Nông dân huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình có nguy cơ phải “giải cứu” ớt vì giá rớt tới 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Một lần nữa, câu chuyện “giải cứu” nông sản lại được nhắc đến như một điệp khúc “đến hẹn, lại lên”. Yếu ở khâu chế biến và tổ chức thị trường là hai vấn đề căn bản của nông sản Việt hiện nay.
Chúng ta đã quá quen với các thông tin “giải cứu”. Đó là sự bế tắc mà năm nào chúng ta cũng vấp phải. Quá nhiều phiên họp, quá nhiều giải pháp được đưa ra nhưng chúng ta chưa bao giờ tìm ra được lối thoát cho việc này ngoài việc kêu gọi người tiêu dùng “giải cứu”.
Thái Bình là một tỉnh mạnh về nông sản và không ít lần phải “giải cứu” cho một mặt hàng nông sản nào đó. Chỉ cần phía đối tác ngừng thu mua là mặt hàng nông sản đó lập tức bị rớt giá thảm hại. Nguyên nhân chính là thói quen kinh doanh của người nông dân, chỉ cần năm trước được giá là năm sau tập trung vào mặt hàng nông sản đó mà không hề có cơ sở nào.
Ớt là cây trồng chủ lực trong vụ đông xuân tại huyện Quỳnh Phụ, với tổng diện tích gần 1.000 ha. Những năm gần đây, công thức 1 vụ lúa xuân – lúa chét (lúa tái sinh) – 1 vụ ớt đã được nhiều nông dân trong huyện này áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, giá ớt năm nay liên lục giảm khiến người dân đứng ngồi không yên.
Một người dân trồng ớt ở xã An Cầu (Quỳnh Phụ) chia sẻ: “Vụ ớt năm nay, nông dân chúng tôi bị lỗ nặng. Tiền bán ớt không đủ bù phân đạm, tưới tiêu. Mấy ngày đầu vụ, ớt còn được giá 15.000 – 20.000 đồng/kg, giờ giảm mạnh chỉ còn 3.000 – 5.000 đồng/kg. Thương lái lại thu mua cầm chừng nên nhiều ruộng ớt chín đỏ mà nông dân vẫn chưa buồn hái. Nhưng nếu không thu hoạch, cây ớt cũng cỗi dần, phải chặt bỏ thôi”.
Thực tế sản xuất hơn 30 năm qua cho thấy, cây ớt tại huyện Quỳnh Phụ cho giá trị kinh tế cao gấp 2 – 3 lần các cây màu vụ đông khác và gấp 4 lần cấy lúa. Nhưng chưa có một doanh nghiệp nào chính thức đứng ra làm cầu nối cho cây ớt đến với các thị trường khác trong nước và quốc tế, hoặc có chăng người nông dân cũng chỉ lựa chọn thương lái. Đó là tư duy “ăn xổi”, cứ cao là bán nhưng nếu “sập” thì lại trông chờ giải cứu.
Có thể bạn quan tâm
13:05, 31/10/2018
21:22, 10/04/2018
06:32, 21/08/2017
Các thương lái địa phương cho biết, do năm nay thị trường Trung Quốc hạn chế tiêu thụ ớt nên hầu hết sản lượng ớt hiện tại được bán cho các cơ sở làm tương ớt. Trong khi các thương lái gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc nên cũng không kiểm soát được tình hình.
Trước những tình trạng như vậy diễn ra một vài năm gần đây, huyện Quỳnh Phụ và các HTX trên địa bàn đã đứng ra thực hiện vai trò cầu nối, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân. Tuy nhiên sự gắn kết này cũng không bền vững khi người dân thường “bẻ kèo”, chạy theo giá thị trường. Bởi khi ký kết “chuyên nghiệp” như vậy thì giá bao giờ cũng thấp hơn so với thương lái thu mua. Trong khi người nông dân luôn tin vào thương lái. Bởi họ luôn có suy nghĩ khi gặp biến cố đã có chính quyền, hội nông dân và người dân “giải cứu”.
Đã có những vụ ớt, bà con cam kết cung cấp toàn bộ sản phẩm cho các đơn vị thu mua nhưng trên thực tế, khi giá tăng lên so với giá cam kết, nông dân lại đem bán ra bên ngoài. Khi giá ớt giảm, nông dân lại quay về bán cho HTX. Điều này khiến cho các doanh nghiệp thu mua không mặn mà bắt tay làm ăn với bà con.
Nhìn thẳng vào thực tế, mỗi lần phải “giải cứu” thì cốt lõi lại chính là do người nông dân đã không tôn trọng “cuộc chơi” này, họ chạy theo lợi nhuận nhất thời. Giận thì giận mà thương cũng thật thương, nhưng nếu chúng ta quyết liệt một lần, không “giải cứu” để thuận theo tự nhiên, thuận theo sự lựa chọn mà người trồng ớt đã chọn thì chuyện gì sẽ xảy ra?. Sẽ là rất khó, bởi chúng ta…không đành!