Thái Nguyên là một trong những địa phương tiên phong về chuyển đổi số (CĐS) và đang đứng Top đầu cả nước về lĩnh vực này.
Nhận thức được tầm quan trọng của Cách mạng công nghiệp 4.0, sự lên ngôi của khoa học và công nghệ trong kỷ nguyên số. Thái Nguyên là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết về Chương trình CĐS với mục tiêu phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành Trung tâm CĐS của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS.
Đưa Nghị quyết 01 vào cuộc sống
Ông Đỗ Xuân Hòa Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên cho biết, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm CĐS của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Xác định mục tiêu CĐS là xu thế tất yếu của thời đại, CĐS sẽ tạo nên đột phá to lớn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; thay đổi cách thức quản lý, điều hành của chính quyền... Sau khi Nghị quyết 01 được ban hành, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, ủy viên là lãnh đạo các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Ban chỉ đạo CĐS cũng được thành lập từ cấp huyện, xã để tham mưu, giúp việc cho cấp ủy thực hiện hiệu quả chương trình CĐS tại địa phương. Ngoài ra, tất cả các cơ quan, đơn vị cũng chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch CĐS trong đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai có hiệu quả chương trình CĐS theo từng giai đoạn cụ thể.
Điều nhận thấy trước tiên sau khi triển khai Nghị quyết 01 là sự thay đổi tư duy, nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp về CĐS, theo đó: Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã khẩn trương tuyên truyền, quán triệt, triển khai, nhanh chóng đưa Nghị quyết về CĐS vào cuộc sống; tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Chương trình bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về CĐS cho trên 14.600 CBCCVC, người lao động trên toàn tỉnh.
Ông Hòa cho biết, đến nay, Hệ thống quản lý tập trung tại Trung tâm SOC tỉnh Thái Nguyên ghi nhận 2.813 máy tính của các cơ quan tổ chức nhà nước được cài đặt và chia sẻ dữ liệu mã độc. Hoàn thành triển khai hạ tầng kết nối, giám sát mạng truyền số liệu chuyên dùng đối với 36 kênh cấp tỉnh, huyện và 177/177 kênh cấp xã, phường. Đến ngày 15/8/2024 đã thu nhận 847.082 tài khoản định danh điện tử mức 2, đã kích hoạt 811.319 tài khoản, đạt tỷ lệ kích hoạt 96%. Từ ngày 01/01/2024 đến ngày 29/8/2024 tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 76,05%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,78%; tỷ lệ hồ sơ TTHC được số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 76,18%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hoá 83,82%.
Ngoài ra, thông qua 2.255 Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập với mục tiêu đi từng ngõ, gõ từng nhà hướng dẫn tuyên truyền đưa Nghị quyết đã len lỏi đến tận thôn, xóm, đến mọi người dân trên địa bàn tỉnh, đâu đâu người dân cũng nhắc đến câu chuyện CĐS; mỗi CBCCVC, người lao động cho đến từng người dân, doanh nghiệp đều ý thức được CĐS là xu thế tất yếu, tạo nên cách làm mới, cuộc sống mới và là cơ hội để bứt phá vươn lên.
Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên đã đạt được kết quả quan trọng. Hiện nay đã hoàn thành tích hợp triển khai 53/53 dịch vụ công (DVC) thiết yếu trên Cổng DVC quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho cho người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC dễ dàng, mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, qua đó góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh; Theo Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử được đánh giá trên Cổng DVC quốc gia, đến ngày 03/9/2024 tỉnh Thái Nguyên đạt 83,87/100 điểm, xếp thứ 07/63 tỉnh, thành phố.
Nền tảng Sổ tay Đảng viên điện tử đạt 93,78% trên tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh đăng ký cài đặt; Ứng dụng C-ThaiNguyen, ThaiNguyen ID nhanh chóng, hiện đại giúp kết nối tương tác hai chiều giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp.
Hạ tầng viễn thông CNTT không ngừng được đầu tư phát phiển; mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp hành chính, thông suốt đến 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên toàn tỉnh; 100% các xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã được kết nối Internet băng thông rộng; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 90%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 97% tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet băng rộng cáp quang đạt 76%; Tỷ lệ thôn bản được phủ sóng di động băng rộng 3G/4G đạt 99,6%;...Qua đó, người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh góp phần nâng cao đời sống nhân dân, phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Xác định việc phát triển kinh tế số và xã hội số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh đã và đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển kinh tế số và xã hội số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tạo động lực để tỉnh phát triển. Hiện nay, toàn tỉnh có 5.079 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó có 324 doanh nghiệp công nghệ số cung cấp nền tảng, dịch vụ, giải pháp CĐS, tư vấn giải pháp CĐS, cung cấp dịch vụ giải pháp công nghệ thông tin.
Tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2023 khoảng 815 nghìn tỷ đồng (hơn 33,1 tỷ USD) - ước tính doanh thu 8 tháng đầu năm 2024 khoảng 530,3 nghìn tỷ đồng (tăng 9,2% so với cùng kỳ ). Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP của tỉnh Thái Nguyên năm 2023 là 31,4%, đứng thứ 3/61 tỉnh, thành phố, đây được coi bước phát triển mang tính đột phá về kinh tế số của tỉnh trở thành động lực quan trọng thúc đẩy KT-XH phát triển; đến nay có hơn 2.700 sản phẩm được cập nhật trên sàn thương mại điện tử tỉnh với 128 sản phẩm được gắn nhãn thương hiệu OCOP, các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như người dân đã nhanh chóng tiếp cận ứng dụng CNTT tận dụng lợi thế các nền tảng mạng xã hội để livestream bán hàng.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên đã triển khai 107 Chợ 4.0 - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt, để người dân tiếp cận với phương thức thanh toán hiện đại; 100% các cơ sở giáo dục, cơ sở khám, chữa bệnh, bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện thực hiện thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như là công khai, minh bạch trong các giao dịch thanh toán.
Ngoài ra, tỉnh tỉnh Thái Nguyên tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo môi trường tốt nhất cho các doanh nghiệp CĐS ưu tiên phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh đã mời gọi, liên kết, hợp tác với các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để hợp tác đầu tư vào lĩnh vực CĐS trong đó ưu tiên đầu tư các lĩnh vực: sản xuất phần cứng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, các sản phẩm điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo... Phát triển kinh tế số trong đó tập trung ưu tiên trong một số lĩnh vực về nông nghiệp, du lịch, thương mại điện tử; xây dựng bộ chỉ số đánh giá CĐS.
Từ những kết quả đó đã đưa Thái Nguyên có tên trên bản đồ CĐS Quốc gia: chỉ số chuyển đổi số (DTI) do Bộ TT&TT đánh giá, Thái Nguyên 2 năm liên tiếp (2021 – 2022) xếp hạng 8/63; phát triển đồng đều trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thái Nguyên cũng là tỉnh được Trung ương chọn thí điểm triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Có thể nói CĐS có vai trò hết sức quan trọng, là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành… góp phần quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển của tỉnh.
Minh bạch” để thăng hạng PCI tỉnh thời gian tới
Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên cho biết thêm, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung thực hiện tốt công tác lãnh đạo chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng “tính minh bạch” góp phần nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh; công khai các TTHC, thông tin về thủ tục đầu tư, quy hoạch, kế hoạch định hướng phát triển phát triển KT-XH thuộc các ngành, lĩnh vực trên Cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; niêm yết công khai toàn bộ TTHC, quy trình, quy định các lĩnh vực tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử, khai thác đầy đủ, hiệu quả các phần mềm nền tảng phát triển chính quyền điện tử; đẩy mạnh DVC trực tuyến, xây dựng môi trường đầu tư công khai, minh bạch, thông thoáng, hấp dẫn, bình đẳng cho các doanh nghiệp từ đó góp phần thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH của tỉnh.