Đến năm 2025 công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Thái Bình sẽ tham gia quan trọng trong chuỗi ung ứng toàn cầu của các tập đoàn quốc gia lớn trên thế giới, tập trung chủ yếu vào ngành dệt may và cơ khí.
>>>Cơ hội nào cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam?
>>>Cần xem xét lại tiêu chí công nghiệp hỗ trợ
Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu tổng quát đã xác định, đến năm 2020, CNHT sẽ trở thành ngành công nghiệp phát triển quan trọng, chủ yếu sản xuất và cung cấp các linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước; đến năm 2025, CNHT của tỉnh sẽ tham gia quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.
Nhiều giải pháp phát triển CNHT
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Thái Bình đã đề ra nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, như: giải pháp về đầu tư; giải pháp về xây dựng và phát triển thị trường; giải pháp về khoa học công nghệ; giải pháp phát triển các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành; giải pháp về hợp tác và phối hợp phát triển; bảo vệ môi trường và giải pháp quản lý. Bên cạnh đó, còn có nhóm giải pháp mang tính đột phá gồm: Cải cách hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho đầu tư; đẩy nhanh tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng, phát triền nguồn nhân lực.
Đặc biệt, Thái Bình sẽ đặc biệt tập trung phát triển CNHT cho ngành điện tử, cơ khí chế tạo và dệt may, coi đây như một khâu đột phá để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới và góp phần nâng cao giá trị tăng thêm của ngành.
Cụ thể, Thái Bình sẽ tiếp tục hỗ trợ một số ngành công nghiệp như dệt may, cơ khí, điện tử… phát triển tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tăng cường đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ thiết kế, quảng bá thương hiệu. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các dự án kéo sợi, dệt may đồng bộ và phát triển CNHT cho ngành may.
>>Cần xem xét lại tiêu chí công nghiệp hỗ trợ
>>Cơ hội nào cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam?
Theo UBND tỉnh Thái Bình, hiện Thái Bình đã nằm trong top tỉnh có giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đặc biệt như dệt may, da giày, xơ sợi. Trong định hướng phát triển công nghiệp đến năm 2030, dệt may là 1 trong 4 nhóm ngành hàng chính được cụ thể hóa. Nhiều doanh nghiệp của tỉnh Thái Bình được nhà cung cấp đánh giá chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Một số doanh nghiệp thuộc nhóm hàng kéo sợi, may công nghiệp đã đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ hiện đại để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nên đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của thị trường…
Về lĩnh vực cơ khí, chế tạo, tỉnh Thái Bình xác định tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy; cơ khí xây dựng tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để sẵn sàng tham gia vào cụm liên kết; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực hỗ trợ ngành cơ khí và hỗ trợ phát triển hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng, phụ kiện cơ khí.
Ngành Dệt may giữ vị trí chủ đạo trong kim ngạch xuất khẩu
Hiện, Thái Bình có 234 doanh nghiệp dệt may, da giày nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô trung bình. Trong đó, có 44 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (gồm 5 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, 39 doanh nghiệp, cơ sở trong nước).
Thị trường tiêu thụ sản phẩm dệt, sợi của các doanh nghiệp chủ yếu là châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, ngoài ra tiêu thụ một phần ở trong nước. Đây là một trong những lợi thế rất lớn trong phát triển CNHT ngành dệt may của tỉnh. Thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may đã góp phần thúc đẩy ngành này phát triển, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thái Bình.
Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Liên - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương) thì kim ngạch xuất khẩu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng cũng như thế mạnh mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Thái Bình.
Bà Liên đề nghị các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động nghiên cứu sâu về các Hiệp định, nắm được những cam kết, tiêu chí để được ưu đãi thuế quan đối với sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp sớm có giải pháp nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh và bảo đảm sản phẩm xuất khẩu của mình đáp ứng được quy tắc xuất xứ và tiêu chuẩn kỹ thuật.
Về phía Sở Công Thương, trong thời gian tới Sở sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tham mưu UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo, giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực công thương nói chung, lĩnh vực xuất nhập khẩu nói riêng, giúp khơi thông dòng chảy hàng hóa của các doanh nghiệp một cách thuận lợi nhất – bà Liên nhấn mạnh.
Công ty TNHH Hợp Thành chuyên sản xuất xơ sợi Polyester, 60% sản lượng được xuất khẩu vào EU. Một trong những yếu tố thành công đó là Công ty đã đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc, công nghệ và quy trình sản xuất đạt các chứng chỉ quốc tế như GRS, Confidence in Textiles, REACH SVHC Statement.
Theo ông Hoàng Phó Thuận - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty, để đưa hàng hóa vào thị trường châu Âu đòi hỏi doanh nghiệp phải vượt qua nhiều rào cản kỹ thuật về chất lượng, hình thức sản phẩm, thân thiện với môi trường, điều kiện làm việc và an sinh xã hội cho người lao động, bảo vệ môi trường... Bình quân mỗi năm Công ty xuất khẩu khoảng 40.000 tấn xơ sợi, kim ngạch đạt 40 triệu USD. Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu vào các nước EU giảm nên chúng tôi có thêm nhiều khách hàng mới, số lượng đơn hàng tăng 15 - 20% so với trước.
Ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, qua nghiên cứu, tìm hiểu, tôi thấy Thái Bình là địa phương có điều kiện đầu tư rất tốt bởi ngoài sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tỉnh Thái Bình còn có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực dồi dào, hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư hiện đại và các khu công nghiệp đã được xây dựng sẵn sàng đón nhà đầu tư với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi. Chính vì thế, trong thời gian tới tôi hy vọng sẽ có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư tại Thái Bình. Với vai trò người đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam, tôi sẽ giới thiệu về tỉnh Thái Bình cho các doanh nghiệp Hàn Quốc khi có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Hải Dương: Tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
20:26, 14/10/2021
Cơ hội nào cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam?
01:00, 05/08/2021
Cần xem xét lại tiêu chí công nghiệp hỗ trợ
01:00, 24/07/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Ưu đãi thuế TNDN với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển
19:49, 10/06/2021