Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cần sự nỗ lực của cả doanh nghiệp và Chính phủ để “vực dậy” thị trường.
>>Thông qua Luật Đất đai, tạo đà cho thị trường địa ốc phát triển
Những chính sách thông thoáng từ Chính phủ, các bộ ngành địa phương đối với ngành du lịch thời gian qua đã tạo điều kiện cho du lịch nội địa phát triển, hướng tới phục hồi toàn diện hoạt động du lịch như trước thời điểm dịch COVID-19.
Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch kết hợp với sự ra đời của Nghị định 10/2023/NĐ-CP có nội dung quy định về cấp sổ đỏ cho condotel đã từng là những yếu tố giúp "nhen nhóm" niềm tin về việc bất động sản nghỉ dưỡng sẽ khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, đã đi qua năm 2023 thị trường này vẫn chưa ghi nhận kết quả khả quan.
Theo báo cáo của DKRA vừa công bố mới đây cũng chỉ ra rằng, mặt bằng giá bán sơ cấp không ghi nhận biến động so với cùng kỳ và tiếp tục duy trì ở mức cao, khoảng từ 6 - 155,7 tỷ đồng/căn. Mặc dù nhiều chính sách bán hàng đã được các doanh nghiệp áp dụng như cam kết hoặc chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, ưu đãi thanh toán nhanh… nhằm gia tăng thanh khoản cho thị trường nhưng không hiệu quả như kỳ vọng.
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 đạt 12,6 triệu lượt, gấp 3,4 lần so với năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng vẫn có khả năng gặp nhiều thách thức trong năm 2024.
Riêng bất động sản nghỉ dưỡng, do thị trường này đã "trượt dài" trong năm 2023 nên để hồi phục trở lại điểm xuất phát sẽ rất "vất vả" và cần nhiều thời gian hơn so với những phân khúc khác. Do đó, bất động sản nghỉ dưỡng cần được quan tâm đặc biệt.
Theo ông Thanh, Nghị định 10/2023/NĐ-CP là niềm hy vọng của bất động sản nghỉ dưỡng trong việc cải thiện nguồn cung và thanh khoản sản phẩm. Cùng với đó là sự phục hồi từ ngành du lịch cũng là động lực quan trọng để kéo niềm tin nhà đầu tư trở lại, giúp gia tăng tỷ lệ lấp đầy các loại hình nghỉ dưỡng cho thuê.
Tuy nhiên, trong năm qua, những yếu tố này chưa phát huy được hết vai trò, do đó bất động sản nghỉ dưỡng vẫn rất “chật vật” trong việc tìm cách khởi sắc trở lại.
Bởi vậy, để phân khúc nghỉ dưỡng thực sự "chuyển mình" và có cơ hội đi lên trong năm 2024, việc thực hiện hiệu quả Nghị định 10 và tận dụng đà tăng trưởng nhu cầu du lịch cần được đẩy mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quý Tuấn – Phó Chủ tịch Cấp cao JLL cho rằng, năm 2023 đã là thời điểm “đáy” của thị trường. Các nhà đầu tư phát triển bất động sản, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng gần như chỉ cố gắng duy trì hoạt động và không có thương vụ nào lớn được xảy ra năm vừa rồi.
Mục tiêu của các nhà đầu tư phát triển phân khúc này hiện chỉ là cố gắng “cầm cự”, tức là làm sao để khách hàng không huỷ hợp đồng mua bán. Bước sang năm 2024, tình hình thị trường cũng vẫn tiếp tục như vậy.
Giải pháp “vực dậy” thị trường
Ngoài giải pháp hỗ trợ của chính phủ, các chuyên gia cho rằng vai trò của từng doanh nghiệp trong ngành cũng đóng vai trò quan trọng.
“Các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục tập trung tái cấu trúc, bên cạnh đó là xây dựng lại chiến lược bán hàng và truyền thông cũng như phát triển những dịch vụ có liên quan. Ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp có thể nghiên cứu lại dòng sản phẩm cho phù hợp với thị trường (về thương hiệu, quá trình vận hành…)”, ông Nguyễn Quý Tuấn nhận định.
Về giải pháp gỡ khó thị trường, ông Trần Quốc Dũng – Phó Chủ tịch VNREA cho rằng, đây là thời điểm mà các doanh nghiệp, các chủ đầu tư cần nhiều nỗ lực để đem tới những trải nghiệm mới, những sản phẩm tiếp cận với nhu cầu thực tế của khách hàng.
“Ngoài nghiên cứu kỹ và quy hoạch bài bản, các doanh nghiệp cũng nên ứng dụng công nghệ để tạo ra trải nghiệm du lịch cá nhân hóa cho khách hàng. Đặc biệt, việc lựa chọn các địa phương mới, có dư địa lớn để đầu tư, phát triển dự án cũng là một trong những yếu tố quan trọng để tạo sự phát triển bền vững cho các dự án nghỉ dưỡng”, ông Dũng cho biết.
Nhìn chung, những thay đổi đó khi được cộng hưởng bởi các chính sách của nhà nước mới có thể giúp thị trường phục hồi. Trong thời gian qua, lãi suất cho vay đã được giảm xuống mức 6 – 10,5%/năm được cho là mức thấp nhất hiện nay. Qua đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn cho lĩnh vực bất động sản được cải thiện.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai mới đây đã được Quốc hội thông qua được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tác động tích cực tới thị trường bất động sản nói chung cũng như bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng.
Có thể bạn quan tâm
Chọn cổ phiếu bất động sản nào trong năm 2024?
04:58, 19/01/2024
Thành lập Liên chi Hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam
16:01, 18/01/2024
Không để biến tướng môi giới bất động sản
15:43, 18/01/2024
Tín dụng bất động sản sẽ khởi sắc
15:37, 18/01/2024
Tín hiệu tích cực cho bất động sản nghỉ dưỡng
09:00, 18/01/2024