Tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại trong 6 tháng cuối năm do cần thời gian để thích ứng với chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Theo MBS Research, trong 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ, gần như đi ngang so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có mức tăng trưởng mạnh như: Đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận, tăng 103,4%; điện tử, máy tính và linh kiện, tăng 40%; sản phẩm từ sắt thép, tăng 31,6%; dây điện và cáp điện, tăng 26,9%; và cao su, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, xuất khẩu thép giảm 22,5% so với cùng kỳ với giá trị đạt 3,7 tỷ USD. Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tăng 9,4% chiếm 26,5% tổng kim ngạch, trong khi xuất khẩu của khu vực FDI tăng 16,4%, chiếm 73,5%.
Về thị trường xuất khẩu, xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 28,2% so với cùng kỳ với kim ngạch xuất khẩu đạt 70,9 tỷ USD. Xuất khẩu sang EU cũng có diễn biến tương tự khi tăng 10% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc tăng nhẹ 4.2% svck. Xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 12.8 tỷ USD, phản ánh mức tăng trưởng 11.8% svck.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, nhập khẩu tăng mạnh 17,9% so với cùng kỳ khi các doanh nghiệp tăng cường tích trữ nguyên vật liệu trong bối cảnh bất ổn thuế quan. Ngoài ra, mức tăng trưởng này cũng phần nào phản ánh nỗ lực giảm thặng dư thương mại với Mỹ khi kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ tăng mạnh 22,3% và đạt 8,9 tỷ USD – mức cao nhất trong 6 tháng, trong giai đoạn 2020 – 2025. Theo đó, Việt Nam ghi nhận mức thặng dư thương mại 7,63 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2025, thấp hơn đáng kể so với mức 11,63 tỷ USD trong 6 tháng năm 2024.
Các mặt hàng nhập khẩu với kim ngạch lớn bao gồm: thiết bị điện tử (67,9 tỷ USD, +37,2%); máy móc (28 tỷ USD, +24,4%); vải (7,5 tỷ USD, +3,5%), và chất dẻo (6,2 tỷ USD, +12,8%) so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm 40% tổng kim ngạch nhập khẩu), tiếp theo là Hàn Quốc (13,4%), ASEAN (12,5%) và Nhật Bản (5,5%).
Nhận định về tình hình tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối năm, MBS Research cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại trong 6 tháng cuối năm do cần thời gian để thích ứng với chính sách thuế quan mới của Mỹ. Đồng thời, đơn vị này cũng đánh giá, mức thuế suất 20% giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh xuất khẩu.
Theo đó, ngày 3/7, Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đạt được thỏa thuận thuế quan với Mỹ với mức thuế suất 20% cho hàng hóa Việt Nam và 40% cho hàng hóa trung chuyển, có hiệu lực từ ngày 1/8/2025. Mức thuế suất này cơ bản thấp hơn so với được công bố ban đầu vào ngày 2/4, đồng thời đây là tín hiệu tích cực khi các nước xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam hiện đều có mức thuế cao hơn. Ngược lại, Việt Nam sẽ giảm thuế về 0% cho hầu hết các mặt hàng nhập từ Mỹ
“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại trong 6 tháng cuối năm do nhu cầu sẽ giảm sau khi các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh tích trữ hàng hóa trước hạn thuế quan đầu tháng 7; và cần thời gian để có định nghĩa cụ thể về các loại hàng hóa, chẳng hạn như quy định về nguồn gốc xuất xứ cho “hàng hóa trung chuyển””, chuyên gia của MBS Research nhận định.
Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn cung ứng linh kiện và nguyên liệu, thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển, và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.
Ở chiều ngược lại, đơn vị này cho rằng, với việc giảm thuế 0% và tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ nhằm thu hẹp thâm hụt Thương mại giữa hai nước, sẽ gây áp lực lên tỷ giá USD/VND trong thời gian tới đồng thời giảm nguồn thu ngân sách khoảng 4,4 nghìn tỷ đồng.
Cũng theo MBS Research, bất chấp xung đột khu vực Trung Đông, giá trị thương mại hàng hóa toàn cầu tăng mạnh 3,6% trong quý II/2025 chủ yếu do tăng giá hàng hóa đóng góp 2.5%, trong khi khối lượng hàng hóa tăng 1%.
Thâm hụt Thương mại của Mỹ tiếp tục mở rộng thêm 31% so với quý trước lên 442 tỷ USD, trong đó, Việt Nam hiện là đối tác có thâm hụt thương mại với Mỹ lớn thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và EU.
Theo UNCTAD, Thương mại hàng hóa toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong nửa cuối năm 2025, giữa bối cảnh căng thẳng khu vực Trung Đông gia tăng, tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại và chính sách thuế quan mới của Mỹ làm thay đổi bức tranh Thương mại.
“Chúng tôi ước tính tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại, chỉ ở mức 4% - 6% trong nửa sau năm 2025 chủ yếu do cần thời gian để thích ứng với chính sách thuế quan mới. Cả năm 2025, xuất khẩu ước tăng 9% - 10%”, MBS Research nhận định.
Về nhập khẩu, MBS Research cho rằng, hàng hóa từ Trung Quốc, chiếm 40% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sẽ chậm lại, do thắt chặt về xuất xứ nguồn gốc cũng như khả năng sẽ chịu mức thuế cao hơn. Bù lại, nhập khẩu thị trường Mỹ có mức tăng vọt 22% trong nửa đầu năm sẽ duy trì đà tăng. Do đó, ước tính nhập khẩu sẽ tăng 12% trong 6 tháng cuối năm và tăng 15% cho cả năm 2025.
Kết quả, thặng dư thương mại 2025 sẽ rơi vào khoảng 4 - 8 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 24,8 tỷ USD của năm 2024. Đây cũng là yếu tố sẽ tạo áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới.