Tái thiết lập chuỗi cung ứng với AI và tự động hóa

L. MỸ 28/06/2024 02:30

Doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng đang chuyển mình mạnh mẽ trước dòng chảy chuyển đổi số. Một số "từ khóa" liên quan đòn bẩy số hóa đang là mục tiêu của doanh nghiệp hướng đến.

>>>Giải bài toán tuân thủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Đây là một trong những nhận định được ông Dương Việt Tùng - Giám đốc vận hành FPT akaBot chia sẻ tại sự kiện C-Talk - Sự kiện cấp cao về chiến lược chuyển đổi số giữa các lãnh đạo doanh nghiệp do FPT akaBot phối hợp cùng FPT.AI vừa tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.

Các diễn giả chia sẻ chủ đề “Tối ưu nguồn lực, tái thiết chuỗi cung ứng thời đại số”

Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện C-Talk với chủ đề “Tối ưu nguồn lực, tái thiết chuỗi cung ứng thời đại số”

Với chủ đề “Tối ưu nguồn lực, tái thiết chuỗi cung ứng thời đại số”, sự kiện C-Talk Supply Chain Việt Nam đã tập trung khai thác các bài học thực tiễn của các doanh nghiệp khi triển khai công nghệ trong hoạt động Logistics và quản lý chuỗi cung ứng để đảm bảo tỷ lệ chính xác hàng tồn kho, tối ưu xử lý tuyến giao hàng và quản lý kho vận.... Thông qua tọa đàm giữa các lãnh đạo cấp cao từ doanh nghiệp Tiki, Daikin Việt Nam và đại diện đơn vị cung cấp giải pháp như FPT và Ship60, các bí quyết triển khai các nền tảng công nghệ hay ứng dụng tự động hóa và AI trong việc giao tiếp, giải quyết yêu cầu của khách hàng cũng được phân tích và đánh giá kĩ lưỡng.

Xu hướng mới trong bán lẻ, sản xuất và thương mại điện tử 

Trong 2023-2034, chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải chịu những áp lực leo thang dẫn đến việc gia tăng chi phí trong hoạt động logistics. Theo ông Nguyễn Tấn Hưng - Giám đốc Kinh doanh AI khu vực phía Nam, FPT Smart Cloud, những thay đổi địa chính trị như đại dịch Covid-19, chiến tranh Nga - Ukraine và chiến tranh công nghệ Mỹ - Trung đã tạo ra sự khan hiếm tài nguyên, tăng chi phí nguyên liệu đầu vào dẫn đến tăng chi phí, giá bán và sự giảm sút trong sức mua của người dùng. Bên cạnh đó, khách hàng cũng dần thay đổi hành vi mua khi 75% người dùng mong muốn được mua sắm omni-channel, 76% trong số đó muốn quy trình mua sắm của mình được cá nhân hóa. Trong bối cảnh đó, năng lực ứng dụng công nghệ mới như AI, RPA trở thành cách thức bắt buộc để gia tăng sức bền, sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp. 

Chuyển đổi số và ứng dụng số góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam

Chuyển đổi số và ứng dụng số góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thọ, Giám đốc cấp cao TikiNOW Smart Logistics cũng nhận xét về những khó khăn của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng: “Việc vận hành hậu cần trong chuỗi cung ứng trên thị trường Việt Nam hiện cũng rất phân mảnh, khi một doanh nghiệp phải làm việc với nhiều đơn vị và đầu mối khác nhau để quản lý từ khâu sản xuất, vận chuyển từ nhà máy đến kho bãi rồi quản lý phân phối, kiểm soát hàng tồn kho và cuối cùng là kiểm soát chất lượng hàng hóa giao tới tay người dùng cuối”. Với nhiều công đoạn như vậy, theo một nghiên cứu của Gartner, chi phí Logistics chiếm tới 80% chi phí tổng trong quản lý chuỗi cung ứng, vì vậy các giám đốc chuỗi cung ứng đang đứng trước thách thức cần tối ưu hóa toàn bộ quy trình vận hành hậu cần và vận tải của doanh nghiệp. 

