Năm 2022, tổng thu hút vốn ngoài ngân sách của Quảng Ninh đạt hơn 89.000 tỷ đồng, chỉ bằng 65,2% cùng kỳ. Quảng Ninh có một năm “thất thu” vốn FDI. Nguyên nhân tại sao?
>>Quảng Ninh tạo đột phá từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Đi tìm nguyên nhân…
Về công tác thu hút đầu tư, trong năm 2022, Quảng Ninh đã đón tiếp và làm việc với trên 50 đoàn đến tìm hiểu đầu tư. Sau quá trình triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, có một số nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu đầu tư tại Quảng Ninh, tiêu biểu như: Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản), LG (Hàn Quốc), Autoliv (Thụy Điển), Hyosung (Hàn Quốc)... Đối với chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại Đài Loan (tháng 11/2022), đã nhận được sự quan tâm dự kiến mở rộng đầu tư của Tập đoàn Foxconn.... Dự kiến sẽ đưa ra quyết định đầu tư của Dự án của AEON (Nhật Bản), Dự án Trung tâm thương mại GO! (Thái Lan), Dự án của Jinko Solar. Trong năm 2022, tỉnh Quảng Ninh cấp mới và điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 19 dự án FDI với tổng vốn là 622,6 triệu USD, chỉ đạt 41,5% kế hoạch thu hút 1,5 tỷ USD trong năm 2022 đã đề ra.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 153 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 10,33 tỷ USD của các nhà đầu tư tới từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó có 91 dự án tại địa bàn các KCN, KKT với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 4,36 tỷ USD. 62 dự án ngoài KCN, KKT với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 5,97 tỷ USD. Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, văn hóa, xã hội, du lịch, hạ tầng kỹ thuật, nông nghiệp, thương mại dịch vụ. Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc và Hồng Kông chiếm số lượng lớn, tiếp theo là đến Hàn Quốc và Mỹ. Năm 2022, tổng thu hút vốn ngoài ngân sách của Quảng Ninh đạt hơn 89.000 tỷ đồng, chỉ bằng 65,2% cùng kỳ.
Số lượng dự án FDI đầu tư vào Quảng Ninh mặc dù có gia tăng, nhưng số dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ phụ trợ còn ít, tiến độ triển khai thực hiện một số dự án còn chậm so với đăng ký đầu tư; công tác hoàn thiện mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật của các KCN, KKT còn chậm.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thu hút vốn FDI năm 2022 không đạt như kỳ vọng, ông Nguyễn Mạnh Cường Giám đốc Sở KH&ĐT đã chỉ những tồn tại, hạn chế trong công tác thu hút đầu tư FDI. Cụ thể, công tác thu hút đầu tư của tỉnh vẫn còn thiếu tính chiến lược và tính đồng bộ. Chưa đa dạng các hình thức xúc tiến đầu tư. Lực lượng xúc tiến đầu tư mỏng, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế…Năng lực của các doanh nghiệp trong tỉnh còn yếu, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài…
Lên kế hoạch cho mục tiêu mới
Quảng Ninh phấn đấu tổng vốn đầu tư thu hút FDI đến năm 2025 đạt trên 5 tỷ USD. Trong thời gian tới, Tỉnh tập trung triển khai đồng bộ 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Thứ nhất, đảm bảo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư (trong và ngoài KCN). Thứ hai, đảm bảo khả năng cung cấp điện cho các doanh nghiệp, khu nhà ở cho công nhân, mục tiêu trong năm 2023 tạo ra ít nhất 10.000 chỗ ở mới cho công nhân, lao động. Thứ ba, khẩn trương có các giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại tỉnh, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Thứ tư, nâng cao chất lượng dịch vụ công: hỗ trợ đầu tư sau cấp phép đối với các dự án FDI; cắt giảm thời gian xử lý các thủ tục sau đầu tư...Thứ năm, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm, chuyên sâu; lựa chọn các dự án xanh – sạch – công nghệ cao.
Theo ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh, thời gian tới, Ban Quản lý KKT tham mưu tỉnh để đưa ra những giải pháp quyết liệt hơn, quy rõ trách nhiệm của chủ đầu tư hạ tầng cùng với trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện hạ tầng thiết yếu các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để thu hút các dự án đầu tư thứ cấp chất lượng, đảm bảo tiến độ và hiệu quả thực tế.
Ban cũng sẽ nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào các địa bàn trọng điểm và các lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư như công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao… Nhanh chóng hoàn thiện bộ tài liệu xúc tiến đầu tư chuyên sâu trên nền tảng đa ngôn ngữ để làm tài liệu dùng chung trong công tác thu hút đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh. Ban sẽ nghiên cứu tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư trực tiếp với các nhà đầu tư tiềm năng, có kinh nghiệm và thực lực đến từ các quốc gia phát triển trong khu vực như: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… trên cơ sở tận dụng tốt mối quan hệ ngoại giao…
Có thể bạn quan tâm