Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 108.597,6 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2017, vượt kế hoạch năm 2018, tăng cao nhất từ trước đến nay và cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng.
Bứt phá ngoạn mục
Đây là năm thứ 3 liên tiếp thành phố thực hiện chủ đề “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách – Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành tiếp tục có nhiều đổi mới, với những cách làm hiệu quả.
Trong 9 tháng qua, ước tính tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) theo giá so sánh 2010 đạt 108.597,6 tỷ đồng, tăng 16,20% so cùng kỳ năm trước, vượt kế hoạch cả năm 2018 (kế hoạch tăng 15%), cao nhất từ trước đến nay và cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng.
Kết quả đó phản ánh việc bố trí cơ cấu kinh tế hợp lý, đã được thành phố tính toán kỹ lưỡng trong kế hoạch cả năm. Theo đó, khu vực nông-lâm nghiệp – thủy sản tỷ trọng 5,11%; công nghiệp-xây dựng 43,59%; khu vực dịch vụ 44,44%. Kết quả 9 tháng đã khẳng định hướng đi đúng đắn, khi khu vực tỷ trọng càng lớn càng đạt hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thúc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế bền vững theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Biểu hiện là tăng trưởng khu vực công nghiệp-xây dựng đạt cao nhất với 25,49%, khu vực dịch vụ tăng 10,27%, đóng góp tổng mức 15,41% vào tăng trưởng chung.
Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế chủ đạo khác cũng đạt mức tăng trưởng rất cao, như tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 65.577,7 tỷ đồng, tăng 48,18%; sản lượng hàng qua cảng ước đạt 78,9 triệu tấn, tăng 19,08%; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 1,454 tỷ USD, tăng 198,44%; thu hút khách du lịch đạt trên 5,95 triệu lượt, tăng 19,15%...
Nỗi lo còn đó
Tại hội nghị thường kỳ tháng 9 của UBND TP Hải Phòng vừa qua, nhiều ý kiến đã nhìn thẳng vào thực tế, phân tích cho thấy, những con số tích cực nêu trên mới thể hiện sự nỗ lực trong bối cảnh khó khăn chung, chứ chưa thể yên tâm về mục tiêu tăng trưởng.
Có thể bạn quan tâm
|
Chẳng hạn trên lĩnh vực công nghiệp, tăng trưởng chung là 25,15%, nhưng vẫn chủ yếu dựa vào sự đóng góp lớn của khu vực đầu tư nước ngoài, có thể kể như ngành sản xuất thiết bị truyền thông tăng tới 212,35%, sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 56,21%, do có sự đóng góp của ba dự án công nghệ cao thuộc tập đoàn LG tại Hải Phòng.
Nhìn vào tổng thể trong 51 nhóm ngành kinh tế cấp 4, vẫn có 22 ngành chỉ số giảm, lo nhất thuộc về ngành đóng tàu và cấu kiện nổi, với mức giảm tới 52,26%, sản xuất đồ chơi giảm 32,08%, sản xuất thức ăn gia súc giảm 20,69%...
Bên cạnh đó, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế tạo, chế biến tăng nhưng chiếm tỷ lệ khá thấp so với tổng mức tăng trưởng, với khoảng 10%, thậm chí có dấu hiệu sụt giảm trong tháng 9. Điều này cho thấy, các chỉ tiêu tăng trưởng dù cao, nhưng vẫn tiềm ẩn tính chất thiếu bền vững.
Về thu ngân sách, năm 2017 vừa qua thành phố đạt được kết quả ngoạn mục, với tổng thu nội địa đạt xấp xỉ 22.000 tỷ đồng, tuy nhiên đây cũng là ngưỡng thách thức không nhỏ cho việc tăng thu năm 2018.
Tính đến hết tháng 9, thu nội địa trên địa bàn thành phố mới đạt 68,7% dự toán HĐND TP giao, trong đó mới có 6/17 chỉ tiêu đạt mức từ 75% kế hoạch, còn lại chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Tiếp tục triển khai những dự án lớn
Về đầu tư phát triển, tại thời điểm này thành phố có nhiều công trình trọng điểm của cả Trung ương và địa phương đang được xúc tiến triển khai, nhất là trên lĩnh vực hạ tầng kinh tế, hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị.
Đáng chú ý như hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bắc sông Cấm; nhà máy ô tô Vinfast, cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Linh, chỉnh trang sông Tam Bạc, xây dựng lại các chung cư xuống cấp...
Thời gian tới một số dự án mới sẽ được bắt đầu như: nhà ga hành khách số 2 tại cảng hàng không quốc tế Cát Bi, đường và cầu Tân Vũ – Lạch Huyện số 2, các bến cảng tiếp theo của cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng…
Đây đều là các dự án lớn, trọng điểm, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn và những nỗ lực rất cao trong công tác giải phóng mặt bằng.