Tăng lương để… “không cần tham nhũng”?

BẢO LAM 03/04/2021 09:50

Nếu những người làm kiểm toán có “một chế độ thoả đáng” chắc chắn sẽ “không cần tham nhũng và không dám tham nhũng”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến tại phiên thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán nhà nước vừa diễn ra mới đây.

đại biểu Hoàng Văn Cường đoàn Hà Nội

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Cụ thể, trong phiên thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán nhà nước, đại biểu Hoàng Văn Cường đưa ra đề xuất sử dụng 1% số tiền tăng lên mà Kiểm toán Nhà nước phát hiện trong các sai phạm để trả lương cho đội ngũ kiểm toán (mỗi người sẽ được gần 100 triệu/tháng).

"Tôi cho rằng không nên tăng cường thêm đội ngũ kiểm toán mà cần phải kiến nghị có một chính sách để khuyến khích về chế độ cho những người làm việc trong ngành kiểm toán. Tôi chỉ đưa ra một con số thế này, nếu chúng ta chỉ dùng 1% số tiền mà kiểm toán phát hiện, xử lý kiến nghị tăng lên và tiết kiệm ngân sách để chi cho kiểm toán thì tiền lương của đội ngũ kiểm toán cũng gần 1 tỷ đồng/1 người/1 năm. Nó tương đương với gần 100 triệu/tháng", ông Cường đề xuất.

Vị đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho rằng chính sách khuyến khích thỏa đáng như thế thì sẽ giúp những người làm kiểm toán có "một chế độ thỏa đáng". Kết hợp với hình thức kiểm toán độc lập để tra soát, ông Cường tin mục tiêu "không cần tham nhũng và không dám tham nhũng" sẽ đạt được. "Điều này cũng sẽ mang lại những hiệu quả rất tốt để tăng cường vai trò kiểm toán trong việc phòng, chống tham nhũng", ông Cường nói thêm.

Có thể nhận thấy, một trong những định hướng cải cách tiền lương của Chính phủ để phòng chống tham nhũng là bảo đảm cho người có chức, có quyền có mức thu nhập khá trong xã hội. Đồng thời thực hiện đãi ngộ hợp lý với những người làm trong lĩnh vực đặc thù, nhất là lĩnh vực phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, mặc dù đã cải cách tiền lương, nhưng tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra. 

Trong báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh đến công tác chống tham nhũng. Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, bài bản, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi sai phạm theo phương châm: không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh lớn.

Có thể khẳng định, tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp được phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng thẳng thắn thừa nhận việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ còn một số hạn chế như: Việc chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm; Chủ tịch nước quyết định ký kết các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước về ODA mang tính hình thức vì không quản lý trực tiếp, ít nắm được cụ thể tình hình quản lý, sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ODA…

Đúng vậy, thực tế đã có rất nhiều vụ tham nhũng được đưa ra ánh sáng. Nhưng đó chỉ là những vụ việc điển hình, nổi bật, người viết nói riêng, và đại đa số người dân Việt Nam nhận thấy rằng, ở nhiều nơi, tham nhũng vẫn tồn tại, thậm chí tồn tại một cách hiển nhiên. Thậm chí, có nhiều người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng chống tham nhũng. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi bị buông lỏng. Đáng chú ý, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Và vì những "công bộc" như vậy còn tồn tại nên tham nhũng vẫn tồn tại.

Quay trở lại với đề xuất tăng lương để “không cần tham nhũng” của vị đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội nói trên, liệu đây có phải là một giải pháp hợp lý. Để trả lời được câu hỏi này, trước hết cần phải làm rõ: Ai tham nhũng? Người có chức quyền. Vì sao họ tham nhũng? Lương thấp, lương không thực chất nên phải tăng lương cho họ để họ "đủ" thu nhập rồi, không tham nhũng nữa.

Nghe thì có vẻ logic, thế nhưng liệu lương bổng khá hơn sẽ bớt tham nhũng đi. Nếu tăng lương rồi mà vẫn tham nhũng thì chúng ta phải làm gì nữa? Còn nhớ, trước đây ngành giáo dục cũng từng đưa ra một lý luận kiểu thu nhập cho giáo viên, để tăng chất lượng. Thực tế là thu nhập của giáo viên đã tăng, nhưng chất lượng giáo dục, giờ thế nào, ai cũng có thể trả lời.

Thực tế mà nói, nếu nhìn vào bảng lương mà Chính phủ trả cho "người làm thuê" cho nhân dân (viên chức, công chức) thì thấy lương cho người có chức quyền không thấp (so với mặt bằng chung của xã hội). Chưa kể, lương và thu nhập là hai khái niệm khác nhau. Thế nhưng vì sao tham nhũng vẫn xảy ra?

Nói như vậy để thấy, mặc dù để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước thì thay đổi chính sách tiền lương gần như là đương nhiên. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ!

Một vị lãnh đạo hoạt động trong lực lượng vũ trang từng chia sẻ rằng, dù kỷ luật rất mạnh nhưng anh vẫn gặp khó trong việc quản lý cấp dưới do “cứ đến kỳ là lên lương” nên nhân viên không có động lực phấn đấu. Thậm chí, với tuổi đời còn trẻ, mang tiếng làm sếp và cáng đáng nhiều trọng trách nhưng lương của vị lãnh đạo này còn thấp hơn mức thu nhập của cấp dưới ở đơn vị!

Đó là những bất cập rất dễ thấy trong thực tế. Phải trải qua nhiều quá trình phấn đấu mới đạt được một chức vụ trong tổ chức, song đổi lại, mức lương không tương xứng, không chênh lệch là bao so với một công chức bình thường. Do đó, để cải thiện thu nhập cuộc sống, không ít cán bộ, công chức đã có những cách “kiếm thêm” mà nhiều nơi vẫn gọi là “tham nhũng vặt”, thậm chí là tham ô tài sản công, nhận hối lộ, đút lót, vi phạm pháp luật… 

Nguồn ảnh: Internet

Nguồn ảnh: Internet

Vậy phải làm sao để giảm được tham nhũng?

Đây là một cuộc chiến không kém cam go. Chẳng thế chúng ta đã dùng chữ "giặc nội xâm". Tham nhũng hiện nay tràn lan, khắp mọi nơi. Đâu phải chỉ là người có chức quyền nắm giữ trọng trách, mới tham nhũng, mà một nhân viên bảo vệ, một nhân viên cảnh sát... vẫn có thể tham nhũng.

Trong báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh đến công tác chống tham nhũng.  Qua đó, ông Nguyễn Phú Trọng thêm một lần khẳng định việc chống tham nhũng, tiêu cực là “không có vùng cấm”, và không vụ việc tiêu cực nào có thể “chìm xuồng”.

Đây cũng chính là quan điểm chỉ đạo của Đảng ta trong suốt mấy nhiệm kỳ qua. Quan điểm này đang được tiếp nối ngay trong những tháng đầu của nhiệm kỳ khóa XIII, đặc biệt được nhấn mạnh tại kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021.

Nói về công việc thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết: “Ban Chỉ đạo đã nói rất nhiều lần là phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, làm liên tục, bền bỉ, không ngừng, không nghỉ, không ngại ngần khó khăn; càng khó càng phải quyết tâm cao, phải phối hợp tốt hơn nữa”. Câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã cho thấy ý chí mạnh mẽ, bền bỉ của Đảng ta, Nhà nước ta trong đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực.

Đúng vậy, chỉ có ý chí mạnh mẽ, những hình thức răn đe mạnh, sự can thiệp kịp thời của pháp luật, thì tham nhũng mới có thể giảm được. Đáp ứng được mức lương như đề xuất của vị đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội ở trên cho ngành Kiểm toán nói riêng, và các ngành nghề khác nói chung, nếu có may ra chỉ chặn được phần nào động lực "tham nhũng vặt", còn tham nhũng lớn, để loại trừ tận tốc, chắc chắn phải nằm ở cơ chế giám sát và công tác cán bộ. 

Có thể bạn quan tâm

  • GÓC NHÌN CHÍNH TRỊ-XÃ HỘI: Không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực

    05:00, 27/03/2021

  • Tăng cường hiệu lực giám sát của Quốc hội; tránh tham nhũng chính sách

    13:00, 26/03/2021

  • 5 năm, xét xử 7.463 vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp

    11:01, 25/03/2021

  • TT khuyến nghị 3 vấn đề phòng, chống tham nhũng Việt Nam

    19:00, 23/02/2021

  • Trị tham nhũng như "cưa một cành mọt để cứu cả cái cây"

    10:58, 01/02/2021

  • Đại hội XIII: Tiếp tục “đốt lò” chống tham nhũng

    06:00, 27/01/2021

  • Đại hội XIII của Đảng: Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng!

    07:59, 24/01/2021

  • Tài sản trăm tỉ và chuyện phòng chống tham nhũng

    06:00, 15/01/2021

  • Gần 80 nghìn tỷ đồng tài sản tham nhũng được thu hồi từ năm 2016 đến nay

    18:42, 12/01/2021

  • Hà Nội phát triển mạnh mẽ do phòng chống tham nhũng quyết liệt

    18:18, 23/12/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tăng lương để… “không cần tham nhũng”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO