Phong trào thi đua “Thái Nguyên đẩy mạnh chương trình CĐS”, toàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu trở thành trung tâm chuyển đổi số (CĐS) của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS - năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS.
DĐDN có cuộc trao đổi với ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên, về công tác chuyển đổi số, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, góp phần nâng cao chỉ số PCI “Tính minh bạch”.
- Xin ông cho biết quan điểm và mục tiêu của tỉnh Thái Nguyên đặt ra trong quá trình thực hiện CĐS thời gian tới?
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của CĐS, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về chương trình CĐS, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thái Nguyên năm 2022 đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố về CĐS.
Nghị quyết 01 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, trên 90% dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; Trên 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; trên 80% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện và trên 60% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; Tập trung đầu tư xây dựng 3 đô thị thông minh, gồm: TP (Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên); Kinh tế số chiếm ít nhất 20% GRDP của tỉnh. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%, phấn đấu toàn tỉnh quy tụ được 700 doanh nghiệp số. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%, phấn đấu có trên 3.000 doanh nghiệp số; Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 100% đơn vị hành chính cấp xã, trên 80% hộ gia đình.
Là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai thực hiện nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số, đến nay, Thái Nguyên đã hoàn thành việc triển khai nhiệm vụ này. Đây là một trong những bước tiến quan trọng phục vụ CĐS của tỉnh.
- Những nỗ lực của Thái Nguyên đã gặt hái được những kết quả qau trọng về CĐS, thưa ông?
Phong trào thi đua “Thái Nguyên đẩy mạnh chương trình CĐS”, toàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Phải kể đến là việc triển khai Chính quyền số - trụ cột có ý nghĩa quan trọng, là “đầu tàu” trong hành trình CĐS của Thái Nguyên.
Hiện nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính được kết nối thông suốt đến 100% các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên toàn tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có hơn 4 triệu văn bản điện tử được trao đổi giữa các đơn vị trên hệ thống, ước tính tiết kiệm khoảng hơn 15 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã cấp hơn 7.730 chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho các đơn vị, địa phương…; Thái Nguyên đã thực hiện được 25/25 DVC thiết yếu; có trên 1 triệu CCCD gắn chip được cấp, đạt tỷ lệ 99%; đã xác thực 1.148.705/1.190.032 người đang tham gia BHXH, BHYT (đạt 97%); cung cấp tích hợp 100% TTHC toàn trình, gồm 760 thủ tục lên Cổng DVC quốc gia; hoàn thành tích hợp chức năng số hóa hồ sơ TTHC trên hệ thống ở cả 3 cấp. Sổ tay Đảng viên điện tử đã được triển khai đồng loạt tại 16 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.
Đối với kinh tế số được thực hiện bằng nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo. Toàn tỉnh hiện có 324 doanh nghiệp công nghệ số, tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn 9 tháng đầu năm 2023 khoảng 560 nghìn tỷ đồng (hơn 23,2 tỷ USD) bằng 94% so với cùng kỳ năm 2022.
Đến nay, 100% các tổ chức, doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử, kê khai thuế điện tử; số doanh nghiệp nộp thuế điện tử, đạt 99%; sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên đã có hơn 2.600 sản phẩm được cập nhật; trên 68.000 tài khoản kinh doanh trực tuyến của các hộ sản xuất nông nghiệp được kích hoạt... giúp tăng khả năng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế.
- Tỉnh Thái Nguyên đang thực hiện giải pháp nào nhằm cải thiện chỉ số “Tính minh bạch”, thưa ông?
Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung thực hiện tốt công tác lãnh đạo chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng “Tính minh bạch” góp phần nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh; công khai các TTHC, thông tin về thủ tục đầu tư, quy hoạch, kế hoạch định hướng phát triển KT - XH thuộc các ngành, lĩnh vực trên Cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, từ đó góp phần thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH của tỉnh. “Tính minh bạch” được đánh giá có sự tích cực hơn, điểm số ngày càng được nâng cao hơn.
Song song, Thái Nguyên xác định CĐS để “đi tắt, đón đầu”, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, CĐS hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm