Tây Bắc miền biên viễn ngọt vị cà phê

Phan Minh Thông - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu -Ủy viên BCH Hiệp hội Cà phê Cacao VN 13/02/2018 05:30

“Thật kinh ngạc bởi miền Tây Bắc đất đai trù phú như đất đỏ Tây Nguyên, đồi núi bao la rộng lớn, con người thưa thớt và cà phê cũng mênh mông bát ngát, nhưng nơi đây hầu như hiếm hoi doanh nghiệp đầu tư”…

Từ chuyến đi rất đỗi tình cờ

Đầu năm 2017, tôi bay ra ngoài Bắc xem công việc của đại lý bán hàng và tranh thủ cuối tuần rủ bạn đi uống cà phê. Thời tiết tháng 2 rất đẹp. Miền Bắc có 4 mùa cũng đặc biệt, mùa mưa phùn, nồm thì ai cũng khó chịu nhưng mùa thu thì thật thích. Chúng tôi ngồi nói chuyện về thời tiết, mọi thứ và tôi chợt nhớ là mình chưa đi Tây Bắc, mà ai cũng nói Tây Bắc thật tuyệt diệu. Thế là chúng tôi lên lịch đi Tây Bắc.Sau khi đã xác nhận thời gian, tôi thu xếp bay từ Sài Gòn ra Hà Nội và bắt đầu chuyến đi, chỉ đi chơi thôi không có gì để lên lịch chi tiết trong đầu. Chúng tôi bắt đầu đi từ Hà Nội, Hòa Bình, Mộc Châu, Sơn La, Điện Biên, Sa Pa rồi về Yên Bái và quay về Hà Nội, bay vào Sài Gòn.

Lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La, CTCP Phúc Sinh và các vị khách động thổ khởi công xây dựng nhà máy Phúc Sinh Sơn La

Lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La, CTCP Phúc Sinh và các vị khách động thổ khởi công xây dựng nhà máy Phúc Sinh Sơn La

Tây Bắc tuyệt đẹp thì các bạn biết rồi đấy tôi không phải tả lại nhưng khi đi qua các vùng đất cây cối tốt tươi, hoa trái nhiều và dân khá vất vả thì tôi nghĩ mình có thể kết nối việc sản xuất trồng trọt hiệu quả hơn chăng? Mọi ý nghĩ lan man và không sâu sắc, vì thực sự đi chơi ở Tây Bắc với phong cảnh đẹp, đồ ăn thì ngon và hơi lạnh nên mọi thứ cũng trôi rất nhanh. Lên Mộc Châu, chúng tôi biết có nhà máy sữa và họ nói là mùi phân bò cũng không dễ chịu tý nào, đấy là chỉ nghe thế thôi. Mộc Châu xanh tươi và đất đai mênh mông nhưng ngoài ngành sữa cũng chưa thấy có nhiều ngành phát triển.

Chúng tôi tới Sơn La. Tôi có bạn học Đại học ở đây nên chúng tôi được dẫn đi tham quan ở lại một ngày một đêm. Vì tôi làm ngành cà phê nên tôi rất muốn đi thăm thú vườn và đồi núi cà phê nơi đây. Tôi thực sự kinh ngạc trước đất đai trù phú, đồi núi bao la, rộng lớn, dân số thưa thớt và cà phê cũng bát ngát mênh mông. Từng xây và đang có hai nhà máy ở ĐăkLăk, lên Lâm Đồng - Đà Lạt thường xuyên nên tôi gần như lập tức nhận thấy sự khác biệt giữa hai vùng đất Tây Bắc với Tây Nguyên. Nơi đây đất đai tốt tươi rộng lớn nhưng hầu như chưa có công ty nào đầu tư!

Nếu như Đà Lạt, Lâm Đồng, ĐăkLăk có hàng chục hàng trăm ngàn công ty đầu tư mà sao ở đây ít vậy, trong khi đất đai, khí hậu tuyệt như thế? - Tôi nghĩ. Có lẽ quãng đường từ Hà Nội lên đây bằng xe cũng 6 - 7h đồng hồ, xa quá. Nhưng từ Sài Gòn lên Đà Lạt và ĐăkLăk thực ra cũng có gần đâu? Thực ra chúng tôi xây nhà máy đầu tiên cách đây 12 năm rồi và sau đó năm nào chúng tôi cũng xây nhà máy lớn nhỏ cho nên tôi biết cảm giác đi mua đất đầu tư cắm rễ kinh doanh. Đi mua đất phù hợp với vùng nguyên liệu và để có được khoảnh đất đầu tư thực sự không dễ dàng. Tuy nhiên ở nơi đây, con người Tây Bắc thật thà, chính quyền cởi mở và đất đai khí hậu phì nhiêu, thì không thấy ai lên đầu tư. Hay có lẽ mọi người đang quen với suy nghĩ đầu tư sản xuất ở các ngành hàng nông sản thực phẩm, người ta sẽ chọn miền Nam, nơi khí hậu và đất đai luôn được mặc định giàu sản lượng, thị trường đông dân, nhiều nhân công và dễ tiêu thụ?

Nếu là đường xa, thực ra đường lên Tây Bắc khá tốt và việc xây vùng nguyên liệu - nhà máy ở một khoảng cách xa với thị trường là chuyện bình thường. Hay có lẽ khái niệm làm thương hiệu không dành cho vùng Tây Bắc?

Đến nguồn “cảm hứng” với thương hiệu cà phê

Trong quá trình kinh doanh, tôi thường đi nhiều và được nghe kể các câu chuyện về đời sống thương trường ở mọi nơi trên thế giới. Có một câu chuyện về xây dựng thương hiệu - brand cho cà phê mà tôi luôn muốn nhớ lại, đặc biệt trong hoàn cảnh khi tôi đi du lịch miền Tây Bắc, vì nó gợi nhiều cảm hứng kinh doanh

Chuyện là trong 1 chuyến đi thăm khách hàng ở Genova -Ý, tôi được đối tác mời ăn tối. Đối tác của tôi là chủ một đại lý cà phê có 35 năm kinh nghiệm kinh doanh cà phê và người bạn cũng có 12 năm làm cà phê. Khỏi phải nói người Ý yêu cà phê như thế nào, tuy nhiên ở bữa tối đó, chúng tôi nói với nhau không phải là về tình yêu cà phê của người Ý mà về các gia đình làm cà phê Thụy Sỹ- Những người đã đến Châu Phi và xây dựng đồn điền nhà máy, làm marketing, giới thiệu thương hiệu cà phê Châu Phi ra thế giới. Hãy tưởng tượng cà phê Tanzania, Congo ngày xưa chưa được xây dựng thương hiệu, sản phẩm có giá thấp hơn 5 cents/lb so với sàn cà phê nhưng bây giờ giá là +15 cents/lb nghĩa là tăng khoảng 440 USD/tấn. Một con số khủng, rất khổng lồ.

Nghe xong câu chuyện tôi hỏi:

- Thật tuyệt vời Elio, vậy gia đình ấy thế nào rồi, chắc là họ giàu lắm?

- Không, họ phá sản rồi! Elio trả lời.

Nhưng ngành cà phê luôn nhớ đến họ và đến việc xây dựng thương hiệu cà phê cho Châu Phi của họ. Và không phải một gia đình Thụy Sỹ này, nhiều gia đình Thụy Sỹ làm cà phê qua Châu Phi xây dựng thương hiệu rồi phá sản. Còn cà phê Châu Phi bây giờ giá cao hơn rất nhiều.

Câu chuyện này làm tôi nhớ mãi và luôn muốn viết lại, làm một điều gì đó cho mình và ngành của mình. Nhất là khi Việt Nam xuất khẩu tới 1,6 triệu tấn cà phê/năm và giá vẫn đang bị thấp hơn so với nhiều thương hiệu cà phê khác.

Trong hơi xuân lạnh của miền Tây Bắc, đứng trên đất đai Sơn La, nhớ đến câu chuyện này lần nữa, tôi tự hỏi “Sao mình không xây dựng nhà máy ở đây? Mình có thiếu thứ gì không để xây dựng?”… Và tôi bắt đầu ước mơ về điều này.

“Thủ phủ” Arabica và vị ngọt tương lai

Tôi hỏi bạn mình có muốn đầu tư xây nhà máy chế biến cà phê ở Sơn La không? Sơn La thật tuyệt nếu chúng ta đến đây xây nhà máy chế biến cà phê từ trái tươi và chúng ta đầu tư hoàn chỉnh mua trực tiếp quả tươi, chế biến sản xuất đóng gói và xuất khẩu.

Tất nhiên, tôi cũng biết rằng ở Sơn La, vùng đất tuy đang có sản lượng cà phê lên đến hơn 25 ngàn tấn và cũng hơn 20 năm trồng diện tích lớn, nhưng trên thị trường chưa có “thương hiệu cà phê Sơn La”, cũng chưa một container nào được xuất khẩu đăng ký trực tiếp từ Sơn La cả. Thực ra người Pháp mang cà phê vào Buôn Mê Thuột, Nghệ An và Sơn La từ hơn 150 năm trước; song chỉ Buôn Mê Thuột là có thương hiệu và nước ngoài biết đến, còn Sơn La thì không. Thậm chí tôi biết, tất cả tiểu thương đều mua cà phê ở Sơn La, mang về Hà Nội để trộn với cà phê Tây Nguyên và xuất khẩu “nội địa”. Sơn La với hơn 20 năm trồng cà phê và một sản lượng lớn không có tên trên bản đồ xuất khẩu Việt Nam khoảng trống thương hiệu đó là một cơ hội Và thật tuyệt là bạn tôi đồng ý cùng tôi đầu tư, xây nhà máy ở đây.

Khi về lại Sài Gòn tôi có cảm giác mình vừa trải qua một chuyến đi đầy màu sắc. Tôi lên kế hoạch quay lại Tây Bắc khảo sát. Tôi cử những quản lý có nghề đi và chúng tôi thu được kết quả tốt, thế là bắt tay vào kế hoạch. Tôi gọi cho anh Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Cacao, chia sẻ ấp ủ của mình; anh trả lời hay quá, anh vừa gặp anh Bí Thư tỉnh Sơn La ở lễ hội cà phê Tây Nguyên và anh Bí thư đề nghị anh tìm công ty cà phê lên đầu tư ở Sơn La, em hãy chuẩn bị chuyến đi để anh em mình gặp lãnh đạo tỉnh. Thế là chuyến đi lần nữa được tổ chức. Chúng tôi gặp anh Bí thư tỉnh, anh Chủ tịch cùng toàn bộ lãnh đạo tỉnh, họ ủng hộ nhiệt tình cho dự án.

Khi tôi đang viết bài này thì nhà máy cà phê Phúc Sinh Sơn La đã gần san lấp mặt bằng xong và công đoạn xây dựng đang được chuẩn bị. Dự kiến vụ mùa 2018/2019 chúng tôi xây nhà máy xong và sẵn sàng để sản xuất chế biến. Đây sẽ là lần đầu tiên nhà máy chế biến tươi đầy đủ quy trình từ nông dân đến sản phẩm hoàn thành, được xuất khẩu tại Sơn La.

Câu chuyện về những gia đình làm cà phê Thụy Sỹ vẫn rất truyền cảm hứng cho tôi suốt hành trình chuẩn bị cho dự án tại vùng núi cao Tây Bắc. Và thực ra là truyền cảm hứng cho tôi ở nhiều chặng đường đã qua. Những câu chuyện làm việc chăm chỉ, đầy sáng tạo, hy sinh cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Câu chuyện đó đầy cảm động, cuốn hút và rất lãng mạn.Gần một năm chóng vánh trong quyết định đầu tư ở miền biên viễn khá xa so với Hội sở Phúc Sinh, tôi chỉ còn một điều ước rằng, nếu có điều ước, sân bay cũ của Sơn La được cải tạo và đưa vào sử dụng. Nếu như vậy chúng tôi có thể bay từ Sài Gòn đến Sơn La như Hải Phòng, Hà Nội và bay vào ĐăkLăk. Như thế thì việc đầu tư vào Sơn La dễ dàng hơn và miền Nam có thể đến Tây Bắc dễ dàng hơn. Sơn La, Tây Bắc cũng sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư nông sản như tôi.

“Nếu anh muốn người khác đối xử tốt với anh thì trước hết anh phải đối xử với mình tốt và tử tế đã”. Câu này tôi đọc ở đâu và đó và thật đúng với lúc này”. Cùng nhà máy đầu tiên ở Sơn La, nhà máy thứ 6 của Phúc Sinh, chúng tôi và các đối tác đang chờ đón năm 2018 với bao HY VỌNG về một vị ngọt cà phê mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tây Bắc miền biên viễn ngọt vị cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO