Thái Bình: Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

TRUNG THÀNH 05/06/2024 01:16

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình đã có nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp, để từng bước tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai, đảm bảo hoạt động XNK đạt hiệu quả.

>>>Thái Bình: Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

Phát huy nội lực

Theo ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình: Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, nội lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tháng 3/2022, UBND tỉnh ban hành đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Sau hai năm triển khai thực hiện đề án, hoạt động xuất nhập khẩu có sự thay đổi đáng ghi nhận.

Thực hiện đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã chủ động nâng cao năng lực điều hành kinh tế, triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và UBND huyện, thành phố (DDCI) nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Cùng với việc tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, các sở, ngành, địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là về hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực... sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, tạo tiền đề quan trọng để thu hút dự án mới và thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu. 

Trong 2 năm 2022 - 2023, Thái Bình đột phá về thu hút đầu tư cả về số lượng và chất lượng dự án. Tiêu biểu như dự án khu công nghiệp VSIP Thái Bình với tổng vốn đầu tư gần 212 triệu USD; dự án nhà máy Pegavision Việt Nam sản xuất kính áp tròng với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất đồ uống của Tập đoàn Hite Jinro tổng vốn đầu tư 100 triệu USD.

Sau hai năm triển khai thực hiện đề án, hoạt động xuất nhập khẩu của tính Thái Bình có sự thay đổi đáng ghi nhận.

Sau hai năm triển khai thực hiện đề án, hoạt động xuất nhập khẩu của tính Thái Bình có sự thay đổi đáng ghi nhận (Ảnh minh họa)

Dự án đầu tư sản xuất các cổng chuyển đổi, thiết bị kết nối, thiết bị vi tính tổng vốn đầu tư 45 triệu USD của Công ty TNHH Goodway Cayman; dự án nhà máy sản xuất, gia công đèn LED các loại và linh kiện đèn LED của Công ty TNHH Longstar Lighting Hạ Môn với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD... Đây là những dự án có quy mô khá lớn, khi đi vào sản xuất chính thức sẽ tạo ra nguồn hàng xuất khẩu mới cho tỉnh. 

Theo ông Trần Ngọc Phúc, Phó Giám đốc Công thương Thái Bình cho biết: Với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, Sở đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật, dự báo tình hình thị trường giúp doanh nghiệp định hướng và có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, khắc phục tình trạng tồn kho.

Đặc biệt, Sở đã kịp thời phổ biến các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP... giúp các doanh nghiệp tận dụng tốt ưu đãi về thuế quan, tạo sức cạnh tranh đưa hàng hóa thâm nhập vào các thị trường và kích thích gia tăng hoạt động sản xuất. Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp trong các CCN đạt khoảng 34.460 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 280 triệu USD. 

Không chỉ có ngành công thương, ngành nông nghiệp cũng có nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh với 33 mô hình phát triển nông nghiệp. Ông Nguyễn Mạnh Khương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong những năm qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân chủ động tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.

Đáng chú ý, nhiều hộ, hợp tác xã đã đưa nông sản lên thương mại điện tử không chỉ tiêu thụ tốt tại thị trường trong nước mà còn tiếp cận được nhiều khách hàng nước ngoài, mở ra cơ hội xuất khẩu trong thời gian tới.

Tăng cường các dịch vụ hỗ trợ 

Theo Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh: Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh có sự thay đổi với nhiều tín hiệu đáng mừng.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVD-19 và sự biến động kinh tế thế giới nhưng năm 2022, toàn tỉnh có 293 doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu hàng hóa với tổng kim ngạch đạt 2.454 triệu USD, tăng 14,8% so với năm 2021. Năm 2023, số doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu hàng hóa tăng lên 328 đơn vị với tổng kim ngạch đạt 2.645 triệu USD, tăng 7,8% so với năm 2022. 

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như may mặc, khăn bông, xơ sợi, thực phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ đã vươn ra và chinh phục được nhiều thị trường lớn, khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước EU, các nước ASEAN...

Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp trong các CCN đạt khoảng 34.460 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 280 triệu USD (Ảnh minh họa)

Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp trong các CCN đạt khoảng 34.460 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 280 triệu USD (Ảnh minh họa)

Có thể nói, các doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa của tỉnh đủ năng lực, điều kiện để thâm nhập, xuất khẩu vào bất kỳ thị trường nào trên thế giới. Đây là bước tiến quan trọng không chỉ mang lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà còn giúp các doanh nghiệp tự tin hội nhập kinh tế quốc tế thành công và đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong thời gian tới. 

Ông Trần Quốc Chính - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thái Bình cho biết: Hoạt động thông quan hàng hóa ngày càng trở nên đơn giản, thuận lợi giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí nhờ công tác chuyển đổi số. Chi cục đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện phương thức quản lý điện tử, quản lý tự động các hoạt động nghiệp vụ hải quan trên môi trường số, hiện đại hóa thủ tục hải quan hướng tới hải quan phi giấy tờ. 

Hiện nay, Chi cục đang xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin ở tất cả các khâu nghiệp vụ hải quan, giảm tỷ lệ kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hóa, rút ngắn thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Đây cũng là nỗ lực của đơn vị góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, tạo dựng niềm tin, thu hút nhiều tập đoàn, công ty lớn hàng đầu thế giới và trong nước đến đầu tư, kinh doanh tại Thái Bình.

Hiện nay, Việt Nam là thành viên của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - FTA như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa với thị trường rộng lớn. Tuy nhiên, để doanh nghiệp tận dụng được những cơ chế ưu đãi và đáp ứng các tiêu chí bộ quy tắc ứng xử của từng FTA, Sở Công Thương đã phối hợp với các cục, vụ chức năng của Bộ Công Thương tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến các hiệp định, tập huấn về quy tắc xuất xứ hàng hóa, hướng dẫn các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đặc biệt, Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Thái Bình đã hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chứng minh xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan theo các FTA thông qua việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Đến nay, đơn vị đã thực hiện điện tử hóa 14/19 mẫu C/O, trong 2 năm 2022 - 2023 đã cấp gần 30.000 C/O cho các doanh nghiệp trên địa bàn với kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 35 - 38% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. 

Có thể bạn quan tâm

  • Thái Bình: Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

    Thái Bình: Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

    03:00, 29/05/2024

  • Thúc đẩy tài chính bền vững khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

    Thúc đẩy tài chính bền vững khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

    16:18, 28/05/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thái Bình: Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO