Theo báo cáo của DKRA Group, trong 2 tháng đầu năm, số liệu của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận ảm đạm vẫn còn kéo dài.
>>Cú bắt tay của các “ông lớn”: “Phá băng” bất động sản nghỉ dưỡng
Cụ thể, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng vẫn duy trì ở mức thấp, các chủ đầu tư tiếp tục trì hoãn việc mở bán, đặc biệt là đối với các sản phẩm có giá trị cao, dẫn đến nguồn cung trên thị trường không đạt như kỳ vọng.
Nguồn cung ảm đạm
Nguồn cung mới của phân khúc này đến từ một dự án ở giai đoạn tiếp theo, cung cấp 39 căn, nhưng chỉ mới tiêu thụ được 5 căn, giảm 81% so với giai đoạn cuối năm.
Bên cạnh đó, thanh khoản của loại hình biệt thự nghỉ dưỡng đã giảm đáng kể, khiến hơn 80% các dự án sơ cấp phải tạm dừng để điều chỉnh giá bán và chính sách bán hàng. Theo đó, giá bán sơ cấp cũng không có biến động so với cuối năm 2023. Ngoài ra, nhiều nhà phát triển vẫn tiếp tục áp dụng các chương trình hỗ trợ lãi suất, ưu đãi về lãi suất và chiết khấu thanh toán nhanh,... nhằm kích thích nhu cầu trên thị trường.
>>“Phá băng” bất động sản nghỉ dưỡng
DKRA Group nhận định rằng, mặc dù du lịch có dấu hiệu hồi phục tích cực, nhưng thị trường biệt thự nghỉ dưỡng được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi các vấn đề về pháp lý chưa được giải quyết và niềm tin của các nhà đầu tư vẫn chưa được khôi phục.
Tương tự với loại hình condotel, ghi nhận đà giảm khi nguồn cung của loại hình này tập trung vào tháng 1/2024. Trong khi đó, bước sang tháng 2, thị trường không ghi nhận dự án condotel mở bán mới. Đồng thời, sức cầu của thị trường cũng giảm mạnh, thanh khoản ở mức thấp, lượng tiêu thụ ghi nhận sụt giảm hơn 94% so với tháng trước đó, tập trung vào những sản phẩm có mức giá dao động khoảng 2,5 – 3 tỷ đồng/căn.
Về giá bán, mức giá sơ cấp của loại hình condotel không có nhiều biến động so với giai đoạn cuối năm và vẫn tiếp tục neo ở mức cao bởi chi phí vốn hiện nay vẫn khá cao. Các chương trình ưu đãi, chiết khấu thanh toán nhanh, ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất… vẫn được áp dụng rộng rãi để thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Đối với loại hình nhà phố/shophouse, thị trường không ghi nhận nguồn cung mở bán mới trong 2 tháng qua. Nhiều dự án liên tục dời thời gian triển khai bán hàng bởi chưa đạt lượng booking như kỳ vọng. Sức cầu chung thị trường thấp, lượng giao dịch khiêm tốn và tập trung ở những sản phẩm có pháp lý hoàn thiện với mức giá dao động dưới 15 tỷ đồng/căn.
Mức giá bán sơ cấp không có nhiều biến động, các dự án vẫn tiếp tục sử dụng nhiều chính sách ưu đãi… Tuy nhiên, thời gian qua đã có nhiều dự án chưa hoàn thiện pháp lý, thi công chậm tiến độ… gây ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, từ đó cũng khiến nguồn cung và thanh khoản sụt giảm đáng kể và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.
Có thể thấy, thời gian qua dù thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã ghi nhận những tín hiệu tích cực hơn, nhưng thị trường biệt thự nghỉ dưỡng dự báo vẫn tiếp tục ảm đạm khi những vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ cũng như niềm tin của nhà đầu tư chưa khôi phục trở lại.
Nhận định về thị trường, ông Hoàng Hữu Minh Dũng - Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển của BHS Group cho rằng, trải qua giai đoạn kinh tế khó khăn và nhiều vướng mắc pháp lý, nhiều dự án nghỉ dưỡng đang “nằm im”, không thể hoặc không được khai thác, kéo theo khả năng thanh khoản hầu như không có mặc dù đã cắt lỗ.
Những khó khăn này đã khiến khách hàng e ngại trong việc “rót tiền” vào phân khúc này. Do đó, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ không thể khởi sắc ngay trong năm 2024. Thời điểm khách hàng quay lại với đầu tư nghỉ dưỡng là khi pháp lý được tháo gỡ, các dự án trở lại vận hành và có hiệu quả kinh tế.
Kỳ vọng thị trường bứt phá
Ở góc nhìn tích cực hơn, ông Trần Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) chia sẻ với DĐDN, năm nay được kỳ vọng sẽ là thời điểm phân khúc này khởi sắc hơn nhờ ngành du lịch và sự đổi mới của các doanh nghiệp bất động sản trong ngành.
“Đây là thời điểm mà các doanh nghiệp, chủ đầu tư cần nhiều nỗ lực để đem tới những trải nghiệm mới, những sản phẩm tiếp cận với nhu cầu thực tế của khách hàng. Ngoài nghiên cứu kỹ và quy hoạch bài bản, các doanh nghiệp cũng nên ứng dụng công nghệ để tạo ra trải nghiệm du lịch cá nhân hóa cho khách hàng. Đặc biệt, việc lựa chọn các địa phương mới, có dư địa lớn để đầu tư, phát triển dự án cũng là một trong những yếu tố quan trọng để tạo sự phát triển bền vững cho các dự án nghỉ dưỡng”, ông Dũng cho biết.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Miền - Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư VARS cho biết, việc kỳ vọng phân khúc này có chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới là hoàn toàn có thể. Bởi lẽ, hậu thuẫn lớn nhất cho bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng trong năm 2024 đến từ cơ hội phục hồi và phát triển của ngành du lịch. Đó là chính sách nới lỏng visa tiếp tục phát huy tác dụng cùng với chính sách giảm 2% thuế VAT với nhóm hàng hóa dịch vụ và nhiều chương trình xúc tiến hỗ trợ, triển lãm du lịch được tổ chức.
Theo bà Miền, các yếu tố này sẽ là động lực để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, "bơm" nguồn cung vào thị trường. Khả năng nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội được cải thiện với khoảng 20% so với năm 2023.
Đánh giá tiềm năng thị trường trong thời gian tới, ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels cho rằng, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang trong quá trình tái khởi động trong thời gian qua. Với lợi thế hạ tầng kết nối và đa dạng sản phẩm du lịch cũng như lựa chọn lưu trú, TP.Đà Nẵng được kỳ vọng tiếp tục dẫn đầu quá trình phục hồi. Các điểm đến vốn quen thuộc với khách nội địa như Quy Nhơn hay Phú Yên cũng ngày càng có nhiều dự án đang hoạch định. Ngoài ra, những địa phương này đang chú trọng phát triển hạ tầng giao thông và các sản phẩm lưu trú cao cấp để thu hút thêm tệp khách quốc tế.
"Dự báo đến quý II/2024, lượng giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng khó có sự đột biến. Sau mốc thời gian này, thị trường sẽ cải thiện hơn nhờ những động thái tháo gỡ vướng mắc pháp lý của Nhà nước thông qua sửa đổi một số luật" - ông Mauro Gasparotti nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp “ăn nên làm ra”
18:00, 17/03/2024
Người nước ngoài mua bất động sản Việt Nam chờ tăng giá kiếm lời
15:17, 17/03/2024
Môi giới bất động sản làm gì để bắt nhịp phát triển?
03:00, 16/03/2024
Thêm “lực đẩy” cho bất động sản nghỉ dưỡng chuyển mình
03:00, 20/01/2024
Bất động sản nghỉ dưỡng bao giờ khởi sắc?
10:00, 27/01/2024