“Nhận được lệnh, vợ tôi vội về nhà vơ vài bộ quần áo, tư trang… Tôi chở vợ đến bệnh viện mà suốt dọc đường hai vợ chồng không ai nói với ai câu nào…”.
Từ 0h ngày 28/7, tại các điểm phong tỏa gồm Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng chính thức bị phong tỏa.
Cũng tại đây, tại khu vực có ca nhiễm dương tính với SARS-CoV-2, những “thiên thần áo trắng”, người lính áo xanh truyền cho nhau niềm tin, hy vọng ngành y và nhân dân TP Đà Nẵng sẽ kiên cường chiến đấu vượt qua dịch COVID-19.
0h ngày 28/7 là “đêm trắng” đầu tiên của các chiến sĩ Công an, CGST tại nhiều điểm nóng, khu vực có ca nhiễm dương tính với SARS-CoV-2.
Trung tá Huỳnh Đức Lâm - Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị Công an TP Đà Nẵng lặng người: “Vợ tôi làm nhân viên bệnh viện (BV) Đà Nẵng, trước đó, đã 4 ngày cô ấy “xa nhà” túc trực tại BV. Trưa 26/7 dòng tin nhắn vội: "Chồng! Vợ được lệnh cách ly tại bệnh viện". Hơn 12h15’, cô ấy ào về nhà như một cơn gió, rồi ào đi mà không dám gọi các con để tạm biệt…"
Trung tá Lâm chia sẻ, không phải vợ tôi, mà tất cả y, bác sĩ, nhân viên y tế, phục vụ đều phải vào Bệnh viện Đà Nẵng để tự cách ly và phục vụ bệnh nhân. Họ chỉ có vài phút để chuẩn bị tư trang, xác định ở đó ít nhất là 14 ngày để chiến đấu với COVID-19, cùng sống chết với người bệnh.
“Chở cô ấy trên đường, cả hai vợ chồng đều im lặng. Tôi hiểu tâm trạng cô ấy, một người vợ tất bật lo toan cho chồng con từng miếng ăn, giấc ngủ giờ phải vào viện 14 ngày chưa kịp mua sắm gì cho chồng con. Còn tôi một nỗi lo lắng mơ hồ, vào trong đấy ăn ở, sinh hoạt ra sao... Phía sau cánh cổng kia là cuộc chiến sinh - tử, và những chiến binh như vợ tôi không được phép thất bại, giá nào cũng không được thất bại. Cầu mong mọi người được bình an, 14 ngày qua nhanh thôi”, Trung tá Lâm dặn lòng.
Với Bác sĩ Thái Thu Hà, Bệnh viện (BV Đà Nẵng), cảm xúc “người trong cuộc” lại đầy niềm tin và vững chãi, chị tâm sự: “Sáng ngày 29/7 cũng là ngày thứ 4 các y bác sĩ trong Bệnh viện (BV Đà Nẵng) cùng bệnh nhân đang không ngừng chiến đấu với dịch bệnh. Nhiều ca lây nhiễm mới được phát hiện nhưng không hề làm lung lay quyết tâm chống dịch, cứu chữa của chúng tôi”.
Bác sĩ Hà dí dỏm ví von: “Chúng tôi giống đi lính thời chiến, đoạn đường từ bên kia cầu Đa khoa qua bên Trung tâm tim mạch hoặc từ khoa này qua khoa khác “rất nhiều địch và bẫy” nên phải trang bị bảo hộ từ đầu tới chân. Bình thường chỉ cần thấy sau lưng của đồng nghiệp là la lên” ê đi mô đó, ừ tui đi lãnh thuốc, tui đi kí giấy tờ… giờ thì bộ đồ màu xanh khiến chúng tôi không còn nhận ra nhau nữa rồi”.
