Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động ứng dụng và phát triển chuỗi khối (Blockchain).
Thực tế, với 4 các đặc tính, gồm minh bạch, bất biến, phi tập trung, an toàn và bảo mật, ở Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2018, các doanh nghiệp bắt đầu quan tâm và tìm hiểu về Blockchain. Những năm sau đó (2019-2020), Chính phủ bắt đầu quan tâm Blockchain và thực hiện nghiên cứu, thí điểm. Từ năm 2021 đến nay, Blockchain bắt đầu được ứng dụng vào nhiều ngành nghề như dịch vụ công, tài chính, quản lý tài sản, y tế, giáo dục...
Chia sẻ về tác động của Blockchain đến nền kinh tế số, ông Lê Thái Dương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH U2U Venture Builder cho biết, công nghệ này mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực như tăng tính bảo mật, cải thiện tính minh bạch, giảm chi phí giao dịch, tạo dựng nền tảng cho nền kinh tế phi tập trung và đặc biệt là thúc đẩy đổi mới sáng tạo...
Về những cơ hội đối với Việt Nam khi phát triển Blockchain, ông Dương cho rằng, đây là lĩnh vực mới, xuất phát điểm là như nhau so với các quốc gia khác. Việt Nam nằm trong top 3 các quốc gia chấp nhận tiền điện tử, với nguồn nhân lực trẻ, năng động và chất lượng cao. Đặc biệt, ở Việt Nam hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển, nhất là trong lĩnh vực Blockchain. Với Blockchain, Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường, cải tiến chuỗi cung ứng, phát triển sản phẩm mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi và cơ hội, việc phát triển Blockchain ở Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít thách thức như chi phí triển khai cao, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhận thức của thị trường, cũng như hệ thống quy định pháp lý còn hạn chế.
“Để khắc phục những thách thức trên, qua đó thúc đẩy Blockchain phát triển lành mạnh hơn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm, cần xây dựng khung pháp rõ ràng về Blockchain; đồng thời có chính sách hỗ trợ về phí, thuế đối với lĩnh vực còn rất mới này; tăng cường giáo dục và đào tạo, để tạo ra nguồn nhân lực dồi dào, chất lương cao...”, ông Dương đề xuất.
Đồng quan điểm, không ít ý kiến cho rằng, để tăng cường phát triển Blockchain, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ và nắm bắt cơ hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, quản lý đất đai, bất động sản, tài sản. Bên cạnh đó, cần có lộ trình kế hoạch Chiến lược quốc gia về Blockchain do Nhà nước ban hành nhằm tạo môi trường ứng dụng công nghệ Blockchain; phát triển công nghệ Blockchain; phát triển nguồn nhân lực về Blockchain. Đặc biệt, xây dựng khung pháp lý; thiết lập các tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn bảo mật và bảo vệ thông tin riêng; xây dựng sự tin tưởng và liên thông của các Blockchain…
Được biết, ngày 22/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 1236/QĐ- TTg ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ Blockchain đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược).
Chiến lược nêu rõ tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm các nước dẫn đầu trong khu vực và có vị thế quốc tế trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ Blockchain; đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ Blockchain trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thực hiện hóa mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng.
Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng 20 thương hiệu Blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ Blockchain trong khu vực; duy trì vận hành tối thiểu 3 trung tâm hoặc đặc khu thử nghiệm về Blockchain tại các thành phố lớn để hình thành mạng lưới quốc gia; có đại diện nằm trong bảng xếp hạng nhóm 10 cơ sở đào tạo và nghiên cứu về Blockchain dẫn đầu trong khu vực Châu Á.
Để đạt được các mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược là xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động ứng dụng và phát triển Blockchain.
Trong đó, rà soát, nghiên cứu và đánh giá ảnh hưởng của hành lang pháp lý hiện hành với các giải pháp, ứng dụng Blockchain. Nghiên cứu, xây dựng các chính sách và tiêu chuẩn về nền tảng, sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ Blockchain đảm bảo tính liên thông và tính mở của các bên tham gia vào các giao dịch dựa trên công nghệ Blockchain. Tăng cường hướng dẫn và điều chỉnh công nghệ Blockchain. Đồng thời, nâng cao hiệu lực các quy định của pháp luật trong quản lý công nghệ Blockchain để thúc đẩy sự phát triển an toàn, tin cậy của công nghệ này.