Không ngoài dự báo trước đó của các Cty chứng khoán, lần đầu tiên cổ phiếu VPB đã lọt vào rổ chỉ số VN30 sau gần 1 năm niêm yết.
Đây là cơ hội lớn cho VPB hút dòng tiền, song cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho cổ phiếu này duy trì chỗ đứng trong rổ chỉ số này.
HoSE vừa công bố danh mục cổ phiếu thành phần chỉ số VN30 kỳ tháng 7 (từ 23/7/2018 đến 25/1/2019). Theo đó, VPB, PNJ và VRE đã lọt rổ chỉ số này. Ở chiều ngược lại, 3 cổ phiếu khác bị loại khỏi rổ VN30 là BID, BVH và NT2.
Cổ phiếu có tính thanh khoản cao
Đầu tháng 3/2018, HOSE đã thông báo đưa cổ phiếu VPB ra khỏi danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ sau khi hết thời hạn 6 tháng kể từ ngày giao dịch đầu tiên 17/8/2017. Đây là lý do nhiều nhà đầu tư đánh giá có tác động tích cực với cổ phiếu VPB.
Kể từ khi chào sàn HOSE với mức giá khởi điểm 39.000 đồng/cp, VPB đã có tổng mức tăng “ấn tượng” gần 67%, có phiên giao dịch thanh khoản VPB đạt hơn 5,4 triệu cổ phiếu…
Với việc niêm yết trên HoSE và phát hành cổ phiếu riêng lẻ vào cuối quý 3/2017, VPBank đã tăng vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu lần lượt lên mức 15.706 tỷ đồng và 29.693 tỷ đồng, tức tăng hơn 70% so với năm 2016. Điều này đã giúp tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất trước và sau thuế của VPB trong năm 2017 đạt lần lượt 8.126 tỷ đồng và 6.438 tỷ đồng.
27.799
tỷ đồng là mức vốn điều lệ dự kiến của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trong năm 2018.
Chất lượng tăng trưởng của VPB còn được thể hiện qua tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt tương ứng 27,47% và 2,54%. Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế hợp nhất trên vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2017 của VPB đạt mức trên 40%.
Bên cạnh đó, để tối đa hoá lợi nhuận, VPB đã áp dụng hiệu quả các biện pháp thu hồi nợ. Cụ thể, trong năm 2017, Ngân hàng đã hoàn tất thu nợ được gần 3.000 tỷ đồng, trong đó có gần 1.100 tỷ đồng từ các khoản nợ đã xử lý rủi ro ngoại bảng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng (tính theo quy định tại Thông tư 02) của riêng ngân hàng trong năm 2017 được giữ ở mức 2,33% và tỷ lệ nợ xấu hợp nhất được giữ ở mức 2,89%.
Theo Ban Lãnh đạo VPB, để đáp ứng chuẩn Basel II, VPB sẽ tăng vốn mạnh trong năm 2018 từ hơn 15.706 tỷ lên hơn 27.799 tỷ đồng thông qua 5 đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, cổ phiếu thưởng, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Có thể bạn quan tâm
07:27, 21/07/2018
04:59, 24/04/2018
08:15, 09/04/2018
Rủi ro tiềm ẩn
Trước đây, 30 mã trong rổ VN30 được lựa chọn dựa nhiều trên vốn hóa và tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng. Trong số này không phải doanh nghiệp nào cũng có ngành nghề thuận lợi, kinh doanh và sử dụng vốn hiệu quả. Bên cạnh đó, việc nằm trong rổ VN30 không có nghĩa đảm bảo cho chất lượng cổ phiếu cũng như chất lượng quản trị, kinh doanh tốt của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi TTCK ngày càng phát triển theo hướng lành mạnh hơn, việc niêm yết mới, IPO, chuyển sàn của các doanh nghiệp lớn, đầu ngành gần đây đã giúp tăng chất lượng của bộ chỉ số này.
Các cổ phiếu trong rổ VN30 không chỉ có tính đại diện cao về vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ chuyển nhượng tự do cao mà còn có khả năng thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong năm 2018.
Việc lọt vào VN30 sẽ giúp VPB gia tăng thu hút dòng tiền và mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư . Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với VPB khi lọt chỉ số, bởi vào tháng 1 và tháng 7 hàng năm, các quỹ nội và ngoại sẽ xem xét đánh giá lại danh mục các cổ phiếu trong rổ.
Hiện tại, VPB đang đối mặt với một số thách thức: Thứ nhất, khoảng 51% lợi nhuận của VPB đến từ Cty con Fe Credit, trong khi phần lớn các khoản cho vay của Cty này là dưới chuẩn, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu trong trung và dài hạn. Thứ hai, việc tăng vốn điều lệ lên 27.799 tỷ đồng để đáp ứng chuẩn Basel II cũng là thách thức không nhỏ đối với VPB, nhất là khi TTCK đang trong giai đoạn điều chỉnh như hiện nay. Thứ ba, thanh khoản cổ phiếu VPB có nguy cơ bị sụt giảm nếu ngân hàng này không tìm cách hóa giải rủi ro tại Fe Credit và thực hiện tăng vốn để đảm bảo an toàn hoạt động. Nếu tính thanh khoản cổ phiếu VPB không đáp ứng được điều kiện theo quy định, thì cổ phiếu này sẽ có nguy cơ bị loại ra khỏi rổ chỉ số VN30.
Lọt vào rổ chỉ số VN30 đã khó, nhưng “trụ hạng” trong rổ này còn khó khăn hơn khi mà các doanh nghiệp niêm yết đang không ngừng nỗ lực phấn đấu đáp ứng các điều kiện theo quy định để lọt vào VN30.
Tầm quan trọng của VN30 Hiện tại, hai quỹ ETF VFM VN30 ETF và KINDEX Vietnam VN30 ETF đang sử dụng chỉ số VN30 Index làm tham chiếu. Dòng tiền lớn cũng chủ yếu tập trung phần ở nhóm VN30, và VN30 Index còn được sử dụng tham chiếu cho thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh. Bởi vậy, những biến động của rổ chỉ số này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới TTCK. VN30 index được tính dựa trên ba tiêu chí: giá trị vốn hoá, tỷ lệ free-float (tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng) và giá trị giao dịch bao gồm 30 cổ phiếu niêm yết trên HOSE có vốn hoá thị trường và tính thanh khoản cao nhất (chiếm khoảng 80% tổng giá trị vốn hóa và 60% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường). Điều này, cho thấy tính quan trọng của rổ chỉ số này khi bất kỳ cổ phiếu nào lọt vào rổ VN30. Các cổ phiếu phổ thông đang niêm yết trên sàn HOSE được tham gia vào tính toán chỉ số phải không thuộc một trong các diện như: Cổ phiếu thuộc diện bị cảnh cáo, bị kiểm soát, bị tạm ngưng giao dịch trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm xem xét. Cổ phiếu có thời gian niêm yết và giao dịch trên HOSE dưới 6 tháng. |