EVFTA và EVIPA được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Âu vào Việt Nam nhằm thúc đẩy cho sự phát triển đất nước...
Nhân dịp EVFTA và EVIPA được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào ngày 12/2, Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với ông Tim Evans – Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam.
- Xin ông cho biết cơ hội và thách thức nào cho Việt Nam khi Hiệp định EVFTA và EVIPA được phê duyệt?
Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU (bao gồm cả Vương quốc Anh) đạt 56,39 tỷ đô la Mỹ, đứng ở vị trí thứ 4 trong số các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Đồng thời, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 41 tỷ đô la Mỹ vào năm 2019, chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Với sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu vào ngày 12 tháng 2 năm 2020, Việt Nam đang tiến gần đến thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, khi đó, EU sẽ ngay lập tức xóa bỏ khoảng 85,6% thuế nhập khẩu đối với Việt Nam, và 99,2% tuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ dần theo lộ trình 7 năm.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam và EU (1990-2020), việc phê chuẩn này là một cột mốc tạo ra nhiều cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường với quy mô GDP đạt 18.000 tỷ đô la Mỹ này, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Chúng tôi kỳ vọng Hiệp định sẽ gia tăng GDP thực sự của Việt Nam trung bình mỗi năm khoảng 0,1% (dao động trong khoảng 0,0 – 0,3%) nhờ vào các tác động thương mại thuần túy. Hơn nữa, những tiêu chuẩn cao của EVFTA sẽ thúc đẩy tốc độ cải cách và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Cao ủy châu Âu ước tính xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu sẽ tăng trưởng khoảng 18%, theo tính toán sẽ gia tăng thặng dư thương mại giữa Việt Nam với châu Âu.
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng rằng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 nhờ thỏa thuận này. Các ngành như dệt may và da giày của Việt Nam được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định.
Có thể bạn quan tâm
04:04, 15/02/2020
03:02, 15/02/2020
00:07, 15/02/2020
05:00, 14/02/2020
21:39, 13/02/2020
11:00, 13/02/2020
09:19, 13/02/2020
- EVFTA và EVIPA ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại và dòng chảy vốn như thế nào, thưa ông?
Thỏa thuận này cũng được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Âu vào Việt Nam nhằm thúc đẩy cho sự phát triển đất nước. Mặc dù Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (IPA) dự kiến sẽ mất nhiều thời gian hơn để có hiệu lực, bản thân EVFTA sẽ giúp các nhà cung cấp dịch vụ EU dễ dàng tiếp cận các lĩnh vực như dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh, các ngành dịch vụ môi trường, ngân hàng và bảo hiểm và vận tải biển.
Ngoài ra, hiệp định sẽ mở rộng phạm vi các lĩnh vực đón nhận đầu tư của EU, đáng chú ý là sản xuất thực phẩm và đồ uống, săm và lốp xe, gốm sứ và vật liệu xây dựng. Tổng mức đầu tư từ EU vào Việt Nam (chỉ tính các dự án còn hiệu lực) tính đến ngày 20 tháng 12 năm 2019 đạt khoảng 25,5 tỷ đô la Mỹ. EVFTA cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh và lộ trình hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam cải cách và nâng cao năng lực cạnh tranh.
- Vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị gì để nắm bắt cơ hội mới, thưa ông?
Tuy nhiên, là một hiệp định thế hệ mới, EVFTA với những tiêu chuẩn cao đòi hỏi các doanh nghiệp phải đáp ứng các rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt như cam kết về môi trường, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, điều kiện lao động, chứng nhận xuất xứ,…. Song song với đó, sức ép cạnh tranh cho các ngành hóa chất, thực phẩm chế biến,…. sẽ rất lớn khi các sản phẩm và dịch vụ của EU đổ vào thị trường Việt Nam. Cơ hội hay thách thức còn tùy thuộc vào việc các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị tốt như thế nào khi bước vào kỷ nguyên thương mại mới này.
Chúng tôi ủng hộ việc thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao kiến thức và tích hợp các tiêu chuẩn quốc tế vào sản phẩm và dịch vụ của mình. Đầu tiên, các doanh nghiệp cần nắm rõ liệu thuế quan được gỡ bỏ có áp dụng cho các sản phẩm của họ hay không.
Thứ hai, nên tìm kiếm thông tin về các quy tắc xuất xứ ưu đãi và các chứng từ yêu cầu thông quan ở mỗi quốc gia.
Thứ ba, xác định những giấy tờ được yêu cầu ở nước nhập khẩu, chẳng hạn như tờ khai hải quan và giấy chứng nhận xuất xứ, và làm thế nào để có được những chứng từ này, cũng như tìm kiếm lời khuyên từ các dịch vụ tư vấn do nhà nước hỗ trợ.
Đồng thời, những dự án phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nên được ưu tiên, cải cách hành chính để đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu cũng như cải thiện khung pháp lý.