Trong giai đoạn 2016-2020, Tp Đà Nẵng giảm về số dự án đầu tư trong nước nhưng lại tăng gấp đôi thu hút đầu tư nước ngoài so với giai đoạn 2011-2015. Vậy, đâu là lý do?
Tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chỉ ra thực trạng thu hút đầu tư tại hội nghị tổng kết thực hiện Kết luận số 30-KL/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy về đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng diễn ra vào ngày 25/12 tại Đà Nẵng.
Thực tế, kết quả thu hút đầu tư trong nước của Đà Nẵng trong giai đoạn 2016-2020 được 163 dự án với tổng vốn 76.130 tỷ đồng, số dự án giảm 39 dự án nhưng vốn đầu tư tăng 43.270 tỷ đồng so với giai đoạn 2011-2015. Về thu hút đầu tư nước ngoài là 530 dự án với tổng vốn 1,045 tỷ USD, tăng 31,4 triệu USD và số dự án tăng gấp đôi so với giai đoạn 2011-2015.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, sở dĩ, việc thu hút đầu tư trong nước của Đà Nẵng còn đạt thấp trong tương quan so sánh với các địa phương bởi nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến quy mô nền kinh tế thành phố còn nhỏ bé, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm hơn 98%, thiếu sự liên kết mạch lạc.
Kế đến, việc Tp Đà Nẵng chưa mời gọi đầu tư được các tập đoàn đa quốc gia cùng dự án sản xuất có quy mô lớn; do dó, tính liên kết và lan tỏa, chuyển giao công nghệ cũng như phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế cũng là một nguyên nhân.
Song song, công tác cải cách hành chính, sự phối hợp giữa các sở, ngành trong giải quyết thủ tục đầu tư vẫn còn chậm, tâm lý né tránh trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chưa thể đáp ứng được mong đợi của nhà đầu tư.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Quảng, trái ngược với thu hút đầu tư trong nước, việc thu hút đầu tư nước ngoài tại Đà Nẵng những năm qua lại “khởi sắc” đáng kể bởi chính quyền TP đã mạnh dạn thực hiện nhiều ý tưởng hiệu quả để xúc tiến các dự án mới và tái khởi động các dự án nước ngoài đã cấp phép.
Cùng với đó, nhiều đề án đã được ban hành như: “Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020”; lồng ghép chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”… mà lãnh đạo thành phố thường xuyên kiểm tra thực tế và làm việc trực tiếp với nhà đầu tư nước ngoài, những dự án trọng điểm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Tiếp đến, công tác thu hút đầu tư nước ngoài được coi trọng khi Tp đăng cai tổ chức thành công sự kiện quốc tế lớn như APEC 2017, Tọa đàm mùa Xuân 2018 & 2019… đã tạo sức hút cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thời gian đến, xác đinh mục tiêu phục hồi nền kinh tế thành phố, tái cơ cấu ngành du lịch và chú trọng phát triển kinh tế ban đêm... Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ rõ loạt giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, trên cơ sở Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt, cần triển khai ngay công tác lập quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành, lĩnh vực và ban hành các quy định về quy hoạch và quản lý quy hoạch, làm cơ sở quan trọng để kêu gọi đầu tư; Chuẩn bị quỹ đất gắn với hạ tầng đồng bộ trong các khu, cụm công nghiệp và thường xuyên rà soát, đặc biệt sớm công khai danh mục quỹ đất và dự án kêu gọi đầu tư đến các tổ chức, cá nhân.
Đối với dự án sử dụng đất không hiệu quả hoặc không đầu tư, cần sớm thu hồi theo quy định, hài hòa quyền lợi của nhà đầu tư; Tiếp tục triển khai có kết quả các kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, nhất là Kết luận 2852 và kiên trì, kiên quyết kiến nghị Trung ương tháo gỡ các vấn đề vượt thẩm quyền. Đây là điểm nghẽn lớn trong phát triển thành phố trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua cần sớm xử lý dứt điểm để khơi thông nguồn lực từ đất đai, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và thành phố đầu tư phát triển.
Thứ hai, tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư các dự án trên lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, logistics; Đổi mới, đa dạng hoá hoạt động xúc tiến đầu tư. Tăng cường tiếp cận các tập đoàn, công ty trong và ngoài nước nắm giữ công nghệ nguồn, tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại; Chú trọng hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án đã cấp phép đưa vào hoạt động, mở rộng sản xuất, tăng vốn đầu tư.
Thứ ba, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với thực tiễn và khả thi. Cần phân biệt ưu đãi giữa các ngành, nghề đầu tư khác nhau và áp dụng nguyên tắc ưu đãi đầu tư gắn với đáp ứng các điều kiện, cam kết cụ thể và cơ chế hậu kiểm, yêu cầu bồi hoàn khi vi phạm các cam kết.
Thứ tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trên lĩnh vực sản xuất là một trong những nút thắt lớn mà các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố phải đối mặt và đã được chỉ ra tại Hội nghị.
Trong thời gian tới, trên cơ sở dự báo nhu cầu lao động đối với một số ngành, lĩnh vực trọng điểm đầu tư, Tp Đà Nẵng cần tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp về hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, chuyên môn cao gắn với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự đào tạo, phối hợp đào tạo cho người lao động.
Bí Thư Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: “Ban cán sự đảng UBND thành phố giao một cơ quan đầu mối có trách nhiệm xây dựng, theo dõi, đôn đốc kế hoạch tiến độ từng công trình, dự án động lực, trọng điểm, tái khởi động các dự án nhanh chóng và đúng pháp luật, kịp thời báo cáo lãnh đạo thành phố nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền”.
Có thể bạn quan tâm
Đà Nẵng: Nhiều người “quên” đeo khẩu trang khi đi chơi Giáng sinh
09:33, 24/12/2020
Đà Nẵng: Ảm đạm thị trường hàng hóa Giáng sinh
21:15, 23/12/2020
Đà Nẵng: Nước uống đóng chai không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
15:42, 22/12/2020
Đà Nẵng: Hàng chục nhân viên méo mặt vì chủ nhà hàng “quỵt” tiền lương
11:27, 21/12/2020
Đà Nẵng: Phát hiện 06 người Trung Quốc nghi nhập cảnh trái phép
10:40, 21/12/2020