Lặng người, bác sĩ Hà tâm sự, sau khi thực hiện việc phong tỏa, Bệnh viện Đà Nẵng luôn nhận sự được quan tâm của người dân và cộng đồng, các hoạt động hỗ trợ tiếp tế, cung ứng cho sinh hoạt của bệnh nhân, người nhà chăm nuôi, đội ngũ y bác sĩ… được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình như phun khử khuẩn, giãn cách người vận chuyển, đảm bảo vệ sinh khi sơ chế, chế biến… và các phòng, ban, khu tiếp nhận bệnh nhân cũng hạn chế tối đa tiếp xúc gần với nhau để tránh nguy cơ lây nhiễm.
Bác sĩ Hà nghẹn giọng: “Mấy ngày nay chưa không được gặp con nhỏ, chưa được ngồi với người thân trong gia đình nói về chuyện công việc, bạn bè, cuộc sống... Thèm lắm chiếc giường rộng có đủ gối và mền cho giấc ngủ (Ở BV không đủ chăn mền gối và giường, mỗi người tự tìm cho mình 1 góc để ngả lưng sau giờ chống dịch). Thèm lắm cái ôm của người chồng, người con sau giờ tan ca, chỉ cần thủ thỉ con nhớ mẹ nhớ ba thì mọi buồn phiền tan biến (Bây giờ phải gọi online để thấy mặt nhau, nỗi nhớ chỉ thể hiện qua ánh mắt…) nhưng phải kìm lòng để không rơi nước mắt".
Còn trang “Nhật ký Phong tỏa bệnh viện” của bác sĩ Đặng Văn Trí - Bệnh viện C Đà Nẵng khiến người đọc thấy sự vững chãi và niềm tin của những “người hùng” nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19.
Bác Trí viết:“Vậy là thời khắc 0h ngày 28/7 đã đi vào lịch sử của Đà Nẵng khi lần đầu tiên thực hiện lệnh phong tỏa 3 bệnh viện lớn tại thành phố. Ai cũng hỏi, chúng tôi sống như thế nào phía bên trong 4 tường rào bệnh viện đã thực hiện phong tỏa?Đã 4 ngày đi qua, kể từ khi chúng tôi nhận được 3 chìa khóa và khi cả 3 cổng vào bệnh viện đều đóng lại. Dẫu biết là “tạm thời” nhưng tất cả đều chạnh lòng. Dẫu biết là tình cảm ngoài cộng đồng vẫn dành thật nhiều cho chúng tôi nhưng tất cả đều lưu luyến. Bởi, những ngày tới đây, mẹ xa con, vợ xa chồng, những tình cảm ruột rà máu mủ sẽ tạm ngưng đọng lại, mang theo cái nhớ da diết khó tả. Và, tất cả chúng tôi đều sống “cuộc sống 4 mới” để hoàn thành thiên chức thiêng liêng của các thầy thuốc là đánh thắng đại dịch COVID-19”.
Bác sĩ Đặng Văn Trí lập ra “thời gian biểu” mới cho cách sống và làm việc mới của bản thân: “Tất cả chúng tôi đều làm việc gần như là 24/24h và liên tục để sắp đặt và tái thiết lại môi trường làm việc mới khi chúng tôi làm việc trong môi trường khắc nghiệt hơn.Đôi lúc cảm thấy “mất nhịp sinh học” và thoáng quên thứ ngày - nhất là cuối tuần vừa rồi, hầu như chẳng ai để ý như thường nhật đó là dịp weekend của gia đình - tất cả đều lao vào công việc. Với những bữa ăn quá bữa và những bữa ăn vội vàng, tất cả cũng vì để bệnh nhân của chúng tôi bình yên hơn, an tâm hơn, tin tưởng hơn và ít xáo trộn cuộc sống hơn so với khi chưa phong tỏa. Cuối cùng, đến hôm nay, chúng tôi đã làm được điều đó. Một trải nghiệm đáng nhớ trong đời của các thầy thuốc!”
Theo bác sĩ Trí, tất cả chúng bác sĩ và những bệnh nhân, ngày thường vẫn là những con người đó, những gương mặt đó, những công việc đó. Nhưng những ngày này, ai cũng dành sự quan tâm chia sẻ cho nhau, thứ tình cảm giữa người với người cảm giác gần gũi thân thương. "Tất cả chúng tôi chưa ai trong đời thầy thuốc mà có kinh nghiệm sống và làm việc khi phong tỏa bệnh viện, phong tỏa khu phố. Tất cả đều là trải nghiệm lần đầu, nhưng với bản năng thương yêu đồng loại, thương yêu con người và bằng tri thức có được, chúng tôi đã hình thành các kỹ năng mới: tính toán để sinh tồn". - Bác sĩ Trí nói.
Dặn lòng, bác sĩ Đặng Văn Trí chia sẻ: “Ai cũng hỏi chúng tôi sẽ trụ được bao lâu sau 4 hàng rào bệnh viện khi công việc chính của chúng tôi chỉ là "nhìn - sờ - gõ - nghe" để chẩn đoán và điều trị bệnh. Giờ đây, chúng tôi phải biết tính toán phải cần bao nhiêu gạo, bao nhiêu lương thực thiết yếu, bảo quản dự trữ ra sao... để nuôi sống chúng tôi và các bệnh nhân của chúng tôi một cách khoẻ mạnh”.
Sau nữa nhưng chưa phải cuối, đó là "công nghệ mới": Khi chưa cách ly y tế, cứ mỗi sáng đầu ngày làm việc chúng tôi đều giao ban chuyên môn bằng cách cùng ngồi quanh một bàn để trao đổi về những bệnh nhân trong đêm trực qua. Còn giờ đây, đã cách ly y tế, không được tụ họp đông người. Vậy là chúng tôi tìm đến với "công nghệ mới", nào là Meeting Zoom, Google Meeting, vân vân mây mây. Tất cả cũng chỉ để hiểu biết nhiều nhất, chắc chắn nhất về tình hình bệnh tật của những bệnh nhân chúng tôi.
Chưa dừng lại ở đó, tại "Khu vực cách ly đặc biệt" thì rất hạn chế vào - ra vì nguy cơ lây nhiễm rất cao cho thầy thuốc và lây chéo cho người khác. Nhưng, bệnh nhân cần bác sĩ "luôn ở bên cạnh người bệnh". Vậy là, những thế hệ "công nghệ mới" về camera đã được các bác sĩ dùng đến như là giải pháp "kề vai sát cánh" với những bệnh nhân trên chiến hào "chống giặc" COVID-19.
Chỉ bấy nhiêu thôi, đã 4 ngày trôi qua, chúng tôi và những bệnh nhân thân thương của chúng tôi vẫn sống tốt và sống khoẻ; tuổi thọ của Cô Vy chắc chắn sẽ rất ngắn ngủi khi tất cả chúng tôi đều quen dần với "cuộc sống 4 mới".
Một ngày không xa, không phải chỉ “điểm nóng” Đà Nẵng mà là cả nước sẽ chiến thắng “giặc bệnh”, đội quân SARS-CoV-2 sẽ thất trận!
Có thể bạn quan tâm
Đà Nẵng công bố lộ trình di chuyển của 8 ca mắc COVID-19 ngày 30/7
12:07, 30/07/2020
NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: Ấm áp tình người Đà Nẵng giữa “cơn bão” COVID-19
11:00, 30/07/2020
Đà Nẵng tạm dừng hoạt động kinh doanh ăn uống từ 13 giờ ngày 30/7
11:00, 30/07/2020
Thêm 09 ca mắc COVID-19 tại Hà Nội, Đà Nẵng, Việt Nam có 459 ca bệnh
06:21, 30/07/2020
Thêm 9 ca mắc COIVD-19 ở Đà Nẵng, Hà Nội, Việt Nam có 459 ca bệnh
06:20, 30/07/2020