Nhiều ý kiến cho rằng, sau khi di dời dây chuyền sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội đô, phần “vỏ” nhà máy có thể bảo tồn như một di sản, đồng thời tạo ra những không gian sáng tạo mới cho Thủ đô.
Theo danh sách từ thành phố năm 2020, Hà Nội có 92 cơ sở công nghiệp trên địa bàn nội thành cần phải di dời. Đây là những quỹ đất trống cuối cùng của thành phố. Nếu không nắm bắt cơ hội này để chuyển đổi các cở sở công nghiệp thành các không gian công cộng, không gian sáng tạo sẽ mất cơ hội mãi mãi.
TS.KTS Trương Ngọc Lân - Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng) phân tích, những nhà máy cũ của Hà Nội mang nhiều giá trị như những di sản đại diện cho sự phát triển của xã hội và đô thị trong một giai đoạn lịch sử. Chúng là những công trình đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa, đô thị hóa, công nghiệp hóa ở Việt Nam và Hà Nội.
Một số nhà máy còn đóng vai trò khai sinh cho một ngành công nghiệp, có kiến trúc hiện đại, đẹp nhất ở Hà Nội và miền Bắc trong thời điểm được xây dựng như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Bia Hà Nội... Không ít nhà máy đã trở thành những dấu ấn về ký ức, với hình ảnh đô thị Hà Nội một thời như khu Cao - Xà - Lá (Nhà máy Cao su Sao Vàng, Nhà máy Xà phòng Hà Nội, Nhà máy Thuốc lá Thăng Long), Nhà máy Giày Thượng Đình, Nhà máy Bánh kẹo Hải Châu...
Trên thế giới, nhiều TP đã chuyển đổi từ TP công nghiệp sang TP du lịch, dịch vụ và công nghệ. Thay vì phá bỏ tất cả, họ đã giữ lại một phần hoặc toàn bộ nhà máy cũ để làm chứng nhân lịch sử một thời của TP. Hơn thế nữa, các nhà máy cũ được chuyển đổi thành không gian hoạt động nghệ thuật, sáng tạo, khởi nghiệp. Chiến lược này vừa làm giàu văn hóa, lịch sử cho TP, vừa tạo môi trường cởi mở thu hút sự tham gia của người dân, giới khởi nghiệp, nghệ sĩ, cũng như các nhà đầu tư.
TS.KTS Trương Ngọc Lân cho biết, hiện nay Hà Nội đang có một số lợi thế lớn, đặc biệt với vị thế là Thủ đô sáng tạo:
Thứ nhất, phần lớn các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức văn hoá,… đều có trụ sở tại Hà Nội. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có nguồn lực về con người rất tốt, các nhà nghiên cứu, các nghệ sỹ cũng như cộng đồng làm sáng tạo chiếm một tỷ lệ lớn trong thành phố. Tất cả những điều này sẽ thúc đẩy cho văn hoá sáng tạo phát triển mạnh.
Thứ hai, Hà Nội có hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể rất đa dạng, là nền tảng giúp cho những người làm văn hoá sáng tạo có thể tận dụng và phát huy tối đa khả năng. Thứ ba, Hà Nội có các quỹ không gian như gần 100 các nhà máy, công xưởng đã có sẵn có khả năng trở thành không gian sáng tạo.
"Đây là những lợi thế căn bản mà Hà Nội hiện có, cùng với việc Hà Nội đã trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO sẽ hỗ trợ tốt hơn và có những tác động đến ý thức phát triển về công nghiệp văn hoá sáng tạo tại Việt Nam" - TS.KTS Trương Ngọc Lân cho biết.
KTS Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc nghệ thuật của Heritage Space đã đưa ra những bài học về việc chuyển đổi nhà máy cũ thành các không gian sáng tạo, trong đó có một số công trình nổi tiếng như: Căn cứ không quân Taiwan Contemporary Culture Lab tại Đài Loan được vận hành từ 1949, đến năm 2018 đã được chuyển đổi thành Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật đương đại; Bến tàu cảng công nghiệp Nagasaki Shipyard Museum tại Nhật Bản được vận hành từ năm 1898, đến năm 1985 đã được chuyển đổi thành Bảo tàng Lịch sử Công nghiệp; Mỏ than công nghiệp Zeche Zollverein tại Đức với diện tích 100ha, được vận hành từ năm 1851 và đến năm 1986 được chuyển thành Công viên Văn hóa đa năng…
“Kinh nghiệm chuyển đổi nhà máy tại các quốc gia cho thấy nhiều lợi ích như giải phóng, tái tận dụng đất bỏ hoang, từ đó giải quyết vấn đề môi trường, tệ nạn xã hội, tạo không gian công cộng và thụ hưởng văn hóa đô thị cho người dân. Đồng thời là điểm tựa, bệ đỡ cho văn hóa và công nghiệp sáng tạo, kích thích du lịch, tạo danh tiếng mới cho đô thị”- KTS Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
Hà Nội đang trong giai đoạn chuyển các nhà máy cũ ra khỏi nội thành. Các chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi nhà máy cũ có chứa những giá trị văn hoá, lịch sử - với tư cách là các di sản công nghiệp của Hà Nội thành các không gian sáng tạo, nghệ thuật hoặc khởi nghiệp là khả thi, cần thiết và mang lại hiệu quả văn hóa, xã hội, kinh tế. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi này được diễn ra trên thực tế thì cần có sự chung tay của Nhà nước, nhà đầu tư, cộng đồng sáng tạo và người dân.
Đầu tiên, Thành phố cần có chủ trương đúng đắn. Cần tính đến quỹ không gian cho việc phát triển công nghiệp văn hoá, cũng như không gian trong cộng đồng trên cơ sở tận dụng những nguồn lực đã có sẵn. Bản thân các nhà máy cũ đã nằm trong khu nội thành, dân cư đông đúc, vị trí đắt giá, trong khi đó, Hà Nội lại thiếu chỗ để phát triển không gian công cộng, không gian sáng tạo. Điều này đặt ra hướng phát triển cho việc tận dụng các nhà máy cũ ấy, sử dụng không gian thích hợp trong các nhà máy để phát triển không gian sáng tạo, không gian sinh hoạt cộng đồng.
Bà Phạm Thúy Loan - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần rà soát toàn bộ quá trình thực hiện chủ trương di dời và tái phát triển để ưu tiên phát triển không gian công cộng.
Bà cũng kiến nghị thành phố cần nghiên cứu các mô hình chuyển đổi nhà máy sang không gian sáng tạo-không gian công cộng để áp dụng thực tế, phối hợp các bên liên quan để thí điểm các mô hình chuyển đổi một phần hoặc toàn phần trong năm 2021-2022. Ngoài ra, cần mở rộng khái niệm ‘chức năng công cộng’ để mở ra cơ hội cho mô hình không gian sáng tạo.
Có thể bạn quan tâm
Chậm di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô vì vướng chính sách
05:00, 18/10/2021
“Di dời”, rồi sao nữa?
05:00, 17/10/2021
Sắp có cuộc đại di dời trụ sở các bộ ngành về Tây Hồ Tây
14:30, 01/10/2021
“Căn bệnh” lãng phí: Khi nhiều bộ ngành còn “trì trệ” di dời trụ sở
04:20, 03/08/2021
Di dời nhà máy gây ô nhiễm: Vì sao chậm tiến độ?
02:00, 02/07/2021
Di dời trụ sở các Bộ ngành: Nghịch cảnh "đến rồi đi" ở khu liên cơ Hà Nội
01:00, 22/05/2021
Cuộc “đại di dời” trụ sở các bộ ngành
15:00, 15/03/2021