Những tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đến nhân lực ngành Du lịch Việt Nam không nhỏ, tạo ra nhiều cơ hội lớn song cũng thầy thách thức trong đào tạo và nâng cao nghiệp vụ.
>>Vì đâu năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam ở mức trung bình?
CMCN 4.0 thúc đẩy mô hình “du lịch thông minh” nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ, nhằm tạo ra và cung cấp dịch vụ tốt nhất cho du khách. Trí tuệ nhân tạo sẽ mang đến nhiều lựa chọn nhờ việc phân tích dữ liệu về khách hàng. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp tạo lập chuỗi giá trị và cung cấp các loại hình du lịch theo đúng sở thích của khách hàng. Công nghệ số có thể tính toán được xu hướng nhu cầu của khách đối với loại hình du lịch, địa điểm, hình thức mua sắm hay loại cơ sở lưu trú mà khách thường lựa chọn,… Đó chính là cơ sở phát triển “du lịch thông minh”.
Với yếu tố cốt lõi vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) đã tạo ra cơ hội phát triển rất lớn cho ngành Du lịch của Việt Nam. Tra cứu Google Trends cho thấy, từ khóa “du lịch” được tìm kiếm tăng 3 lần trong 5 năm gần đây. Thông tin du lịch trong nước được tìm kiếm thường liên quan đến điểm đến, khách sạn, nhà hàng, kinh nghiệm du lịch,...
Việc phát triển Internet kết nối vạn vật tạo nên thế giới phẳng, chỉ cần có kết nối internet là có thể truy cập và tìm hiểu tất cả những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh du lịch nổi tiếng trên toàn thế giới. Sử dụng công nghệ 3D, 4D tái dựng di sản và quáng bá thông qua internet cũng góp phần tạo lên một cú huých quan trọng và là phương pháp kích cầu du lịch rất hiệu quả.
Internet vạn vật cũng giúp cho các doanh nghiệp lữ hành dễ dàng kết nối tour, tuyến điểm, tăng lượng khách và tăng hiệu suất kinh doanh du lịch, biến du lịch trở thành một ngành công nghiệp có guồng máy hoạt động không ngừng nghỉ, chạy hết công suất.
Công nghệ ảnh hưởng trực tiếp đến các hình thức tiếp thị trong du lịch, làm cho các hình thức tiếp thị du lịch ngày càng đa dạng hơn. Nếu như trước kia, để quảng bá, phát triển điểm đến, người ta phải mất kinh phí khá lớn cho việc quảng cáo phát tờ rơi, tập gấp, bản đồ, giới thiệu các tour và giá mỗi tour du lịch,… thì nay thông qua ứng dụng các website thông minh (như Web30s, Smart Live Chart, Smart Marketing Tool) và tổng đài ảo (tất cả các phần mềm này đều chạy trên môi trường điện toán đám mây) chi phí quảng cáo và thời gian đã giảm đi rất nhiều. Đây là một lợi thế lớn do CMCN 4.0 mang lại cho ngành Du lịch.
Số hóa cơ sở dữ liệu du lịch cũng là một trong những xu hướng của quản trị du lịch thông minh, mang lại tiện ích cho các nhà quản lý, kinh doanh du lịch và du khách ở khắp nơi trên thế giới. Đây là một cơ hội rất lớn đảm bào cho ngành Du lịch Việt Nam phát triển một cách bền vững và hiệu quả.
>>Quảng Nam: Nhiều “điểm nghẽn” phát triển du lịch xanh
Thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, trong đó có kinh doanh du lịch hiện đang là xu thế thời đại. Công nghệ đã giúp cho các nhà kinh doanh du lịch triển khai bán các dịch vụ du lịch cho mọi đối tượng có nhu cầu trên khắp thế giới với chi phí thấp nhất, thời gian tiết kiệm nhất. Chính nhờ mua và bán hàng qua mạng nên các doanh nghiệp du lịch có thể liên kết, cùng hợp tác, chia sẻ khó khăn và lợi nhuận, bán hàng cho số lượng khách đông, chi phí và thời gian ít nên họ có thể ổn định giá, giảm giá, thậm chí giảm giá tối đa các dịch vụ du lịch.
CMCN 4.0 ngoài việc mang lại những cơ hội rất lớn cho ngành Du lịch Việt Nam thì cũng có những thách thức không nhỏ:
Thứ nhất, đào tạo nguồn nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu phát triển. Mục tiêu tổng quát của quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành Du lịch phát triển. Quy hoạch tổng thể cũng xác định chỉ tiêu cụ thể về việc làm cho ngành Du lịch năm 2025 là 3,5 triệu (trong đó 1,05 triệu lao động trực tiếp), năm 2030 là 4,7 triệu (trong đó 1,4 triệu lao động trực tiếp). Để tận dụng được những cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại, việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được những yêu cầu về số lượng và chất lượng là yếu tố rất quan trọng.
Thứ hai, CMCN 4.0 đòi hỏi năng lực cạnh tranh rất cao. Để tăng cường sức cạnh tranh của doanh nhiệp du lịch trong thời đại CMCN 4.0, các doanh nghiệp này phải thay đổi từ cách quản trị truyền thống sang quản trị thông minh. Các doanh nghiệp lữ hành phải xây dựng và số hóa các nghiệp vụ, khởi tạo database nội dung giới thiệu các điểm đến bằng tiếng Việt và một số ngôn ngữ quốc tế khác; Tận dụng cơ hội để tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, tiến tới ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (Al) trong việc giới thiệu điểm tham quan. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành Việt cũng phải nâng cao năng lực cho đội ngũ hướng dẫn viên, tư vấn viên về kỹ năng mềm, kỹ năng ứng công nghệ mới, kỹ năng giao tiếp và sử dụng ngoại ngữ trong hoạt động kinh doanh.
Thứ ba, vấn đề an toàn và bảo mật thông tin. Công nghệ mới sẽ đem lại cho ngành Du lịch Việt Nam nhiều cơ hội để phát triển như IoT, điện toán đám mây, công nghệ thực tế ảo,… Tuy nhiên, mặt trái của thế giới kết nối đó là nguy cơ mất an toàn thông tin. Do đó vấn đề an toàn và bảo mật thông tin rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, trên hết là các quyền lợi của du khách.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) về du lịch tại địa phương, xây dựng kế hoạch phát triển lực lượng lao động du lịch địa phương dựa vào chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch vùng, tỉnh, các số liệu thống kê hàng năm về lượng khách du lịch tăng, giảm, số lượng cơ sở lưu trú và số lượng lao động du lịch hiện tại, nhằm phân tích sự thiếu hụt về chất và lượng lao động du lịch, kịp thời điều chỉnh kế hoạch đào tạo mới, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho lao động đang làm việc. Cụ thể:
Một là, các địa phương cần chủ động làm việc với các cơ sở đào tạo nghề du lịch và các doanh nghiệp du lịch để hình thành sự hợp tác giáo dục - thực hành, nhằm đạt được mục đích học viên sau đào tạo có đủ kiến thức, kỹ năng nghề và kinh nghiệm để làm việc, tăng số lượng lao động có nghề, đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Hai là, khuyến khích người lao động có ý thức tự nâng cao tay nghề, khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ, khuyến khích cơ sở dạy nghề du lịch phát triển theo định hướng thị trường, đồng thời tạo môi trường lao động ngày một tốt hơn.
Ba là, tập trung đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, máy móc và các trang thiết bị để đảm bảo việc ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa dữ liệu cho hoạt động du lịch. Mở các khóa đào tạo, nâng cao tay nghề tại địa phương, sử dụng các trang mạng, thông tin chung để cung cấp và cập nhật các chính sách, chương trình và thông tin về lực lượng lao động du lịch.
Đối với các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú và lữ hành, phải tiên phong trong việc tận dụng cơ hội do CMCN 4.0 mang lại. Cụ thể là:
Một là, cần ứng dụng rộng rãi internet trong các khâu và tăng cường số hóa dữ liệu, quản trị thông minh trong du lịch.
Hai là, cần khắc phục các vấn đề yếu kém trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ, nâng cao hiệu quả công việc, bao gồm các năng lực cơ bản, năng lực quản lý và du lịch có trách nhiệm. Hiện tại, đa số các đơn vị, doanh nghiệp lựa chọn hình thức đào tạo tại chỗ nên cần chuẩn bị các đào tạo viên là những người có nhiều kinh nghiệm, có kiến thức và kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp hiệu quả, kỹ năng truyền đạt và chia sẻ thông tin, khả năng áp dụng các nguyên tắc đào tạo. Các đơn vị, doanh nghiệp cần liên kết với các cơ sở đào tạo nghề du lịch để mở các khóa đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn nhằm nâng cao chất lượng cho đội ngũ lao động đáp ứng được thời đại CMCN 4.0.
Ba là, cần phải tổ chức công tác nhân sự dựa trên các dữ liệu phân tích công việc chính xác, đó là quá trình xác định các nhiệm vụ quan trọng của một vị trí công việc cụ thể và các phẩm chất cần có để thực hiện thành công các nhiệm vụ đó, bao gồm các nhiệm vụ cụ thể, công cụ và công nghệ, kiến thức, kỹ năng, năng lực, các hoạt động, môi trường làm việc, giáo dục, sở thích, phong cách làm việc và giá trị công việc. Thông tin từ phân tích công việc có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, như xây dựng chức năng nhiệm vụ từng vị trí, tuyển dụng, phát triển nghề nghiệp, đánh giá hiệu quả công việc và thực hiện chế độ lương, thưởng. Giải pháp này cho phép các đơn vị, doanh nghiệp đánh giá đúng thực chất và sử dụng có hiệu quả đội ngũ lao động du lịch. Qua đó, khuyến khích người lao động tự hoàn thiện mình để đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Thời đại CMCN 4.0 với những yếu tố cốt lõi: trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data), đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho nguồn nhân lực ngành Du lịch trong nước. Để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu trong thời đại CMCN 4.0 thì vai trò đầu tiên thuộc về các cơ sở đào tạo nghề du lịch. Ngoài ra sự tham gia của các cơ quan quản lý du lịch, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng là yếu tố rất quan trọng. Khi sở hữu được nguồn nhân lực đủ về số lượng và tốt về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp thì ngành Du lịch sẽ vững vàng cất cánh trong kỷ nguyên công nghệ số.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh: Chuẩn bị đón mùa du lịch cao điểm
15:29, 02/03/2023
Vì đâu năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam ở mức trung bình?
04:00, 02/03/2023
Tàu du lịch khó khăn vì vắng khách quốc tế
13:26, 02/03/2023
Sơn La - tâm điểm của cung đường du lịch Tây Bắc
03:30, 28/02/2023
Quảng Nam: Nhiều “điểm nghẽn” phát triển du lịch xanh
03:45, 01/03/2023
Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng cảng tàu khách du lịch
03:00, 28/02/2023