Việc “lấn sân” sang bất động sản đang là xu hướng của nhiều doanh nghiệp ngoài ngành, bất chấp thị trường còn nhiều khó khăn.
Mặc dù thị trường bất động sản vẫn tồn tại nhiều thách thức, song đây cũng được xem là thời điểm “vàng” đối với những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh mẽ gia nhập thị trường.
Mới đây, Tập đoàn Hoa Sen đã thông qua việc thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen Sài Gòn có vốn điều lệ 100 tỷ đồng với mục đích hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, trong đó Tập đoàn này sở hữu 40% vốn. Đây được xem là “bước đi” nhằm mở rộng sang lĩnh vực bất động sản, với trọng tâm là phát triển các dự án văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở.
Tương tự, Tập đoàn Hoà Phát cũng mới công bố việc ký kết biên bản ghi nhớ để nghiên cứu đầu tư vào 3 dự án tại Khu Kinh tế Nam Phú Yên, tổng vốn dự kiến lên tới hơn 120.000 tỷ đồng. Kể từ đầu năm 2023, nhà sản xuất thép này cũng đã lên kế hoạch đầu tư trở lại lĩnh vực bất động sản sau nhiều năm rục rịch rồi im ắng. Cuối năm 2022, Hòa Phát đã thắng thầu hai dự án đô thị tại Hưng Yên và Phú Thọ với tổng vốn 10.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thị trường địa ốc cũng chứng kiến một loạt các “ông lớn” ngành xây dựng như Ricons, Newtecons, Fecon, Coteccons... tham gia với vai trò là nhà đầu tư dự án trực tiếp. Đơn cử, Coteccons đang đầu tư vào dự án The Emerald 68 (tỉnh Bình Dương) hợp tác với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lê Phong (Lê Phong Group). Đây là dự án đầu tiên Coteccons đóng vai trò nhà phát triển.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc “lấn sân” sang bất động sản đang là một lựa chọn của các nhà thầu xây dựng khi mảng kinh doanh chính đang dần bị co lại. Kể từ sau tác động của dịch Covid-19, việc thị trường bất động sản trong nước và quốc tế đi xuống đã khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng “lao đao”. Cùng với đó, “cơn bão giá” vật liệu tăng cao kể từ 2022 tiếp tục đánh bại “sức đề kháng” của ngành xây dựng.
Thừa nhận về những thách thức mà ngành xây dựng đang gặp phải, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cho biết, ngành xây dựng đang trong giai đoạn rất khó khăn, cạnh tranh khốc liệt về giá, thậm chí tình trạng làm dưới giá vốn đang trở nên phổ biến.
Những khó khăn này đã buộc các nhà thầu phải chuyển hướng sang nước ngoài hoặc tìm cách mở rộng sang lĩnh vực khác, trong đó có bất động sản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự cạnh tranh trong ngành địa ốc là rất khốc liệt, bất kể những ông lớn giàu tiềm lực như Coteccons hay Hòa Bình.
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, xu hướng mở rộng đầu tư của nhiều doanh nghiệp ngoài ngành vào lĩnh vực bất động sản lại được cho là tín hiệu đáng mừng.
Các chuyên gia nhận định rằng, thời điểm hiện nay là cơ hội với các doanh nghiệp, song điều quan trọng với những “tay ngang” là phải đánh giá được giá trị của mình trong chuỗi đầu tư bất động sản, từ đó mới xác định được rủi ro cũng như lợi nhuận kỳ vọng.
Theo quan điểm của ông Phan Xuân Cần - Chủ tịch Soho Vietnam (đơn vị chuyên tư vấn các thương vụ chuyển nhượng dự án) cho rằng, khi có thêm doanh nghiệp ngoài ngành tham gia, thị trường địa ốc sẽ được bổ sung thêm cả về số lượng thành viên lẫn sản phẩm. Dù vậy, theo quy luật, nơi nào hấp dẫn thì nơi đó cạnh tranh cũng hết sức khốc liệt và sự đào thải sẽ diễn ra với bất cứ doanh nghiệp nào nếu không có đủ năng lực.
Ông Cần cho biết, trong ngắn hạn, thông tin mở rộng đầu tư sang lĩnh vực bất động sản thường tạo kỳ vọng về sự đột phá doanh thu cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp. Để kỳ vọng này được xây dựng trên một nền tảng vững chắc, nhà đầu tư cần xem xét, tìm hiểu kỹ lợi thế của doanh nghiệp trong lĩnh vực này hay chiến lược đầu tư cụ thể...
Mặt khác, theo các chuyên gia, sự tham gia ồ ạt của các doanh nghiệp “ngoại đạo” vào ngành địa ốc có thể là nguy cơ tạo ra tình trạng cung vượt cầu. Xu hướng này không chỉ đe doạ tới lợi nhuận của các người chơi mới mà còn khiến tiềm ẩn những nguy cơ bong bóng thị trường.
Do đó, việc mở rộng sang lĩnh vực mới cần đòi hỏi kế hoạch kinh doanh cụ thể, chiến lược dài hạn để thích ứng và phát triển giữa những thách thức không dễ dàng của thị trường. Đồng thời, cần sự quản lý chặt chẽ từ phía cơ quan nhà nước và các cơ quan quản lý để tránh tình trạng bong bóng bất động sản.
Có thể bạn quan tâm
Cuộc "giải cứu" bất động sản đặc biệt chưa từng có
11:15, 22/03/2024
Lãi suất cho vay giảm, kích thích nhu cầu mua bất động sản
13:41, 21/03/2024
Kiều hối đổ vào bất động sản
05:00, 20/03/2024
Bất động sản Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
16:01, 18/03/2024
Bất động sản nghỉ dưỡng ảm đạm đầu năm
14:47, 18/03/2024