Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, do Chính phủ trình.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, Quốc hội không xem xét thông qua toàn bộ nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi mà chỉ thông qua một số điểm chính, là những vấn đề thiết yếu, trong khuôn khổ của Nghị quyết 94 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.
“Những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ phải quyết định theo quy định của pháp luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định. Về tổng mức đầu tư của dự án, Quốc hội giao Chính phủ xác định tổng mức đầu tư của giai đoạn 1, nằm trong tổng mức đầu tư đã được xác định cả 3 giai đoạn theo Nghị quyết 94.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất việc trình Quốc hội xem xét đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh đất quốc phòng từ 1050 xuống còn 570ha dùng riêng và 480ha dùng chung.
"Tuy nhiên, Chính phủ phải hoàn thành đầy đủ hồ sơ, trong đó có thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước và Bộ Quốc phòng về vấn đề này”, ông Hiển lưu ý.
Ủy ban Kinh tế cho rằng nhiều hạng mục mới tính toán ở thiết kế sơ bộ, có thể tăng tổng mức đầu tư khi tính toán chi tiết. Vì vậy, cơ quan này đề nghị Chính phủ rà soát chặt chẽ, tránh gây biến động lớn về tổng mức đầu tư.
Đáng chú ý, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung thu hồi 136 ha đất để thực hiện 2 tuyến giao thông kết nối sân bay.
Liên quan đến việc chỉ định ACV là nhà đầu tư các hạng mục chính của sân bay Long Thành, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển kết luận, việc đấu thầu hay chỉ định thầu là thẩm quyền của Chính phủ. Việc Chỉ định thầu với nhà đầu tư đã được quy định tại khoản 4 Điều 22 của Luật Đấu thầu.
Trước đó ngày 16/10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, kiểm tra công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Ông yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai tập trung nguồn lực thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, sớm chi trả tiền cho người dân.
Báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với giai đoạn 1 của Dự án, đến nay đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Quy mô đầu tư giai đoạn 1 gồm: Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ.
Tổng mức đầu tư dự kiến (bao gồm chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, dự phòng khối lượng, dự phòng trượt giá và lãi vay…) là 111.689 tỷ đồng (một trăm mười một nghìn, sáu trăm tám mươi chín tỷ đồng), tương đương khoảng 4,779 tỷ USD.
Sân bay Long Thành là công trình có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD), trong đó giai đoạn một là 114.000 tỷ đồng (5,4 tỷ USD); kế hoạch chậm nhất 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn một. Trong giai đoạn 1, sẽ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ. Tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng. |