Nghiên cứu - Trao đổi

Temu, Shein và dấu hỏi cho hàng Việt

Gia Linh 24/04/2025 11:10

Doanh nghiệp Việt sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh chưa từng có nếu các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein được cấp phép hoạt động chính thức…

Đây là lo lắng được ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nêu tại Hội nghị “Giải pháp phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy tiêu dùng nội địa” do Bộ Công Thương vừa tổ chức tại TPHCM.

temu-shein-va-dau-hoi-cho-hang-viet-1.jpg
Doanh nghiệp Việt sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh chưa từng có nếu các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein được cấp phép hoạt động chính thức. Ảnh minh hoạ

Ông Linh cảnh báo rằng người tiêu dùng có thể mua sắm hàng hóa từ nước ngoài dễ dàng hơn, mà không cần thông qua hệ thống bán lẻ trong nước, từ đó tạo sức ép lớn lên doanh nghiệp nội địa.

Theo các chuyên gia, những lo lắng trên hoàn toàn đúng. Thực tế, Temu và Shein nổi bật với chiến lược bán hàng giá rẻ, khai thác triệt để lợi thế về quy mô sản xuất, công nghệ dữ liệu và chuỗi logistics hiện đại. Khi được cấp phép hoạt động chính thức tại Việt Nam, các nền tảng này có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường, đẩy hàng hóa từ Trung Quốc đến tay người tiêu dùng mà không cần thông qua bất kỳ nhà bán lẻ nội địa nào.

Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang sản xuất nhỏ lẻ, chi phí cao, thiếu công nghệ và phụ thuộc vào kênh bán hàng truyền thống. Điều này khiến họ hoàn toàn lép vế trong một cuộc chơi mà đối thủ có nguồn lực vượt trội cả về tài chính lẫn công nghệ.

Chia sẻ trên VnExpress, ông Trần Lâm – chuyên gia đào tạo bán hàng trực tuyến, CEO Julyhouse cảnh báo: “Không chỉ Temu, các sàn như Shopee, Lazada, TikTok Shop cũng đang phân phối tận xưởng hàng Trung Quốc, khiến nhà bán cùng mua nguồn này chịu ảnh hưởng nặng nề. Các sản phẩm đặc sắc riêng bị ảnh hưởng tùy khác biệt giá và chất lượng với hàng hóa Trung Quốc đang tràn ngập thị trường”.

Đáng nói, nhiều mặt hàng trên Temu và Shein hiện đã được bán tại Việt Nam thông qua hình thức giao hàng xuyên biên giới. Một khi các nền tảng này được công nhận hợp pháp, họ sẽ tận dụng các chính sách thuế và ưu đãi logistics để cạnh tranh trực tiếp, khiến các doanh nghiệp trong nước càng thêm khó khăn trong việc giữ thị phần.

Không thể phủ nhận, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ giá rẻ và sự đa dạng hàng hóa. Tuy nhiên, bài toán đặt ra không chỉ là “đóng hay mở” với các nền tảng xuyên biên giới, mà là mở thế nào để vẫn bảo vệ được doanh nghiệp nội địa. Câu chuyện ở đây không phải là cấm cửa, mà là thiết lập cuộc chơi công bằng và minh bạch.

Chuyên gia kinh tế Frederic Neumann – Trưởng nhóm nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương thuộc HSBC – cho rằng: “Không nên cấm Temu hay Shein, bởi họ mang đến lựa chọn giá rẻ cho người tiêu dùng. Nhưng chính phủ Việt Nam cần tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng hơn bằng cách tăng cường quản lý hậu kiểm, đánh thuế đúng, hỗ trợ doanh nghiệp nội số hóa, và bảo vệ người tiêu dùng”.

Hiện nay, Việt Nam vẫn còn thiếu hành lang pháp lý đầy đủ để quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Từ thuế, kiểm định chất lượng đến truy xuất nguồn gốc, tất cả vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Trong khi đó, các nền tảng nước ngoài lại linh hoạt hơn rất nhiều, với khả năng thiết lập kho hàng tại chỗ, hợp tác với bên giao vận nội địa và tùy biến mô hình để thích nghi.

Nếu không nhanh chóng hoàn thiện cơ chế giám sát và hỗ trợ doanh nghiệp nội, nguy cơ bị “lấn sân” là điều đã thấy trước. Sự xuất hiện của Temu và Shein sẽ không còn là thách thức tạm thời mà là xu thế lâu dài, đòi hỏi chiến lược phòng vệ thông minh, đồng bộ và kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Temu, Shein và dấu hỏi cho hàng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO