Với vai trò như “đại sứ” truyền tải về kỹ năng, các học viên là giảng viên, doanh nhân… sẽ góp phần kết nối mạng lưới khởi nghiệp hiệu quả hơn.
Đây là mục tiêu mà khóa tập huấn kỹ năng cố vấn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) diễn ra trong 3 ngày (24-26/5) tại Nghệ An.
Nhân rộng nhân tố khởi nghiệp
Với sự tham gia của đại diện hơn 40 học viên là doanh nhân, giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng,… lớp tập huấn kỹ năng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tổ chức tại Đại học Vinh sẽ mang lại nhiều kiến thức cho mỗi học viên tham gia.
Với mục tiêu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm cố vấn, huấn luyện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giảng viên trực tiếp giảng dạy sẽ dành nhiều thời gian để phân tích, bỗi dưỡng cho từng học viên tham gia.
Có thể bạn quan tâm
14:19, 24/05/2019
07:38, 23/05/2019
06:18, 23/05/2019
05:16, 23/05/2019
Không chỉ vậy, khi tham gia khóa tập huấn, các học viên sẽ được “khai mở” nhiều vấn đề mà bấy lâu nay chưa được lý giải cụ thể, logic trên con đường khởi nghiệp của mình. Từ đó, mỗi học viên sẽ được lĩnh hội các kỹ năng nhằm xây dựng cho mình một chiến lược phù hợp, hiệu quả trong việc vận dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh của từng đơn vị, doanh nghiệp.
Mặt khác, bằng việc xây dựng mạng lưới kết nối hoạt động cố vấn của địa phương, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ có cái nhìn đa chiều về lối đi, hướng sản xuất kinh doanh phù hợp nhằm tạo ra nhiều giá trị chung cho cộng đồng xã hội.
Theo ông Nguyễn Tiến Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (NSCI), Trưởng làng Cộng đồng Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, thông qua lớp học, ngoài việc trang bị kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm cố vấn khởi nghiệp ĐMTS thì học viên có cái nhìn mới để tư vấn, lựa chọn hướng đi của mình cho phù hợp hơn.
Qua đó, hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp và khẳng định vai trò của mỗi thành viên trong hệ sinh thái này trong thời gian tới. Tại khóa tập huấn, những kinh nghiệm về việc hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam và trên thế giới cũng được truyền tải cho học viên.
Đây cũng là một trong những nội dung được khóa tập huấn đặt ra nhằm tạo dựng, hình thành các nhân tố khởi nghiệp ĐMST để góp phần lan tỏa, kết nối thêm với các tỉnh lân cận, hỗ trợ nhau hơn nữa trong quá trình khởi nghiệp.
Bởi trên thực tế, khi mỗi cá nhân, tổ chức hình thành lên ý tưởng khởi nghiệp, họ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng vào thực tế. Đó là kinh nghiệm, kiến thức và quan trọng nhất vẫn là khoảng cách từ ý tưởng đến thực tiễn khởi nghiệp còn khá xa do kỹ năng còn yếu.
Chính vì vậy, việc hình thành, thiết lập mạng lưới các nhân tố cố vấn khởi nghiệp theo hướng ĐMST sẽ góp phần trợ giúp đắc lực cho việc xây dựng các mô hình phát triển chung theo hướng bền vững trong thời gian tới.
Thiết lập nền tảng tư duy mới cho khởi nghiệp
Trong quá trình khởi nghiệp, mối quan hệ tương tác giữa các ý tưởng và mô hình thực tế với nhau đóng vai trò rất lớn đối với việc thành công cho sau này. Bởi phần lớn, các mô hình khởi nghiệp hiện nay rơi vào những người trẻ, doanh nghiệp mới hình thành nên vấn đề tương tác sẽ quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.
ThS. kinh tế Nguyễn Thế Thắng - UV BCH Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An cho biết: Thực tế các lớp đào tạo về kỹ năng cố vấn khởi nghiệp dành cho các bạn trẻ trong thời gian qua rất khiêm tốn. Chính vì vậy, nhiều bạn trẻ có các ý tưởng khởi nghiệp mới lạ, sáng tạo nhưng khi vận hành, đầu tư vào thực tiễn lại gặp không ít thất bại. Bởi họ vẫn phải mày mò, tự tìm lối đi khởi nghiệp cho mình.
Theo ông Nguyễn Thế Thắng, để nhân rộng các mô hình khởi nghiệp đạt hiệu quả, ngoài điều kiện cần và đủ thì mỗi chúng ta phải được trang bị kỹ năng tư duy về khởi nghiệp theo hướng ĐMST. “Từ việc trang bị hệ thống tư duy khởi nghiệp thì chúng ta nên hình thành thêm mạng lưới cộng đồng chung để cùng tương tác, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau. Đó là một trong những yếu tố góp phần quyết định sự sống còn cho mỗi mô hình khởi nghiệp hiện nay” – ông Nguyễn Thế Thắng nhấn mạnh.
Trước đây, Ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia và VCCI Nghệ An đã từng tổ chức nhiều khóa đào tạo trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên đối tượng chủ yếu của các khóa tập huấn đó là dành cho các bạn thanh niên - sinh viên.
Chia sẻ thêm với phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Đinh Thu Phương – Giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An cho biết, trước đây, bà đã từng được tham gia một khóa học về ĐMST tại Hà Nội do BK-Holdings tổ chức. Khóa tập huấn này thực sự là rất cần thiết bởi đối tượng học viên là các doanh nhân, giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng – những người trực tiếp truyền đạt lại những kinh nghiệm, cố vấn cho các bạn trẻ sau này. Vì vậy, cần phải nhân rộng và phát triển thêm trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và các nhóm trường Đại học, Cao đẳng nói riêng.
Được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khóa tập huấn kỹ năng cố vấn về khởi nghiệp ĐMST do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã phối hợp với ISEV, NSSC và Đại học Vinh tổ chức từ ngày 24-26/5/2019.
Ông Nguyễn Tiến Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (NSCI), Trưởng làng Cộng đồng Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trực tiếp đứng lớp.
“ĐMST chính là chìa khóa làm cho bản thân không ngừng phát triển. Qua đó, chúng tôi có thể hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa khởi nghiệp truyền thống và khởi nghiệp ĐMST. Từ đó, đúc kết ra được những lời khuyên thiết thực không chỉ cho bản thân để phục vụ tốt nhất cho cuộc sống, công việc mà còn cho cả các bạn trẻ, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp” – bà Đinh Thu Phương chia sẻ.
Ngoài ra, khi được trang bị kỹ năng, nền tảng về tư duy khởi nghiệp ĐMST, các doanh nhân trẻ sẽ có thêm cơ hội để cùng nhau hợp tác, trở thành đối tác chiến lược của nhau. Thông qua đó, các ý tưởng khởi nghiệp ĐMST sẽ góp phần tương trợ, bù đắp cho nhau nhằm hướng tới mục tiêu chung cùng nhau xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng, phát triển bền vững.
Một số hình ảnh về lớp tập huấn đào tạo kỹ năng cố vấn về khởi nghiệp ĐMST diễn ra tại Đại học Vinh trong ngày đầu khai mạc: