Kinh tế thế giới

Tạo “bước nhảy” xuất khẩu sang EU

Trương Khắc Trà 16/12/2024 11:04

Mặc dù Hiệp định EVFTA thúc đẩy thương mại song phương, nhưng xuất khẩu của Việt Nam đối mặt thách thức mới từ Kế hoạch kinh tế tuần hoàn (CEAP) của EU.

vn-eu-hang-xk_hoai-huong84.jpg
Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU) năm 2024. Nguồn: Ủy ban Châu Âu, TCHQ, TTX

Trước bối cảnh này, theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược quyết liệt hơn để đáp ứng tiêu chuẩn xanh của EU nhằm tạo “bước nhảy” cho xuất khẩu sang thị trường này.

Những khung khổ cần lưu ý

Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn của EU sẽ giảm bớt áp lực lên tài nguyên thiên nhiên; đồng thời thúc đẩy tăng trưởng bền vững và tạo việc làm ổn định. Quá trình chuyển đổi này cũng rất cần thiết để đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu của EU vào năm 2050.

Đối với mua sắm, EU ưu tiên mua các sản phẩm tuần hoàn, điều chỉnh các tiêu chuẩn mua sắm thông qua ngưỡng tỷ lệ phần trăm có thể tái chế, khả năng tái sử dụng và an toàn sinh thái; đồng thời mở rộng mua sắm công để tạo ra thị trường sản phẩm tuần hoàn.
Về ưu đãi thuế, EU thực hiện thay đổi thuế đối với các sản phẩm kinh tế tuần hoàn, chẳng hạn như giảm thuế VAT đối với các sản phẩm kinh tế tuần hoàn và tăng thuế VAT đối với các sản phẩm kinh tế tuyến tính, đồng thời giảm thuế doanh nghiệp cho các công ty tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn.

EU tự do hóa hoạt động kinh doanh chất thải bằng chính sách giảm rào cản pháp lý đối với hoạt động thương mại và sử dụng chất thải có trong danh mục; đồng thời phát triển nền tảng giao dịch tuần hoàn; thành lập các khu công nghiệp xanh; thiết lập cơ sở dữ liệu để theo dõi nguyên, vật liệu trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, EU lồng ghép các mục tiêu kinh tế tuần hoàn vào các hiệp định thương mại tự do, các thỏa thuận khu vực và đa phương quốc tế, cũng như trong các cơ chế tài trợ chính sách đối ngoại của EU.

Ngoài ra, EU sẽ ban hành những quy định cụ thể đối với từng loại nguyên, vật liệu tham gia cấu thành sản phẩm. Ví dụ, khung khổ về nhựa dùng một lần liên quan đến đồ gia dụng, điện tử, ICT, pin và phương tiện, bao bì, dệt may, xây dựng, thực phẩm. EU sẽ giám sát kỹ lưỡng nguồn gốc nguyên liệu và tiến trình tiêu dùng nội khối.

Trước đó, Ủy ban Châu Âu (EC) đã đề xuất các quy tắc mới trên toàn EU về chuẩn bao bì, bao gồm các đề xuất cải thiện thiết kế bao bì, chẳng hạn như dán nhãn rõ ràng để thúc đẩy tái sử dụng và tái chế. EC cũng kêu gọi chuyển đổi sang nhựa có nguồn gốc sinh học, phân hủy sinh học và phân hủy được.

xuat-nhap-khau-hang-hoa.jpg

Thời điểm “vàng” để chuyển đổi

Nhìn chung, Kế hoạch CEAP của EU hướng tới 2 mục tiêu trực tiếp: (1) đạt được Net Zero vào năm 2050; (2) tăng cường khả năng tái chế để giải quyết vấn đề phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ bên ngoài khối.

Do vậy, để tránh bị “đánh bật” khỏi thị trường này, doanh nghiệp Việt cần những chiến lược cụ thể, quyết liệt hơn để đáp ứng các tiêu chuẩn mới của EU, đặc biệt là 7 nhóm ngành, sản phẩm: thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, nhóm về pin, nhóm về bao bì, nhóm về nhựa, dệt may, da giày.

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) khuyến nghị các doanh nghiệp nên tái đầu tư công nghệ máy móc; thay đổi quy trình sản xuất, quy trình quản lý. Đây là giải pháp duy nhất, mở đường dẫn đến tương lai xuất khẩu bền vững, an toàn của các doanh nghiệp.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần nhấn mạnh quy trình sản xuất, hay nói đúng hơn là chuỗi cung ứng nội bộ trước khi tạo ra sản phẩm có thể xuất khẩu sang EU mà không vi phạm Kế hoạch CEAP của EU. Ví dụ đối với hàng dệt may, để đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các doanh nghiệp cần kiểm soát lịch sử nguồn cung nguyên liệu - chưa kể đến thành phần cấu tạo nguyên liệu.

Việc kiểm soát nguồn cung có hai cách: một là tự chủ nguồn cung thông qua vùng sản xuất khép kín, hay còn gọi là “chuỗi cung ứng ngắn”; hai là thỏa thuận chặt chẽ với nhà cung cấp, sử dụng chế tài nghiêm ngặt nếu vi phạm hợp đồng. Đồng thời, phải kết hợp đồng bộ rất nhiều giải pháp, nhiệm vụ từ chính sách vĩ mô đến các hành động vi mô. Đơn cử, về phía Nhà nước là bộ chính sách “xanh” tiên tiến hơn, bước đầu xây dựng trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất: vốn, thuế, phí, lãi suất, hạ tầng.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên, kiến nghị Chính phủ tập trung đầu tư các khu công nghiệp sinh thái có hệ thống xử lý nước tuần hoàn, nhằm đáp ứng cho nhu cầu sản xuất dệt nhuộm.

Các chi phí chuyển đổi ban đầu rất tốn kém, sản phẩm “xanh” nhưng kém cạnh tranh do giá cả tăng - cũng chỉ giải quyết được một nửa vấn đề. Chính vì vậy, “cuộc chơi” kinh tế tuần hoàn sẽ thử thách khả năng linh hoạt của một nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tạo “bước nhảy” xuất khẩu sang EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO