Thái Bình: Doanh nghiệp dệt may nỗ lực giữ chân người lao động

TRUNG THÀNH 29/07/2023 01:30

Thời gian qua, do tác động của thị trường thế giới đã khiến ngành may đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng. Chính vì vậy, bài toán giữ chân người lao động cấp thiết hơn bao giờ hết.

>>>Thái Bình: Quyết liệt gỡ nút thắt cho doanh nghiệp

Nỗ lực tìm kiếm đơn hàng

Theo Sở Lao động thương binh và xã hội: Từ giữa năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực may mặc tiếp tục gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng do ảnh hưởng của kinh tế thế giới. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã phải giảm đơn giá, tìm kiếm thêm mặt hàng sản xuất mới để duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ).

Trước thực tế các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng, ảnh hưởng đến duy trì việc làm cho NLĐ, thời gian qua, cùng với nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, các doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh Thái Bình cũng đã tích cực phối hợp với công đoàn cơ sở thực hiện tốt các chế độ, chính sách để giữ chân NLĐ.

Theo ông Phạm Văn Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Sao Mai, Công ty chuyên sản xuất đồng phục xuất khẩu đi Nhật Bản và châu Âu, song  quý I/2023 đơn hàng của Công ty giảm 40 - 50% so với cùng kỳ năm 2022.  Theo ông Tuấn, Công ty cũng như các doanh nghiệp lĩnh vực may mặc chưa bao giờ gặp khó khăn như hiện nay. Đơn hàng giảm khiến doanh thu của Công ty giảm, thu nhập của NLĐ bị ảnh hưởng.

Chưa kể, có thời điểm hết đơn hàng, một số bộ phận phải cho NLĐ tạm thời nghỉ việc để chờ đơn hàng mới nên việc giữ chân NLĐ cũng là bài toán đặt ra với doanh nghiệp. Thay đổi phương thức sản xuất là giải pháp được doanh nghiệp đưa ra trong thời gian qua. Ngoài mặt hàng truyền thống là đồng phục xuất khẩu, doanh nghiệp tìm kiếm một số mặt hàng mới như hàng dệt kim, bảo hộ lao động... để duy trì sản xuất. Công ty nỗ lực duy trì đơn hàng đến hết quý II/2023.

Thời gian qua, do tác động của thị trường thế giới đã khiến ngành may đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng (ảnh minh họa)

Thời gian qua, do tác động của thị trường thế giới đã khiến ngành may đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng (ảnh minh họa)

Với Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ và sản xuất Toàn Anh, cụm công nghiệp An Ninh, trước đây thu nhập của NLĐ luôn ở mức 7 - 8 triệu đồng/người/tháng nhưng hiện nay chỉ dao động ở mức 5 - 6 triệu đồng. 

Ông Phạm Thành Trang, quản lý sản xuất Công ty cho biết: Sản phẩm của Công ty là hàng gia công áo jacket xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, châu Âu, châu Mỹ. Từ đầu năm đến nay, ngành may mặc gặp rất nhiều khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Mặc dù đơn hàng giảm song Công ty luôn nỗ lực tìm nguồn hàng mới, khách hàng mới, thị trường mới để bảo đảm việc làm cho NLĐ. Hiện tại, đơn hàng của Công ty đã ký đến hết quý II/2023. Cùng với đó, Công ty luôn phối hợp với công đoàn thực hiện tốt các chế độ, chính sách để giữ chân NLĐ.

Bà Tăng Thị Hiệu - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Quỳnh Phụ chia sẻ, bên cạnh tìm giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, doanh nghiệp cần có cơ chế giữ chân NLĐ để cùng vượt qua khó khăn, thách thức. Những biện pháp giữ chân NLĐ không chỉ có tăng thu nhập cho họ mà quan trọng hơn là cách đối đãi của đơn vị và người sử dụng lao động, tạo tình cảm, sự yên tâm để họ gắn bó. Cùng với đó, doanh nghiệp duy trì các chế độ lương, thưởng và có cam kết lâu dài với NLĐ. Công đoàn sẽ giám sát việc thực hiện. Có như vậy, NLĐ mới gắn bó lâu dài và cống hiến hết sức mình.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Dệt may HNF, Để có đơn hàng cho NLĐ, Công ty phải giảm đơn giá từ 20 - 25% theo yêu cầu của khách hàng, phải chuyển dịch mặt hàng sản xuất. Song, dù khó khăn đến đâu, chúng tôi cũng luôn cố gắng duy trì việc làm cho NLĐ. Theo đó, lãnh đạo doanh nghiệp đã có chính sách hỗ trợ kịp thời với NLĐ. Cụ thể, nếu NLĐ không bảo đảm thu nhập Công ty sẽ bù lương bằng mức 200.000 đồng/ngày. Đối với những công nhân phải tạm nghỉ làm, trong thời gian chờ việc, Công ty sẽ hỗ trợ 50% mức lương cơ bản. Ngoài ra Công ty vẫn duy trì hỗ trợ tiền xăng xe, chế độ ngày phép, đóng BHXH và các chính sách liên quan đến đời sống của NLĐ. 

Chị Nguyễn Thị Hương - công nhân Công ty cho biết: Khi NLĐ gặp khó khăn, tổ chức công đoàn đã kịp thời phát huy vai trò trong việc tham mưu với chủ sử dụng lao động quan tâm chăm lo cho NLĐ, không bỏ rơi NLĐ. Đây là yếu tố quan trọng để chúng tôi yên tâm, tin tưởng, gắn bó với tổ chức công đoàn.

Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ và sản xuất Toàn Anh, cụm công nghiệp An Ninh (Quỳnh Phụ) tìm kiếm nguồn hàng mới, khách hàng mới, thị trường mới để bảo đảm việc làm cho người lao động (ảnh báo Thái Bình)

Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ và sản xuất Toàn Anh, cụm công nghiệp An Ninh tìm kiếm nguồn hàng mới, khách hàng mới, thị trường mới để bảo đảm việc làm cho người lao động (ảnh báo Thái Bình)

Nhiều chính sách giữ chân NLĐ

Công ty Cổ phần Dệt may Sao Mai có khoảng 300 lao động. Trước đây, thu nhập của NLĐ Công ty luôn duy trì từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, do thiếu đơn hàng do suy giảm kinh tế thế giới, Công ty phải cắt giảm đơn hàng, vì vậy việc làm của NLĐ bị ảnh hưởng, thu nhập cũng giảm theo. Để NLĐ yên tâm làm việc, lãnh đạo Công ty phối hợp với tổ chức công đoàn kịp thời thực hiện các chế độ để giữ chân NLĐ. 

Chị Nguyễn Vân Anh - công nhân Công ty cho biết: Trước khó khăn chung của Công ty, chúng tôi hiểu được nỗi lo của doanh nghiệp khi phải chăm lo cho hàng trăm lao động. Trong thời điểm đơn hàng bị cắt giảm do nhiều yếu tố, việc duy trì việc làm và thực hiện các chế độ phù hợp giúp NLĐ chúng tôi yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Tại Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ và sản xuất Toàn Anh, theo chia sẻ của ông Phạm Thành Trang - Quản lý Công ty, để hạn chế thấp nhất tình trạng NLĐ dịch chuyển công việc, Công ty luôn nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để tạo việc làm ổn định cho NLĐ, trả lương thỏa đáng đối với từng vị trí, bộ phận. Cùng với đó, duy trì các chế độ đãi ngộ với NLĐ như phụ cấp chuyên cần, đóng đầy đủ BHXH theo quy định, duy trì chế độ lương, thưởng...

Dự báo tình hình kinh tế thế giới sẽ còn khó khăn trong năm 2023, tiếp tục ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lĩnh vực may mặc và kéo theo sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của công nhân lao động. 

Nửa cuối năm cũng là giai đoạn khó khăn của nhiều doanh nghiệp dệt may. Một số nhà máy không có đơn hàng để làm buộc phải tính toán lại phương án sắp xếp lao động phù hợp như cho công nhân nghỉ thứ 7 hay nghỉ phép. Anh Nguyễn Văn Thanh, công nhân, cho biết: "Trước đây thì chúng tôi tăng ca làm việc, bây giờ, đơn đặt hàng ít nên thời gian làm việc cũng cắt bớt đi".

Thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy có đến gần 625.000 lao động bị ảnh hưởng nhưng trong đó chỉ có 31.000 lao động bị chấm dứt hợp động, tức là chỉ dưới 5%.

Sở dĩ tỷ lệ mất việc trong 6 tháng gần đây chỉ dưới 5% bởi lẽ doanh nghiệp đang tìm mọi cách để giữ chân người lao động. Từ hỗ trợ tiền nhà trọ, thưởng, cung cấp hàng chất lượng, giá ưu đãi, thậm chí tăng cường đào tạo… là những phúc lợi mà không ít doanh nghiệp đưa ra nhằm giữ chân người lao động.

Nhiều doanh nghiệp đang chững lại vì nguồn cung ứng và thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, không có người nào phải nghỉ việc và các xưởng đang duy trì luân phiên cắt giảm giờ làm. Thời gian trống đó, người lao động được đào tạo thêm nhiều kỹ năng, nâng cao tay nghề

các doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh Thái Bình cũng đã tích cực phối hợp với công đoàn cơ sở thực hiện tốt các chế độ, chính sách để giữ chân NLĐ. (ảnh báo Thái Bình)

Các doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh Thái Bình cũng đã tích cực phối hợp với công đoàn cơ sở thực hiện tốt các chế độ, chính sách để giữ chân NLĐ. (ảnh báo Thái Bình)

Đại diện một Công ty dệt may Thái Bình, cho biết: Thời gian qua tuy có khó khăn nhưng chúng tôi vừa duy trì sản xuất vừa đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động. Vì vậy, chúng tôi coi thử thách này là một điều tích cực hơn là tiêu cực. 

Theo lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Bình: San sẻ việc làm là cách mà nhiều doanh nghiệp đang làm để giữ lao động. Họ được bố trí làm việc luân phiên các ngày trong tuần nhằm đảm bảo ai cũng có việc và thu nhập để duy trì cuộc sống. Bài toán về lao động là một bài toán khó, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động. Các doanh nghiệp đang nỗ lực hết sức để hỗ trợ cho người lao động, đồng thời tạo điều kiện để người lao động có thể nâng cao năng lực. Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp thì cũng cần sự thấu hiểu từ phía người lao động. Mục đích cuối cùng hướng đến là phát triển của doanh nghiệp và việc làm ổn định cho người lao động.

Có thể bạn quan tâm

  • Thái Bình: Cách nào làm tốt việc giải ngân vốn đầu tư công?

    Thái Bình: Cách nào làm tốt việc giải ngân vốn đầu tư công?

    01:48, 28/07/2023

  • Thái Bình: Quyết liệt gỡ nút thắt cho doanh nghiệp

    Thái Bình: Quyết liệt gỡ nút thắt cho doanh nghiệp

    00:30, 27/07/2023

  • "Đòn bẩy" phát triển công nghiệp Thái Bình

    01:31, 21/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thái Bình: Doanh nghiệp dệt may nỗ lực giữ chân người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO