PACid Technology, một Cty chuyên về mã hóa vừa cáo buộc Samsung đã vi phạm 3 bằng sáng chế sinh trắc học của họ.
Điều này đặt ra thách thức trong việc bảo vệ quyền sở hữu công nghệ mã hóa trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Những cáo buộc của PACid Technology đã chỉ ra rằng, Samsung sử dụng công nghệ của PACid để phát triển cảm biến vân tay, cảm biến mống mắt và nhận dạng khuôn mặt.
Câu chuyện của các "ông lớn"
Đã có rất nhiều vụ kiện tương tự như trên xảy ra với các tập đoàn công nghệ lớn. Trong đó, Apple cũng đang phải đối mặt với những cáo buộc vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ khi Cty khởi nghiệp Omni MedSci của Mỹ cáo buộc Apple vi phạm công nghệ cảm biến nhịp tim sử dụng trong Apple Watch.
Theo ông Michael Fimin, chuyên gia về an ninh thông tin và CEO của Netwrix, một Cty tư vấn an ninh công nghệ thông tin tại Mỹ cho biết, công nghệ mã hóa và những loại sở hữu trí tuệ khác dễ bị đánh cắp trước sự thất thoát hoặc thỏa hiệp từ cả nội bộ lẫn bên ngoài. “Cách thức bảo vệ công nghệ này được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn là xin cấp quyền sở hữu hợp pháp bằng việc đăng ký bằng sáng chế”, ông Fimin nhấn mạnh.
Chủ động bảo vệ bản quyền
Hiện nay, vấn đề bản quyền công nghệ chưa được quan tâm đúng mức ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo các chuyên gia, để bảo vệ công nghệ mã hóa, trước tiên cần xác định rõ những công nghệ nào quan trọng cần phải theo dõi, nơi công nghệ đó tồn tại và khi nào mọi người hoặc ứng dụng truy cập vào công nghệ đó.
“Mọi người cần nhận thức đầy đủ quyền sở hữu và sử dụng công nghệ mã hóa. Khi có được nhận thức đó, hãy chuyển sang mức ưu tiên tiếp theo của dữ liệu”, ông Trần Anh Tú, Giảng viên Khoa An toàn thông tin, Học viện Kỹ thuật Mật mã nhấn mạnh và cho biết, cách tốt nhất để bảo vệ quyền sở hữu công nghệ mã hóa là tìm kiếm sự bảo vệ pháp lý. Sẽ luôn luôn là khôn ngoan nếu doanh nghiệp chủ động đăng ký bảo vệ quyền sở hữu công nghệ mã hóa của mình, vì khi được bảo vệ, đây sẽ là tài sản bất khả xâm phạm của doanh nghiệp.