Mặc dù đánh giá việc tăng giá điện là không tránh khỏi trong thời gian tới, tuy nhiên, theo chuyên gia, cần cân đối mức tăng, tránh tạo “cú sốc” về giá cho người dân, doanh nghiệp…
>> Tăng giá điện – Cần đảm bảo hài hòa lợi ích
Theo Quyết định 02/2023 về khung giá bán lẻ điện bình quân vừa được Chính phủ ban hành, từ ngày 3/2, giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu tăng 220 đồng/KWh và tối đa tăng 538 đồng/KWh, tương đương tỷ lệ tăng lần lượt là 13,7% và 28,2%. Đây chỉ là cơ sở cho các đơn vị, cơ quan liên quan xem xét, hiệp thương để đưa ra mức tăng riêng cho từng khu vực tiêu dùng.
Trước khi Quyết định 02/2023/QĐ-TTg có hiệu lực, giá điện bán lẻ bình quân của Việt Nam là 1.864,44 đồng một kWh (tương đương 0,08 USD/kWh). Như vậy với lộ trình điều chỉnh khung giá điện mới, giá bán lẻ điện của Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới.
Thông tin về nguyên nhân khiến khung giá bán lẻ điện tăng, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho hay, do tác động của tình hình khủng hoảng năng lượng, căng thẳng địa chính trị tại châu Âu, biến động tỷ giá giữa đồng USD và nhiều đồng tiền khác, áp lực của lạm phát, gia tăng chi phí sản xuất kinh doanh trên toàn cầu dẫn đến việc tăng giá năng lượng tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
“Khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân hiện tại không còn phù hợp với bối cảnh và chưa phản ánh sự biến động của các thông số đầu vào tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, đặc biệt là biến động của giá nhiên liệu, Bộ Công Thương nhận thấy cần thiết sửa đổi, bổ sung, thay thế Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg và đây là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay”, ông Hòa chia sẻ.
Thực tế, báo cáo mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, ước tính năm 2022, Công ty mẹ EVN, các Tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 28.876 tỷ đồng.
Nguyên nhân được Tập đoàn này cho biết là do giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao như giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới; chi phí của các nhà máy sản xuất điện tăng mạnh, làm tăng chi phí mua điện trên thị trường điện của EVN, mặc cho những nỗ lực tiết giảm chi phí của tập đoàn.
Đáng nói, năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành, thì EVN lỗ dự kiến lên đến 64.941 tỷ đồng; trong đó 6 tháng đầu năm sẽ lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm lỗ 20.842 tỷ đồng. Như vậy, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN luỹ kế 2 năm 2022 và 2023 là 93.817 tỷ đồng. Điều này sẽ gây mất cân đối trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn này.
>> Khó có thể điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu
Trước thực tế đã nêu, theo các chuyên gia, việc tăng giá điện là khó tránh khỏi, tuy nhiên, cần tính toán kỹ về mức tăng cụ thể, trong đó, cần cân đối giữa nhu cầu phát triển của nền kinh tế, sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh với chi phí, giá thành kinh doanh điện của EVN.
Thông tin với báo chí, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV cho rằng, tăng giá điện là việc không mong muốn nhưng vẫn phải làm. Chúng tôi đã lượng hóa sơ bộ tác động của tăng giá điện thì thấy rằng tác động tương đối nhiều. Vì vậy chúng tôi đề xuất nên chăng tăng khoảng 5-7% vào thời điểm cần cân nhắc, không rơi vào cao điểm.
Năm 2022 EVN cung cấp hơn 242 tỷ kWh điện thương phẩm. Với giá bình quân hiện nay 1.864 đồng/kwh, tổng doanh thu từ kinh doanh điện của EVN đạt khoảng 452 nghìn tỷ đồng. Nếu tính trên cơ sở năm 2022, cứ với 1% giá điện bình quân tăng thêm, EVN sẽ tăng thu 4.500 tỷ đồng. Như vậy ở mức tăng giá 7% EVN sẽ tăng thu 31,5 nghìn tỷ - đủ để không lỗ. Còn ở mức tăng 10%, EVN sẽ tăng thu 45 nghìn tỷ - có lãi 14 nghìn tỷ đồng.
Tuy vậy, năm 2023 EVN có thể sẽ thu được nhiều hơn mức dự tính ở trên, bởi sản lượng điện thương phẩm dự kiến tăng thêm 9 tỷ Kwh trong khi chi phí sản xuất được dự báo giảm: Theo WB giá than, khí năm nay sẽ giảm từ mức tăng kỷ lục năm ngoái. Dự báo giá năng lượng sẽ giảm khoảng 11%.
Xoay quanh câu chuyện về mức tăng, một số chuyên gia cũng cho rằng, sau 4 năm chưa được tăng giá, EVN đang lỗ nặng, sẽ phải tính toán một mức tăng phù hợp để bù đắp, bảo đảm cho hoạt động của doanh nghiệp ngành điện và tái đầu tư. Tuy nhiên, mức tăng đó cũng phải hài hòa khi doanh nghiệp và người dân đang gặp khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế - xã hội.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, lộ trình tăng cần được EVN, các cơ quan có thẩm quyền tính toán kỹ lưỡng. Bên cạnh bảo đảm mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định hoạt động của doanh nghiệp, thì giảm thiểu tác động đến đời sống người dân cũng là mục tiêu cần đặc biệt lưu ý.
Còn theo chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh, cần cân nhắc đầy đủ các yếu tố, trong đó có bảo đảm cân bằng tài chính cho “nhà đèn”, cân nhắc yếu tố điều hành kinh tế vĩ mô, lạm phát, đời sống người dân. Mức tăng và lộ trình phải bảo đảm tác động nhỏ nhất tới các đối tượng chịu tác động khi điều chỉnh giá.
“Năm 2023 được dự báo khó khăn, thách thức lớn hơn rất nhiều, nên cần tránh tạo “cú sốc” về giá điện cho các ngành sản xuất cũng như đời sống của người dân”, TS. Lê Đăng Doanh lưu ý.
Có thể bạn quan tâm
Tăng giá điện – Cần đảm bảo hài hòa lợi ích
11:10, 24/12/2022
Áp dụng cơ chế tự động với giá điện thị trường
00:00, 19/12/2022
Khó có thể điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu
04:00, 16/12/2022
Đề xuất tăng giá điện và câu hỏi “sao cho hợp lý”
01:00, 12/12/2022
Tăng giá điện – Tránh để tác động ngược lại với nền kinh tế
04:00, 04/12/2022