Thách thức "kìm chân" doanh nghiệp xuất khẩu viên nén gỗ

THY HẰNG 31/10/2022 00:11

Ngành viên nén đang phát triển rất nóng với nhiều cơ hội gia tăng thị phần khi mùa đông tới, tuy nhiên những thách thức về nguyên liệu, chính sách hay mức thuế dự kiến đang là thách thức lớn.

>>>Bùng nổ xuất khẩu, viên nén gỗ hướng đến mục tiêu hàng tỷ USD

Nhu cầu sử dụng viên nén trên thị trường thế giới đang tăng mạnh, do cuộc xung đột Nga – Ukraine làm giảm nguồn cung khí đốt từ Nga cho các quốc gia khu vực EU, nhiều người dân EU chuyển sang sử dụng viên nén đốt lò sửa trong mùa đông sắp tới. 

Viên nén trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 4 trong ngành hàng gỗ.

Viên nén trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 4 trong ngành hàng gỗ.

Trong thời gian qua, việc sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ không ngừng phát triển cả về quy mô, lẫn chất lượng. Hiện cả nước, có khoảng 80 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu viên nén gỗ. Trong những năm vừa qua, giá trị xuất khẩu viên nén gỗ liên tục tăng từ 165 triệu USD vào năm 2017 lên 413 triệu USD năm 2021 và khoảng 568 triệu USD. Trong 10 tháng năm 2022, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá trị xuất khẩu viên nén gỗ tăng vọt được cho là do Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh sử dụng viên nén gỗ để sản xuất điện thay cho dầu đang tăng giá do cuộc xung đột Nga –Ukraine.

Nói như ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam: “Xung đột Nga – Ukraine vẫn căng thẳng, xứ lạnh châu Âu (EU) đang bước vào mùa đông cần chất đốt để sưởi, bên cạnh đó, thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản - nơi chiếm hơn 90% lượng xuất khẩu truyền thống mặt hàng viên nén gỗ của Việt Nam cũng tăng, vì vậy xuất khẩu viên nén đang rất thuận lợi.”

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng nhận định ngành viên nén đang phát triển rất nóng. Năm 2022, viên nén đứng thứ 4 về giá trị xuất khẩu trong 8 mặt hàng xuất khẩu của gỗ và lâm sản, chỉ đứng sau đồ gỗ nội ngoại thất, gỗ nguyên liệu (bao gồm cả gỗ dán), dăm gỗ.

Theo báo cáo được công bố đầu tháng 10/2022 bởi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), xuất khẩu khí đốt từ Nga sang EU đã giảm gần 50% so với cùng kỳ 2021. Giá viên nén gỗ hiện nay đã tăng gần gấp đôi lên 200 euro một tấn tại Việt Nam, mức tăng rất cao so với dưới 100 USD/tấn hồi đầu năm.

Ông Lập dự báo, kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ sinh khối trong cả năm 2022 có thể đạt khoảng 700 triệu USD và trong tương lai gần, xuất khẩu viên nén gỗ có tiềm năng lọt vào nhóm mặt hàng nông, lâm sản có giá trị xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD.

Cùng quan điểm, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, theo thống kê, hàng năm cả nước có khoảng 20 triệu m3 củi, cành nhánh và vỏ bào, mùn cưa...

>>>Áp dụng thuế suất xuất khẩu 5% hoặc 10% cho mặt hàng viên nén gỗ là bất hợp lý

“Tuy nhiên, với lượng nguyên liệu như vậy thì việc sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ mặc dù tăng cao trong thời gian vừa qua nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của ngành”, ông Nghĩa nhận định.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu cho ngành viên gỗ.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu sản xuất viên nén gỗ.

Trong khi đó, nhà nước chưa có chính sách riêng biệt hỗ trợ hoạt động sản xuất và xuất khẩu viên nén gỗ nên chưa khai thác được hết tiềm năng của ngành sản xuất viên nén gỗ. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến viên nén gỗ, chưa có tiếng nói chung trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến tình trạng cạnh tranh mua nguyên liệu, mạnh ai lấy làm trong xuất khẩu.

Bên cạnh đó, một vấn đề lo ngại khác được ông Lập chỉ ra, tình trạng nông dân khai thác gỗ sớm sẽ dẫn đến thiếu nguyên liệu. Hiện nay, chu kỳ trồng keo đang ngắn hơn và mật độ cũng dày hơn. Sự thiếu kinh nghiệm cũng thể hiện rõ ở nhiều doanh nghiệp sản xuất viên nén gỗ. Nguyên liệu đầu vào đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của ngành viên nén gỗ.

"Việt Nam có trên 300 cơ sở sản xuất viên nén gỗ, nhưng để tận dụng nguồn nguyên liệu, khoảng 70-80% tập trung ở các tỉnh phía Nam và Nam miền Trung, nơi có các trung tâm chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất “dần trở nên phổ biến” khi ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu", ông Lập cảnh báo.

Thậm chí, thiếu nguyên liệu đầu vào khiến doanh nghiệp sản xuất viên nén phải sử dụng nguyên liệu “tạp” hơn và mở rộng mạng lưới thu mua nguyên liệu đầu vào ở các địa bàn xa hơn.

Do đó, chuyên gia khuyến nghị, trong tương lai, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu viên nén (cũng như các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, dăm, ván ép… có sử dụng gỗ rừng trồng) cần quan tâm tới việc tạo ra các vùng nguyên liệu, có thể thông qua hình thức liên kết với các hộ dân trồng rừng.

Đặc biệt, được biết trong thời gian gần đây, Chính phủ đang cân nhắc khả năng áp thuế xuất khẩu đối với mặt hàng viên nén. Mức thuế mà cơ quan tư vấn thuế của Chính phủ đưa ra là 5 hoặc 10%.

Tuy nhiên doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng nguyên liệu sản xuất viên nén không hề cạnh tranh với nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến gỗ. Nguồn nguyên liệu sử dụng để sản xuất viên nén hiện nay chủ yếu là nguồn phế phụ phẩm của ngành gỗ. Các cơ sở chế biến gỗ bán được mùn cưa, vỏ bào… sẽ tạo thêm thu nhập.

“Nếu áp dụng thuế xuất khẩu viên nén tại thời điểm hiện tại không những có thể gây lãng phí đối với nguồn nguyên liệu này mà còn trực tiếp tác động tiêu cực tới các bên tham gia chuỗi, bao gồm các hộ trồng rừng, các cơ sở xẻ bóc gỗ, và các cơ sở sản xuất đồ gỗ. Vì vậy, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ không nên áp thuế xuất khẩu viên nén”, ông Lập khuyến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành gỗ tìm lợi thế từ chuyển đổi số

    03:00, 29/10/2022

  • Bùng nổ xuất khẩu, viên nén gỗ hướng đến mục tiêu hàng tỷ USD

    01:00, 29/10/2022

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành gỗ tìm lợi thế từ chuyển đổi số

    03:00, 29/10/2022

  • Bùng nổ xuất khẩu, viên nén gỗ hướng đến mục tiêu hàng tỷ USD

    01:00, 29/10/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thách thức "kìm chân" doanh nghiệp xuất khẩu viên nén gỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO