Trong một thế giới biến động chóng mặt và khôn lường như hiện nay, Tái tạo và Kế nghiệp là hai câu chuyện thời đại nhất của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp muốn phát triển mạnh mẽ và trường tồn thì buộc phải tập trung cho chuyện Tái tạo và Kế nghiệp.
Vậy, Tái tạo & Kế nghiệp là gì, có liên quan gì đến nhau? Hai khái niệm này thoạt nghe thì có vẻ không có gì liên quan đến nhau, nhưng thật ra, chúng có quan hệ rất mật thiết với nhau.
Tái tạo là làm mới doanh nghiệp và thông điệp cốt lõi của tái tạo là từ “Tốt đến tầm vóc”, muốn phát triển bền vững thì cần phải liên tục tái tạo, liên tục làm mới lãnh đạo, làm mới nhân viên, làm mới đội ngũ, làm mới văn hóa và làm mới chiến lược.
Trường PACE là nơi đầu tiên ở Việt Nam xây dựng 2 chương trình đào tạo là “Tái tạo doanh nghiệp” và “Lãnh đạo kế nghiệp”. Trong chương trình đào tạo “Tái tạo doanh nghiệp” (nay là chương trình “Lãnh đạo Toàn cầu/ GLP”), PACE cũng đã xây dựng mô hình 4 bước tái tạo doanh nghiệp hiệu quả, cụ thể: Thứ nhất là phải tái tạo về tư tưởng; Thứ hai là tái tạo về lãnh đạo; Thứ ba là tái tạo về chiến lược và Thứ tư là tái tạo đội ngũ.
Trong tái đạo đội ngũ thì có 3 phần: tái tạo về con người, tái tạo về hệ thống và tái tạo về văn hóa. Trong đó, tái tạo về văn hóa là khó khăn nhất, gian nan nhất và khi nói đến tái tạo doanh nghiệp, người ta sẽ nghĩ ngay đến tái tạo văn hóa. Mô hình này cũng là lời đáp đầy đủ cho câu hỏi “Để tái tạo doanh nghiệp thì cần phải làm gì và bắt đầu từ đâu?”
Kế nghiệp là kế tục cơ nghiệp của các thế hệ đi trước, tức là có kế tục và phát triển chứ không chỉ đơn thuần là kế vị một chức vụ, kế nhiệm một công việc, hay kế thừa một gia sản. Mặc dù trong kế nghiệp cũng có đầy đủ những yếu tố trên, nhưng kế nghiệp đã vượt lên trên tất cả những yếu tố đó.
Đối với các doanh nghiệp gia đình, kế nghiệp đang trở thành bài toán sinh tồn của doanh nghiệp. Bởi các thế hệ doanh nhân đi trước hầu như đều đã có tuổi, cũng đã đến lúc “mỏi gối, chồn chân”, do đó, họ cần phải truyền lại cơ nghiệp cho các thế hệ sau. Nếu không giải được bài toán kế nghiệp thì buộc phải bán hay giải thể công ty, nếu như vậy thì đây là quyết định vô cùng đau đớn.
Tuy nhiên, câu hỏi đầu tiên đặt ra cho những doanh nhân truyền nghiệp là chọn người kế nghiệp như thế nào? Chọn người nhà hay người tài? Đây là những câu hỏi mà không phải người truyền nghiệp nào cũng có thể trả lời đúng và trúng.
Vấn đề đặt ra cho những người truyền nghiệp là phải tìm được “hiền tài phù hợp”, tức là không chỉ có tài, mà còn là hiền tài, không chỉ là hiền tài mà còn là hiền tài phù hợp. Do đó, việc chọn người nhà hay người tài để kế nghiệp không hẳn là điều quan trọng. Nếu chọn người nhà mà chỉ có tài thôi thì cũng chưa đủ, mà cần phải có cách hành xử chuyên nghiệp. Mà tài ở đây là tài lãnh đạo, tài kinh doanh, chứ không phải là một cái tài nào đó khác.
Đối với kế nghiệp hiện nay, điều quan trọng nhất vẫn là chọn người, đồng thời phải chuyên nghiệp hóa hệ thống quản trị để phù hợp với tầm nhìn mới và con người mới. Do đó, để kế nghiệp thành công, doanh nghiệp có thể thực hiện theo các bước sau:
Bước thứ nhất là phải tái tạo doanh nghiệp. Tái tạo để đi vào một nền quản trị chuyên nghiệp, có quản trị chuyên nghiệp thì mới quy tụ được đội ngũ giỏi.
Bước thứ hai là chọn người. Trong nhiều trường hợp, người truyền nghiệp khó có thể chọn một người để thay thế mình, mà phải chọn một ê kíp để thay mình và trong ê kíp này phải có hạt nhân.
Bước thứ ba là đào luyện kế nghiệp. Đào luyện không chỉ về học thuật mà còn cả thực chiến, cả năng lực văn hóa, năng lực lãnh đạo và kỹ năng bổ trợ. Phải đi từ dưới lên, nếu giỏi thì có thể đi nhanh chứ không thể đi tắt.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề của nhiều doanh nghiệp gia đình hiện nay ảnh hưởng lớn đến việc thu hút nhân tài và kế hoạch kế nghiệp, đó là văn hóa chuyên nghiệp hay hành xử phù hợp. Cụ thể là, khi ở công ty thì hành xử như ở nhà, và khi về nhà thì hành xử như ở công ty. Lẽ ra, khi bước vào công ty thì không có cha-con, anh-em, vợ-chồng, mà phải hành xử theo đúng tôn ti trật của tổ chức; còn khi đã về nhà thì phải hành xử như gia đình, mà trong gia đình thì không sếp-lính, không có lãnh đạo- nhân viên.
Một vấn đề lớn khác cũng đang nổi lên trong câu chuyện truyền nghiệp và kế nghiệp hiện nay, đó là khoảng cách giữa các thế hệ. Khoảng cách này sẽ khó thể thu hẹp nếu như giữa hai thế hệ không có sự nhìn nhận khác đi về nhau. Cụ thể, thế hệ truyền nghiệp đôi khi nhìn thế hệ kế nghiệp là những người non nớt, nóng vội và có phần “ngựa non háu đá”… Ngược lại, thế hệ kế nghiệp lại đôi khi nhìn nhận thế hệ truyền nghiệp là những người lạc hậu, bảo thủ và cũ kỹ.
Để giải quyết được vấn đề này, giữa hai thế hệ cần thay đổi cách nhìn về nhau. Thật tuyệt với khi thế hệ truyền nghiệp nhìn thấy được điểm mạnh của thế hệ kế nghiệp, đó là sự tươi mới, sáng tạo và đột phá. Còn thế hệ kế nghiệp thì nhìn thấy ở thế hệ truyền nghiệp điểm mạnh là bề dày về nghề nghiệp và sự trải đời, những điều này không dễ một sớm một chiều mà có được. Và nếu liên tục kết hợp được bề dày kinh nghiệm và sự trải đời của thế hệ truyền nghiệp với sự mới mẻ, sáng tạo và đột phá của thế hệ kế nghiệp thì doanh nghiệp đó sẽ có nhiều cơ hội lớn mạnh và trường tồn.
Có thể bạn quan tâm