>>>Kinh tế số chiếm tỷ trọng thế nào trong GDP, GRDP?

Để tối ưu chuỗi cung ứng, các lãnh đạo và nhà quản lý thường tập trung vào hai khía cạnh: Một là cắt giảm chi phí thông qua tự động hóa, ứng dụng công nghệ để tiết kiệm nguồn nhân lực và thời gian xử lý, giảm thiểu tối đa các khoản lãng phí như sai sót trong hóa đơn và quy trình thanh toán. Hai là tối ưu nguồn lực thông qua các hệ thống ERP chặt chẽ, loại bỏ các quy trình đang thừa trong vận hành Logistics và nâng cấp các công cụ, hệ thống để có thể đưa ra dự báo cung ứng cho doanh nghiệp.

Ông Dương Việt Tùng - Giám đốc vận hành FPT akaBot cũng nhận định: “Doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng đang chuyển mình mạnh mẽ trước dòng chảy chuyển đổi số. Các từ khóa: tối ưu chi phí, tối ưu nguồn lực và nâng cao sự linh hoạt cũng như năng lực cạnh tranh là những mục tiêu hàng đầu các doanh nghiệp hướng đến”. 80% số doanh nghiệp được khảo sát trong ngành Logistics đã triển khai hệ thống theo dõi và quản lý vận tải (TMS), 70% doanh nghiệp đã áp dụng sàn giao dịch điện tử (e-marketplace) và có tới 60% trong số đó đã sử dụng dữ liệu lớn (big data) để phân tích chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, đối với các ngành bán lẻ hoặc sản xuất, việc triển khai các hệ thống quản lý sản xuất (ERP) hay sử dụng robot tự động hóa và AI trong quản lý kho vận, hàng hóa cũng được hơn 50% doanh nghiệp ứng dụng (theo Báo cáo chuyển đổi số Việt Nam 2023.

Cải tiến từng bước logistics và chuỗi cung ứng

Đứng trước những thách thức và cơ hội, đại diện các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ và thương mại điện tử (TMĐT) trong sự kiện đã chia sẻ những câu chuyện ứng dụng thực tiễn khi triển khai số hóa và công nghệ trong chuỗi cung ứng.

Trí tuệ nhân tạo tạo sinh

Công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh giúp tối ưu nguồn lực, tái thiết lập chuỗi cung ứng

Sàn TMĐT Việt Nam Tiki với thế mạnh là hệ thống kho bãi, giải pháp vận chuyển TikiNOW Smart Logistics đã tập trung đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng công nghệ. Theo ông Nguyễn Chí Thọ, công nghệ cần được ứng dụng trong mọi quy trình của chuỗi cung ứng: Bắt đầu từ quản lý vận hành (với hệ thống quản lý kho bãi, hàng hóa và nền tảng quản lý vận chuyển), tới quy trình tài chính & kế toán (được ứng dụng SAP S/4HANA, nền tảng quản lý tồn kho và phần mềm đối soát & thanh toán) và cuối cùng là phân tích & dữ liệu (với các trung tâm dữ liệu lớn Big Data để có thể quản lý chuỗi cung theo thời gian thực và phân tích nâng cao, dự báo nhu cầu trong tương lai).

Việc lựa chọn công nghệ phù hợp với từng giai đoạn chuyển đổi, với từng mắt xích trong quy trình vận hành để giúp doanh nghiệp tối đa hóa nguồn lực cũng là một trong các bài toán mà các lãnh đạo doanh nghiệp cần cân nhắc. Tự động hóa bằng robot (RPA) là công nghệ lõi thường được doanh nghiệp triển khai trong giai đoạn đầu chuyển đổi số để loại bỏ các tác vụ thủ công trong việc quản lý hàng tồn kho, tăng tính chính xác tới 99.9% và giảm 70% nguồn nhân lực.

Trong khâu quản lý kế toán - tài chính, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, việc loại bỏ mọi sai sót và giảm thiểu rủi ro trong kiểm soát hóa đơn điện tử cũng góp phần tiết kiệm chi phí. Đại diện Daikin Việt Nam, bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Kế toán tài chính cho rằng “cắt giảm chi phí, không phải là giảm chi phí bằng mọi giá mà là tối ưu hóa, hiểu được các loại chi phí, các nhân tố ảnh hưởng để điều tiết giảm nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh”. Nhằm hệ thống hóa công việc và giảm số giờ làm, Daikin Việt Nam đã cùng FPT akaBot triển khai công nghệ lõi RPA kết hợp cùng AI & OCR để xử lý tự động hơn 40.000 hóa đơn đầu vào/ năm, giúp tiết kiệm 75% thời gian và cắt giảm 99,9% chi phí khi có rủi ro, sai sót trong hóa đơn.

Song song với nguồn nhân lực số từ robot ảo, việc trang bị trí tuệ nhân tạo sẽ giúp doanh nghiệp hướng đến tự động hóa thông minh. “95% nhà bán lẻ toàn cầu sẽ đầu tư hoặc thử nghiệm GenAI trong các hoạt động cải thiện dữ liệu sản phẩm và hỗ trợ khách hàng vào năm 2027” - Ông Nguyễn Tấn Hưng nhận định. Một trong những ứng dụng tiềm năng nhất của GenAI trong hoạt động quản lý chuỗi cung ứng được đại diện FPT.AI kỳ vọng chính là việc tự động hóa hơn 50% dịch vụ khách hàng, từ khả năng phân tích thông tin trong đoạn hội thoại để giúp các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đưa ra hành động, hỗ trợ khách hàng nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, ông cũng có thêm những chia sẻ khác về tính ứng dụng của thị giác máy tính (Computer Vision) trong việc xử lý tài liệu nhập kho, xuất kho và quản lý chất lượng hàng hóa.

Kinh nghiệm triển khai các công nghệ trong logistics và chuỗi cung ứng được tất cả các diễn giả đúc kết lại với phương pháp luận “cải tiến từng bước mà liên tục”. “Trước đây, akaBot thường tập trung vào phương pháp Fast-to-Mass, triển khai tự động hóa từ các quy trình từ đơn giản, số lượng lớn và có tính lặp lại cao trước. Sau đó, chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng một môi trường làm việc chung giữa các nhân viên và robot ảo, từ đó kiến tạo nên nguồn nhân lực số cho các doanh nghiệp” - Ông Dương Việt Tùng, Giám đốc vận hành FPT akaBot chia sẻ.

Theo đó, ông Tùng cho rằng các doanh nghiệp không chỉ cần hoàn thành tốt nhiệm vụ triển khai công nghệ mà còn cần quan tâm đến các khóa đào tạo, huấn luyện nhân viên để có khả năng tận dụng sự giúp đỡ của robot và AI.

Một số "case study" - bài học trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh đã được triển khai thành công, cũng được lãnh đạo Công ty chia sẻ, điển hình như việc ứng dụng quản lý tối ưu nguồn lực và nhân sự tại Pharmacity - chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay với sự hiện diện của 1.600 nhà thuốc và khối lượng nhân sự tham gia đông đảo; hay ứng dụng vào Grab trong tự động hóa quy trình xử lý tài liệu thông minh...

Có thể bạn quan tâm

  • Thúc đẩy số hóa logistics

    Thúc đẩy số hóa logistics

    16:00, 20/06/2024

  • Số hóa hồ sơ hiệu quả với hệ thống VNPT eDiG

    Số hóa hồ sơ hiệu quả với hệ thống VNPT eDiG

    12:05, 17/06/2024

  • Nam Định: Số hóa để các làng nghề hội nhập

    Nam Định: Số hóa để các làng nghề hội nhập

    00:10, 13/06/2024

  • Số hoá là vấn đề cốt lõi để thực hiện chuyển đổi xanh

    Số hoá là vấn đề cốt lõi để thực hiện chuyển đổi xanh

    00:20, 18/05/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tái thiết lập chuỗi cung ứng với AI và tự động hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO