Tham nhũng không có cái nào vặt hết!

SÔNG HÀN 25/11/2020 05:00

“Vấn đề tham nhũng, tham nhũng không có cái nào vặt hết”. Đó là nhận định của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại buổi tiếp xúc đầu tiên với cử tri TP.HCM từ khi nhận nhiệm vụ mới.

T

Ảnh Minh họa: NDiep/DT

Thực tế cho thấy, tham nhũng diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ở tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt giàu, nghèo hay trình độ phát triển, không phụ thuộc vào chế độ chính trị.

Và tham nhũng vặt tạo ra một cung cách làm việc sách nhiễu, cửa quyền, lợi dụng nhiệm vụ được giao để trục lợi của đội ngũ cán bộ. Họ sẽ không hành xử theo đúng tinh thần cán bộ là công bộc, là đầy tớ của dân mà hành xử vì mưu lợi cá nhân, hành dân để trục lợi. 

Dù chúng ta nỗ lực quyết tâm và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng nhưng tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, là thách thức lớn đối với vai trò cầm quyền của Đảng. Không chỉ tham nhũng có giá trị lớn mới là sự thách thức và gây ra những tác hại nguy hiểm mà ngay cả tham nhũng có giá trị nhỏ, “tham nhũng vặt” cũng gây ra những hậu quả khôn lường.

Bởi vì, “tham nhũng vặt” xuất hiện nhiều trong các cấp chính quyền cơ sở – cơ quan tiếp xúc với nhân dân hằng ngày, giải quyết những công việc liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhân dân. Nếu không xử lý triệt để, “tham nhũng vặt” không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội, mà có thể “hủy diệt”, “quét sạch” lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chính quyền Nhà nước Việt Nam.

Từ xin cấp phép đến xin việc, chuyển việc, chuyển viện, chuyển trường, xin được ly hôn, chia thừa kế, v.v… từ bệnh viện, trường học, công sở đến ngoài đường, bến bãi, kho trạm, v.v… từ những cán bộ bình thường không có chức vụ đến những cán bộ giữ cương vị lãnh đạo quản lý, v.v… đâu đâu cũng tồn tại nạn đưa, nhận, lót tay, phong bì, v.v… đến mức việc này đã thành thói quen, thông lệ người dân cứ nghĩ khi đến cơ quan công sở, có việc nhờ đến cán bộ thì phải có chung chi, nếu không có thì không được việc, còn doanh nghiệp khi được hỏi thì cho rằng “đây là khoản chi có thể chấp nhận được”.

Nói cách khác, với nhiều người, chuyện tham nhũng vặt đã quen đến mức họ sẵn sàng thỏa hiệp, thậm chí còn coi đó là chuyện đương nhiên, phù hợp với quy luật phát triển xã hội. Phải chăng chính hành động tiếp tay này khiến nạn tham nhũng vặt trở nên phổ biến hơn.

Nói như Phó Thủ tướng nói Vương Đình Huệ thì tham nhũng vặt là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận, trong nhân dân, nó liên quan đến đạo đức công vụ của công chức, viên chức hiện nay. Tham nhũng vặt nhưng tác hại không vặt chút nào, người ta ví con đê rất to cao hùng vĩ có thể vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối nhỏ thôi.

Còn nhớ, những ngày cuối năm 2018, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu tại 2 Hội nghị quan trọng ở Trung ương và được xem là tư tưởng định hướng, chỉ đo xuyên suốt nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trong năm 2019.

Đề cập đến tình hình tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư nhận định: “Tình trạng làm ăn thua lỗ, đầu tư kém hiệu quả, thất thoát, tham nhũng lãng phí vẫn còn nặng nề, nhất là ở khu vực kinh tế nhà nước, tình trạng trên nóng dưới lạnh, kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi…”.

Từ đó, Tổng Bí thư đặt ra yêu cầu nhiệm vụ là phải: “Thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí… tăng cường phòng, chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật”… 

Trong quá trình đó, Tổng Bí thư cũng chỉ ra sự thật rằng: “Xử lý cán bộ cấp cao thật đau lòng, song, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của Nhân dân chúng ta phải làm và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới…”.

Có thể nói, tham nhũng vặt là vấn đề khá phức tạp, có nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề về thủ tục hành chính, nhưng tôi cho rằng trước hết là do ý thức trách nhiệm, thói quen, tâm lý từ thời cơ chế xin-cho

Tham nhũng vặt như một căn bệnh, đều qua các giai đoạn. Ngay cả ung thư cũng vậy, ban đầu bệnh còn nhẹ, nhưng nếu không chữa trị kịp thời thì nó sẽ di căn. Nếu không được xử lý thì dần dần sẽ trở nên nguy hiểm. Chính vì vậy cần biện pháp để xử lý một cách toàn diện vấn đề này.

Theo đó, phải hoàn thiện các quy định về quy chế, quy trình trách nhiệm thực thi công vụ và đạo đức công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh cải cách hành chính công khai minh bạch, cố gắng ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công.

Cần có hệ thống kiểm tra, giám sát bằng công nghệ thông tin, giám sát hoạt động của công chức công vụ. Vấn đề quy hoạch đào tạo bổ nhiệm, luân chuyển nhất là với những ngành có rủi ro cao cũng cần được chú ý. Đồng thời, nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân và các phương tiện truyền thông trong lĩnh vực này.

Có thể bạn quan tâm

  • 12 người bị xử hình sự vì để xảy ra tham nhũng

    14:55, 14/09/2020

  • Thấy gì từ việc Nghệ An “bắt sâu” tham nhũng, sách nhiễu?

    04:05, 24/08/2020

  • Chống tham nhũng: “Cuộc chiến” còn dài…

    05:00, 06/07/2020

  • Tham nhũng mua thiết bị y tế: Công quỹ đâu phải "chiếc bánh ngon"!

    11:04, 26/04/2020

  • Chống tham nhũng không dừng, không ngừng nghỉ

    05:00, 19/01/2020

  • “Vi phạm trong công tác nhân sự còn tệ hại hơn tham nhũng về kinh tế”

    06:47, 06/01/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tham nhũng không có cái nào vặt hết!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO