Ngành công nghiệp thuốc lá tạo ra rất ít việc làm, và số việc làm ngày càng giảm do tính chất tự động hóa và cơ giới hóa trong quy trình sản xuất.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, lao động trong lĩnh vực sản xuất thuốc lá đã giảm từ 13.586 lao động năm 2010 xuống 11.140 lao động năm 2018. Trong khi đó, tổng sản lượng của ngành thuốc lá giai đoạn 2010-2018 hầu như không thay đổi. Đáng lưu ý, số lượng lao động ngành sản xuất thuốc lá giảm ngay cả trong những năm mà sản lượng sản xuất tăng.
Tương tự, đối với nông dân trồng cây thuốc lá, số liệu cũng cho thấy từ 1985-2018, năng suất trồng thuốc lá có xu hướng tăng trong khi diện tích trồng thuốc lá có xu hướng giảm, và ngay cả ở những giai đoạn diện tích trồng thuốc lá giảm mạnh (2016-2018) thì năng suất vẫn tăng. Như vậy, không có căn cứ để cho rằng tăng thuế thuốc lá làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của ngành thuốc lá.
Xét trên bình diện chung của nền kinh tế, tăng thuế thuốc lá làm tăng công ăn việc làm và tác động tích cực đến tổng sản phẩm quốc nội.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về thuế thuốc lá năm 2017 chỉ ra rằng: “Giảm nhu cầu tiêu dùng thuốc lá không có nghĩa là giảm tổng mức công ăn việc làm của nền kinh tế. Khoản chi tiêu mà những người hút thuốc dùng mua thuốc lá sẽ được chuyển sang mua hàng hóa và dịch vụ khác, thúc đẩy tạo ra công ăn việc làm khác thay thế cho việc làm mất đi trong công nghiệp thuốc lá. Điều này sẽ tạo thêm việc làm cho nền kinh tế”.
Nói về tác động của tăng thuế thuốc lá tới việc làm, ông Đào Thế Sơn, Chuyên gia kinh tế cho biết, việc làm tạo ra trong ngành thuốc lá chỉ chiếm từ 0,39% đến 0,42% tổng việc làm trong nền kinh tế. Số liệu thống kê thực tế, ngay cả khi không tăng thuế thuốc lá thì việc làm trong ngành thuốc lá cũng tăng, giảm tùy năm (do tác động của cải tiến công nghệ).
“Thuốc lá là một ngành có đặc tính sử dụng ít lao động hơn so với các ngành khác. Tăng thuế có thể giảm việc làm trong ngành thuốc lá, nhưng lại làm chuyển dịch tăng việc làm ở các ngành khác, làm tăng tổng việc làm của nền kinh tế”- ông Đào Thế Sơn nhìn nhận.
Để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.
Ông Đào Thế Sơn cũng kiến nghị, chính sách thuế cần thể hiện vai trò chủ đạo trong giảm tiêu dùng; chính sách thuế góp phần nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật/tử vong và chi phí y tế. Việt Nam nên bổ sung thuế tuyệt đối ở mức đủ cao và có thay đổi định kỳ; sử dụng giá bán lẻ làm cơ sở tính thuế tỷ lệ thay vì giá xuất xưởng như hiện tại. Để giảm khả năng chi trả cho thuốc lá, ông Sơn cho rằng nên tăng đáng kể thuế đối với thuốc lá và điều chỉnh thường xuyên để bắt kịp với lạm phát và tăng trưởng thu nhập.