn nhất mà họ quan tâm là cách đối phó với lạm phát mà các ứng viên đưa ra.

Nhưng trong vấn đề này, ông Trump dường như vẫn không có giải pháp cụ thể nào. Theo đó, lập luận mà ông đưa ra là lạm phát dưới thời Biden chủ yếu là do chính sách năng lượng, và trong một cuộc vận động tranh cử tại North Carolina thứ Tư tuần qua, ông hứa sẽ cắt giảm chi phí năng lượng, bao gồm điện, xuống một nửa trong vòng 12 đến 18 tháng.

Các chuyên gia cho rằng tham vọng này rất khó thực hiện. Trước hết, Tổng thống Mỹ không có quyền kiểm soát trực tiếp đối với giá điện. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng sản xuất và truyền tải cũng mất nhiều năm để xây dựng.

Đối với dầu mỏ, ông Trump hứa sẽ “khoan, khoan, khoan”, nhưng ngay cả khi nhiều hợp đồng cho thuê đất liên bang được cung cấp để khoan, sự gia tăng nguồn cung sẽ vẫn nhỏ và xa vời, theo Jim Burkhard, người đứng đầu nghiên cứu dầu mỏ của S&P Global Commodity Insights.

Theo ông Jim Burkhard, sản lượng dầu của Hoa Kỳ chủ yếu được thúc đẩy bởi giá cả toàn cầu, và đó là lý do tại sao sản lượng nội địa đạt mức kỷ lục vào năm ngoái mặc dù ông Biden ủng hộ năng lượng tái tạo hơn là nhiên liệu hóa thạch.

"Trong 2 năm tới, các yếu tố chính thúc đẩy nguồn cung dầu mỏ toàn cầu sẽ là OPEC và Nga, những quốc gia đang tăng cường sản xuất do áp lực từ các thành viên", ông Burkhard nói.

Một phản ứng ngược tiềm tàng trong chính sách chống lạm phát của ông Trump cũng được chỉ ra. Cụ thể, các nhà kinh tế cho rằng kế hoạch tăng thuế quan và trục xuất người nhập cư của ông Trump sẽ gây áp lực tăng đối với chi phí nhập khẩu và tiền lương, từ đó dẫn đến lạm phát cao hơn thay vì giảm lạm phát.

Deutsche Bank của Đức ước tính mức thuế quan 60% mà ông Trump đề xuất đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% đối với tất cả các nước khác sẽ làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng từ 1,4% đến 1,7%. Vào thứ Tư vừa qua, ông Trump gợi ý rằng sẽ còn đi xa hơn, áp dụng mức thuế từ “10% đến 20%” đối với tất cả các hàng nhập khẩu.

Ông Trump cũng hứa sẽ gia hạn tất cả các đợt cắt giảm thuế năm 2017 của mình và chấm dứt thuế đối với tiền boa và phúc lợi an sinh xã hội.

Người đồng hành của ông, JD Vance, đã đề xuất mức tín dụng thuế 5.000 USD cho mỗi đứa trẻ, gấp đôi mức tín dụng tối đa hiện tại. Ngay cả khi được bù đắp bởi doanh thu từ thuế quan, đó vẫn là một khoản kích thích tài chính tiềm năng lớn.

Trong một cuộc suy thoái, động thái kích thích có thể hữu ích. Nhưng ngược lại, nó sẽ gây thêm áp lực lạm phát cho nền kinh tế - một điều mà FED đang làm hết sức để tránh.

harris-trump-older-voters.jpg
Vấn đề lạm phát có thể không còn là yếu tố quyết định tới kết quả cuộc bầu cử tại Mỹ sắp tới (Ảnh: Newsweek)

Bà Harris cũng không có nhiều lợi thế hơn

Bất chấp những vấn đề của ông Trump, ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris cũng vấp phải nhiều rào cản. Trước hết đó là việc bà phải giải quyết những gì ông Biden để lại: thái độ phẫn nộ của công chúng trước việc giá cả tăng tích lũy 19% kể từ khi ông Biden nhậm chức.

Dù đà tăng giá đã chậm lại, nó vẫn là vấn đề lớn với đại đa số người tiêu dùng Mỹ. Các cuộc thăm dò ở Mỹ cho thấy họ nghĩ rằng lạm phát còn đang tệ hơn. Hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp gần đây tăng cũng được đánh giá là tin xấu cho Phó Tổng thống Mỹ.

Jared Bernstein, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Biden, đã chỉ ra trong một bài phát biểu gần đây rằng: "Người làm công tác tài chính muốn lạm phát trở lại mục tiêu. Còn người mua sắm muốn giá cũ của họ quay trở lại."

Song các nhà phân tích Mỹ nhận định, bản thân bà Harris cũng ít bị công chúng đổ lỗi hơn so với ông Biden. Ứng cử viên đảng Dân chủ cũng rút ra bài học này, với các bài phát biểu không đề cập đến việc lạm phát giảm, mà hứa hẹn giảm chi phí sinh hoạt và giá cả chi tiêu cá nhân.

Một số cuộc khảo sát cho thấy cử tri tin tưởng bà về kinh tế hơn so với ông Biden, dù ít hơn so với ông Trump. Trong một cuộc thăm dò của 7 bang trung lập, khi được hỏi ai mà họ tin tưởng hơn trong việc kiểm soát chi phí sinh hoạt, 42% người được hỏi cho biết họ tin bà Harris, trong khi 48% cho biết họ tin ông Trump.

Amy Walter, biên tập viên của Cook Political Report, tổ chức tài trợ cuộc thăm dò này, nói rằng đây là một khoảng cách nhỏ trong bối cảnh bi quan về kinh tế, và bà Harris đang được hưởng lợi từ việc bà không bị đổ lỗi cho nền kinh tế tồi tệ như ông Biden.

Trong những tháng tới, đảng Dân chủ cũng có thể trông đợi vào một tín hiệu tích cực khác, nếu FED có thể giảm lãi suất trước sự suy yếu của lạm phát và dữ liệu việc làm yếu hơn. Các mức lãi suất vay mượn khác đã giảm, như lãi suất thế chấp đã chạm mức thấp nhất trong 15 tháng, cung cấp động lực tốt hơn cho người mua nhà. Đó cũng có thể là cơ hội mà hai ứng cử viên đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có thể nắm lấy trước cuộc bầu cử quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tại sao "độc chiêu" lạm phát khó giúp ông Donald Trump thắng cử?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO