Tập trung gỡ khó cho các dự án bất động sản Quảng Nam

TUẤN VỸ 11/03/2024 11:04

Hiện nay, cả hệ thống chính quyền Quảng Nam cùng cộng đồng doanh nghiệp đang tích cực tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc hiện hữu để quay trở lại hoạt động.

>>“Nóng” nghị trường gặp mặt doanh nghiệp bất động sản Quảng Nam

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, tại Kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương các dự án bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh được phân loại cụ thể thành 3 nhóm.Với nhóm 1 là những dự án được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận là việc lựa chọn nhà đầu tư chưa đúng theo quy định, gồm 106 dự án.

Tại đây, có 10 dự án đã được cấp thẩm quyền thu hồi, chấm dứt hoạt động, có 20 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng và 57 dự án đã được cấp thẩm quyền giao đất.

a

Nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện vì nhiều vướng mắc.

Đối với nhóm 2 là 28 dự án được lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Tại đây có 15 dự án đang còn tiến độ thực hiện dự án, 6 dự án chậm tiến độ dưới 12 tháng và 7 dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đã được UBND tỉnh công nhận nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm đăng ký thực hiện dự án, nhưng chưa chấp thuận nhà đầu tư.

Còn lại, tại nhóm 3 là 46 dự án đã giao chủ đầu tư, công nhận chủ đầu tư trước ngày Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, nhưng không nằm trong danh sách các dự án mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận việc lựa chọn nhà đầu tư chưa đúng quy định.

Ngoài ra, các dự án BĐS trên địa bất động sản còn gặp những vướng mắc khác về thực hiện nghĩa vụ ký quỹ bảo đảm dự án, gia hạn tiến độ, giải phóng mặt bằng,... Việc này đã tạo áp lực cho các đơn vị trong khi thị trường đã “đóng băng” từ lâu.

Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam đã đề xuất các giải pháp cụ thể như giao Sở Xây dựng, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp chủ trì, làm việc với các chủ đầu tư để đôn đốc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng và quyết toán dự án đối với 20 dự án đã hoàn thành thuộc nhóm 1.

Còn lại, 57 dự án đã được cấp thẩm quyền giao đất phần lớn diện tích dự án còn lại diện tích nhỏ, gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thì cho phép khoanh dự án, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng. Trong đó, tách phần không thể bồi thường giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, đưa vào chỉnh trang để kết thúc dự án. Nếu diện tích vướng mắc ảnh hưởng đến hạ tầng khung dự án thì chủ đầu tư phối hợp cùng với địa phương hoàn thành công tác bồi thường, tiếp tục đầu tư hoàn thành dự án đảm bảo hạ tầng khung hoặc bàn giao về địa phương để tiếp tục đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật.

Với các dự án nhóm 2, địa phương sẽ kiểm tra, rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các nhà đầu tư tiếp tục thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan. Còn lại với nhóm 3, tỉnh Quảng Nam sẽ giao các Sở, ngành đốc thúc chủ đầu tư hoàn thiện, quyết toán 17 dự án đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành,...

a

Chính quyền Quảng Nam đang tích cực tìm giải pháp tháo gỡ cùng với sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Trần Quốc Bảo – Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng  Nam cho hay Hiệp hội đã có công văn gửi Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam kiến nghị các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Theo dự báo, năm 2024 doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy, NHNN Việt Nam cần có hành động để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tại công văn này, Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam đề xuất NHNN Việt Nam tiếp tục điều chỉnh, gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của NHNN Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng khó khăn. Cụ thể, Điều chỉnh Khoản 1 Điều 4: Dư nợ gốc phát sinh trước ngày 30/6/2024; điều chỉnh Khoản 2 Điều 4: Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trước 31/12/2024; điều chỉnh Khoản 8 Điều 4: Kéo dài thời gian thực hiện thông tư đến 31/12/2024.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề xuất tháo gỡ Thông tư 06/2023/TT/NHNN ngày 28/6/2023 của NHNN Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của  Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Theo đó, tại điều 8 khoản 6 của thông tư này không cho phép mua bán nợ trong trường hợp khách hàng đã được cơ cấu nợ.

Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị NHNN Việt Nam điều chỉnh tháo gỡ cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho phép mua bán nợ đối với các khoản vay đã được cơ cấu nợ. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận các khoản vay mới nhằm triển khai kế hoạch, phương án kinh doanh, NHNN Việt Nam cần chỉ đạo, định hướng để các tổ chức tín dụng giảm bớt một số tiêu chí khi xét duyệt khoản vay mà thay vào đó là đặt trọng tâm vào kế hoạch/phương án khả thi của doanh nghiệp trong tương lai.

“Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, rất nhiều doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp,... đã bị chất lượng tín dụng xấu lưu lại trong lịch sử, điều này cản trở rất lớn đối với các doanh nghiệp khi tiếp cận vốn vay ngân hàng. NHNN Việt Nam cần có chính sách tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Trần Quốc Bảo chia sẻ.

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã có nhiều lần gặp mặt, đối thoại về các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực BĐS. Trong hướng giải quyết sắp tới, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẳng định sẽ nỗ lực giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền trong năm 2024.

Đặc biệt, là khắc phục những tồn tại mà Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra. Cùng với đó, tiếp tục kiến nghị để Trung ương những vấn đề vượt thẩm quyền để tìm phương án giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Tỉnh Quảng Nam đề xuất Thường trực HĐND tỉnh thống nhất danh mục đầu tư 12 dự án phát triển nhà ở, trong đó có 4 dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, tại thị xã Điện Bàn được đề nghị thực hiện 2 dự án nhà ở thương mại và 4 dự án nhà ở xã hội. Tại huyện Phú Ninh được đề nghị thực hiện 4 dự án và tại huyện Thăng Bình sẽ có 2 dự án.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Nam: Doanh nghiệp bất động sản lao đao vì chờ sổ

    Quảng Nam: Doanh nghiệp bất động sản lao đao vì chờ sổ

    10:25, 07/03/2024

  • Nốt trầm bất động sản Quảng Nam (KỲ CUỐI): Bao giờ lại thấy “ánh dương”?

    Nốt trầm bất động sản Quảng Nam (KỲ CUỐI): Bao giờ lại thấy “ánh dương”?

    11:17, 01/03/2024

  • Nốt trầm bất động sản Quảng Nam (KỲ III): Kiện tụng kéo dài

    Nốt trầm bất động sản Quảng Nam (KỲ III): Kiện tụng kéo dài

    03:00, 29/02/2024

  • Nốt trầm bất động sản Quảng Nam (KỲ II): Doanh nghiệp “sa lầy”

    Nốt trầm bất động sản Quảng Nam (KỲ II): Doanh nghiệp “sa lầy”

    14:00, 28/02/2024

  • Nốt trầm bất động sản Quảng Nam (KỲ I): Qua thời hoàng kim

    Nốt trầm bất động sản Quảng Nam (KỲ I): Qua thời hoàng kim

    04:00, 28/02/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tập trung gỡ khó cho các dự án bất động sản Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO