Các tỉnh Tây Nguyên thường tổ chức các sự kiện, lễ hội tạo điểm nhấn, phát huy các giá trị văn hoá phát triển du lịch bền vững.
>>Trải nghiệm mùa vàng Tây Nguyên
Gia Lai đang hướng tới một mùa lễ hội đa dạng sắc màu trong trung tuần tháng 11. Trong đó, các hoạt động được cho có sức hút đối với du khách như Tuần lễ Hoa Dã Quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2023, tại Làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya; Giải chạy bộ “Gia Lai city trail 2023 - Giấc mơ đại ngàn” kết hợp tổ chức Tuần Văn hóa Du lịch thành phố Pleiku; Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2023.
Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai của tỉnh Gia Lai sẽ bắt đầu từ ngày 11/11 đến hết ngày 20/11, mở đầu là lễ khai mạc với chương trình văn hóa, nghệ thuật được đầu tư dàn dựng công phu. Điều đặc biệt là các hoạt động đều gắn với phát huy văn hoá người đồng bào thiểu số. Ngoài ra, tỉnh Gia Lai đón nhận thêm Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Rộc Tưng-Gò Đá và công bố bảo vật quốc gia Bộ Rìu tay cổ ở An Khê. Điều này sẽ giúp cho địa phương có thêm nhiều điểm đến cho du khách lựa chọn.
Bên cạnh các hoạt động văn hoá, cũng sẽ có hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tỉnh Gia Lai với 200-250 gian hàng tiêu chuẩn.
Đại diện công ty Khang Khang Tourist cho biết các hoạt động của tỉnh Gia Lai trong tuần văn hoá Du lịch đã phát huy được các giá trị văn hoá các dân tộc anh em, tạo được ấn tượng cho du khách năm 2022. Hy vọng năm nay sẽ thu hút được lượt khách đến đông hơn.
Tại Đắk Lắk, địa phương sẽ tổ chức ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2023 diễn ra từ ngày 18 - 20/11 tại thành phố Buôn Ma Thuột. Các hoạt động chính của Ngày hội như Phục dựng lễ cưới của người Ê Đê; trình diễn đặc trưng văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu, truyền thống của các dân tộc; trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa - du lịch đặc trưng, tiêu biểu; hoạt động giới thiệu, quảng bá chương trình, sản phẩm du lịch; chế biến, giới thiệu món ăn, thức uống truyền thống của các dân tộc.
Theo ông Lại Đức Đại - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đây là lần đầu tiên địa phương tổ chức sự kiện này. Tuy nhiên các hoạt động tạo điều kiện cho người dân, du khách tham gia trực tiếp, thể hiện sự gắn bó, học hỏi và giao lưu văn hóa của các dân tộc anh em. Đây là nét mới để cho du lịch và văn hoá của Đắk Lắk thêm hấp dẫn hơn.
Trong khi đó, Kon Tum sẽ tổ chức “Lễ hội Văn hóa Măng Đen 2023" mang nhiều giá trị ý nghĩa to lớn về văn hóa, du lịch, kinh tế. Giúp cộng đồng nâng cao nhận thức, ý nghĩa trách nhiệm đối với văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực của tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng.
Theo một số khảo sát, lễ hội văn hoá du lịch của các tỉnh Tây Nguyên đã thu hút được một lượng khách lớn trong và ngoài nước. Riêng Tuần lễ vàng du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5, tỉnh Lâm Đồng đón khoảng 150 nghìn lượt du khách tham quan, nghỉ dưỡng; tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách qua lưu trú ước đạt 85 nghìn lượt, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Các tỉnh đang hướng đến phát triển du lịch bền vững thông qua những lễ hội, sự kiện. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Danh – Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội KH&KT Gia Lai nói “Du lịch bền vững góp phần phát triển xã hội, không gây hại đến các giá trị văn hóa của địa phương, góp phần quảng bá, tôn trọng bản sắc. Hình thức du lịch cũng khuyến khích các bên liên quan tạo ra sự phát triển toàn diện, đảm bảo giá trị văn hóa khi thực hiện các hoạt động. Du lịch bền vững sẽ tạo ra thu nhập ổn định, công bằng cho cộng đồng địa phương và các bên liên quan. Đồng thời thân thiện với môi trường, ít tác động tiêu cực mang lại những giá trị tốt đẹp.”
Có thể bạn quan tâm
Phát triển du lịch bền vững
00:05, 30/09/2023
Thúc đẩy phát triển du lịch bền vững
03:40, 29/07/2023
Thụy Sỹ xây dựng dự án hỗ trợ phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam
02:30, 27/06/2023
Quảng Ngãi: Phát triển du lịch bền vững
02:30, 26/05/2023
Cơ hội nào cho phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam?
03:40, 14/01/2023