Thái Bình: Nhiều sản phẩm hàng Việt được các doanh nghiệp đưa về nông thôn

TRUNG THÀNH 22/09/2023 01:08

Thời gian qua, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Không chỉ là cầu nối, mà chương trình còn tạo nên hiệu ứng tích cực từ doanh nghiệp và phía người tiêu dùng.

>>>Thái Bình: Hơn 300 doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng

Theo Sở Công thương Thái Bình: Với gần 30 gian hàng của 18 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã được trưng bày, giới thiệu tại xã Vũ Hòa, huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình). Đây là hoạt động thiết thực nằm trong chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn Thái Bình năm 2023”.

Theo Hội Doanh nghiệp tỉnh: Hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đưa hàng Việt về nông thôn đã được các Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến thương mại, hay các hiệp hội của các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức. Các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt được bày bán bắt mắt, thông tin sản phẩm đầy đủ, phong phú, đa dạng, giá cả thấp hơn thị trường 5-10%, chất lượng sản phẩm tốt, phù hợp thị hiếu... Đây chính là những ưu điểm nổi bật, thu hút được người tiêu dùng ở nông thôn.

Các đại biểu tham quan gian hàng bày bán sản phẩm hàng Việt

Các đại biểu tham quan gian hàng bày bán sản phẩm hàng Việt (Ảnh: Báo Thái Bình)

Bà Vũ Thị Thủy – huyện Kiến Xương cho biết: "Từ khi có chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, người dân ở đây rất vui, nhiều người đến tìm hiểu sản phẩm, rồi mua về dùng. Bây giờ hàng Việt có chất lượng rất tốt và giá cả hợp túi tiền của mình nên dễ mua".

Với nhiều doanh nghiệp, lý do chính tham gia bán hàng tại nông thôn không phải vì doanh số, mà điều quan trọng là nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người dân để xây dựng mạng lưới phân phối, phát triển thị phần tại khu vực nông thôn. Còn với người tiêu dùng nông thôn thì được tiếp cận nhiều hơn với những sản phẩm mang thương hiệu Việt chất lượng cao, giá cả phù hợp.

Theo đại diện Hội doanh nghiệp huyện Kiến Xương cho biết: Hiện nay hàng Việt đã chiếm hơn 80% số lượng sản phẩm được bày bán tại chợ ở nông thôn, tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng: lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm...

Ông Đặng Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh Thái Bình cho biết: Tất cả các sản phẩm bày bán đều có nguồn gốc, xuất xứ tại Việt Nam phục vụ nhu cầu đời sống sinh hoạt của người dân vùng nông thôn.

Trong đó có nhiều sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng đánh giá cao như: Tỏi đen của Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Tùng Lộc Thúy; Gạo, phở, bún ăn liền của Công ty trách nhiệm hữu hạn Liên Hạnh; Nước mắm các loại của Công ty cổ phần thủy sản thương mại Diêm Điền; Tinh dầu hương thảo của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Hoàng Minh…Tại các gian hàng, doanh nghiệp tổ chức các chương trình tư vấn tiêu dùng, bán hàng khuyến mãi, giảm giá và dùng thử sản phẩm.

Người dân vùng nông thôn rất tin tưởng về chất lượng các sản phẩm Việt

Người dân tham quan mua sắm các sản phẩm chất lượng của hàng Việt

Được biết, các doanh nghiệp tham gia chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn Thái Bình năm 2023” được hỗ trợ miễn phí tiền gian hàng; chi phí tuyên truyền, quảng bá chung cho chương trình. Theo ông Sơn, việc tổ chức thành công chương trình đã góp phần tạo cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối tại thị trường nông thôn Thái Bình.

Đây còn là điều kiện để giới thiệu, quảng bá trực tiếp sản phẩm đến người tiêu dùng, góp phần xây dựng niềm tin vào sản phẩm nội địa với chất lượng tốt, giá thành phù hợp.

Hàng hóa tham gia chương trình tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các nhóm hàng tham gia chương trình bình ổn giá, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, vở học sinh...

Được biết, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được xem là một hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, nhằm thúc đẩy sản xuất, kích cầu tiêu dùng, đóng góp tích cực vào thành công của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Những phiên chợ hàng Việt nói riêng và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn nói chung, còn kết nối và tạo ra động lực cho lưu thông và phát triển chuỗi tiêu dùng trong nước; góp phần tạo mối liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây còn là hành động thiết thực, cụ thể nhằm nâng cao ý thức, từng bước củng cố lòng tự hào về chất lượng sản phẩm trong nước, thay đổi thói quen "sính ngoại", hình thành thói quen tiêu dùng tốt trong nhân dân.

Trước đó, cũng tại huyện Kiến Xương, Sở Công thương tỉnh Thái Bình đã mở điểm bán hàng Việt thứ 6 tại làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, xã Hồng Thái với quy mô gần 500m2.

Thông qua điểm bán hàng Việt, nhiều người dân và khách du lịch trong, ngoài tỉnh được tiếp cận các sản phẩm thuần Việt, cũng như một số sản phẩm OCOP địa phương như: Mắm cáy và rượu đinh lăng xã Hồng Tiến; gạo chợ Gốc xã Bình Thanh; gạo Khang Long xã Vũ Quý…

Có thể bạn quan tâm

  • Thái Bình: Phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường

    Thái Bình: Phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường

    06:06, 13/09/2023

  • Thái Bình: Hơn 300 doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng

    Thái Bình: Hơn 300 doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng

    13:16, 13/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thái Bình: Nhiều sản phẩm hàng Việt được các doanh nghiệp đưa về nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO