Tham nhũng, tiêu cực đe dọa vận mệnh của Đảng

Diendandoanhnghiep.vn Chúng ta đã làm được rất nhiều việc trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, hiện tượng vòi vĩnh, bôi trơn, nhũng nhiễu hiện nay đã tinh vi hơn, thậm chí có nơi vẫn còn trắng trợn.

>>Còn “nể nang” trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ với DĐDN về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh: Phan Thảo

Ông Nguyễn Túc đánh giá, công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng thời gian qua đã làm được rất nhiều việc, xử lý rất nhiều vụ trọng án. Đây là một cố gắng lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tuy nhiên, hiện tượng vòi vĩnh, bôi trơn, nhũng nhiễu hiện nay đã tinh vi hơn, thậm chí có nơi vẫn còn trắng trợn. Trong văn kiện của Đảng, các báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương về xây dựng chỉnh đốn đảng cũng đã nêu rõ vấn đề này.

-Phòng chống tham nhũng tiêu cực chúng ta đã làm được những việc tích cực. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này vẫn còn rất “nhức nhối”, thưa ông?

Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là cơ sở hiện thực xã hội có tác động rất lớn đến sự phát triển nhân cách người cán bộ, đảng viên, với những biểu hiện như tính quyết đoán, năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để mỗi cán bộ, đảng viên rèn luyện, hoàn thiện về phẩm chất đạo đức, lối sống.

Bên cạnh mặt tích cực, kinh tế thị trường cũng tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến nhân cách của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sự phân hóa giàu - nghèo làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn xã hội, dễ nảy sinh tham nhũng, tội phạm, bạo lực, kích thích chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, lối sống chạy theo đồng tiền bất chấp đạo lý…

Những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường đến nay chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu, trong khi có những mặt trở nên nghiêm trọng, nhất là tình trạng quan liêu, tham nhũng, hối lộ, sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một số cán bộ có chức, có quyền.

Đảng đưa ra định hướng XHCN để hạn chế dần thực trạng này, nhưng thực tế những con người lấy lợi ích cá nhân, của tập thể làm mục tiêu, như Đảng đã nhấn mạnh có những con người tự thoái hoá và tự biến chất, lý tưởng XHCN, cộng sản chủ nghĩa không còn trong họ. Họ tìm mọi cách, mọi thủ đoạn để “vơ vét”. Điều này đã làm ảnh hưởng đến uy tín và thanh danh của Đảng ta.

Chúng ta phải biết rằng, vấn đề thoái hóa biến chất, tham nhũng đã tích tụ từ đầu công cuộc đổi mới, khi chúng ta chấp nhận phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986), Đảng ta tiến hành đổi mới. Đại hội VII (1991) Đảng đã nhận định có một số cán bộ có chức quyền thoái hóa biến chất.

Đại hội VIII (1996)  Đảng xác định một bộ phận cán bộ đảng viên có chức quyền thoái hóa biến chất. Đại hội IX (2001) thì một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có chức có quyền thoái hóa biến chất.

Đại hội X (2006), trong dự thảo Nghị quyết đã định bỏ cụm từ “không nhỏ”, nhưng “bàn đi tính lại” thì thấy rằng không thể bỏ được chữ “không nhỏ”. Đến Đại hội XI (2011) và Đại hội XII (2016) cụm từ “không nhỏ” vẫn không bỏ được.

Tại thời điểm Đại hội X, có lãnh đạo chủ chốt cho rằng các đồng chí làm công tác dân vận, mặt trận lâu năm nhưng thời gian tiếp xúc với dân không cơ bản cho nên dẫn đến có cái nhìn về xã hội không cơ bản.

Tuy nhiên, trong báo cáo về xây dựng Đảng và báo cáo cán bộ tổ chức, đồng chí Trần Đình Hoan, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết số cán bộ đảng viên thoái hoá, biến chất từ Đại hội IX sang Đại hội X “tăng hơn rất nhiều” so với Đại hội VIII và Đại hội IX. Đặc biệt, có những vi phạm chưa từng có trong điều lệ Đảng.

Đồng chí Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh trong báo cáo về vấn đề đội ngũ cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý: “Vi phạm rất nghiêm trọng”. Và lần đầu tiên trong Đảng có hai cán bộ cao cấp bị xử lý hình sự.

Đó là, ông Trần Mai Hạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam và ông Bùi Quốc Huy, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an bị bắt về vụ án Năm Cam.

Như vậy, có thể thấy công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là vấn đề đặc biệt khó khăn, vì “bịt chỗ này” thì lại “toả ra chỗ khác”. Do đó, phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh “một mất, một còn”.

Tôi còn nhớ, khi triển khai thực hiện Nghị quyết 07 ngày 17/11/1993 về “Đại đoàn kết dân tộc, tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất trong tình hình mới”, chúng tôi có đến xin ý kiến cố vấn Phạm Văn Đồng, đồng chí có nêu một ý tôi rất tâm đắc. Đó là, không đổi mới thì “chết”. Đổi mới chính là vấn đề kinh tế đầu tiên, đó là phát triển kinh tế nhiều thành phần.

>>Tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi

>>“Cẩm nang” đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á đã khởi tố hàng trăm người, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao.

Vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á đã khởi tố hàng trăm người, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, Đổi mới nhưng không có định hướng XHCN thì cũng “chết”. Vì, nếu “trong máu” người đứng đầu các tổ chức đảng cơ sở không có “dòng máu” của người cộng sản chân chính, thì họ sẽ nhanh chóng trở thành những “ông quan cách mạng”. Các doanh nhân không thấm nhuần định hướng XHCN sẽ thành các nhà tư sản. Sự “móc nối” tự nhiên giữa “ông quan cách mạng” với các nhà tư sản sẽ đưa đất nước đi đến đâu?

Nhận định này đến nay chúng ta càng thấm thía. Đại hội VII, Đại hội VIII đánh giá tham nhũng chỉ ở mức thấp và diễn ra ở cấp cơ sở. Đại hội IX, Đại hội X tham nhũng lên đến trung ương. Đến Đại hội XI tham nhũng đã vào đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Chính vì hiểu điều đó, vừa qua Đảng đã ban hành rất nhiều quy định về phòng chống tham nhũng, tiêu cực như Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/06/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp".

Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị "Về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương". Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”.

Kết luận số 12-KL/TW, ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Nghị quyết không chỉ đặt ra yêu cầu cho mỗi tổ chức cơ sở đảng trong việc giáo dục, rèn luyện nâng cao chất lượng đảng viên mà còn giúp cho mỗi đảng viên nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để luôn xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, với tinh thần “nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật”, Đảng ta cũng chỉ rõ những hạn chế trong công tác phát triển đảng viên hiện nay.

Đó là, một bộ phận đảng viên năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu; tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu giảm sút; chưa gương mẫu, sống thực dụng; suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật.

Nhận thức về Đảng, động cơ phấn đấu vào Đảng của không ít đảng viên chưa đúng, không trong sáng. Cơ cấu đảng viên chưa hợp lý; tỉ lệ đảng viên trẻ chưa tương xứng với tiềm năng. Đây là những nhận định rất toàn diện về những hạn chế trên các mặt như năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, động cơ chính trị… của đảng viên hiện nay.

Nhận định này dựa trên kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn về tình hình đảng viên thời gian qua và xuất phát từ tinh thần khách quan, thẳng thắn của Đảng.

Không phải trong những năm gần đây, Đảng ta liên tục đưa ra những nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI (năm 2012), khóa XII (năm 2016), khóa XIII (năm 2021).

Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tình hình suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận đảng viên ngày càng nghiêm trọng.

Đúng như Đảng ta từng cảnh báo: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc”.

Quy định 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Cụ thể, Bộ Chính trị cấm bố trí người nhà cùng làm lãnh đạo ở 13 ngành. Theo khoản 5 Điều 6 Quy định 114-QĐ/TW, Bộ Chính trị quy định:

Không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan gồm: Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Người đứng đầu cấp uỷ đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, toà án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.

Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30/10 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ và đề ra các giải pháp khắc phục.

Trung ương chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống, và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Đảng rất cương quyết và tìm mọi cách ngăn ngừa, “bịt lỗ hổng” tham nhũng nhưng tình trạng tham nhũng vẫn không suy giảm. Qua đây cho thấy, phát triển kinh tế nhiều thành phần nếu không giáo dục, giám sát quyền lực “đến nơi đến chốn” thì sẽ rất nguy hiểm.

-Tại sao tham nhũng, tiêu cực lại ngày càng trở nên nghiêm trọng, mặc dù Đảng đã đưa ra rất nhiều các quy định để ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?

Từ trái qua, trên xuống: các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Trần Văn Minh, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Đức Chung, Tất Thành Cang đã bị xử lý hình sự - Ảnh: Lê Hiệp

Từ trái qua, trên xuống: các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Trần Văn Minh, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Đức Chung, Tất Thành Cang đã bị xử lý hình sự. Ảnh: Lê Hiệp

Lý do quan trọng nhất là phai nhạt lý tưởng ở những con người được Đảng tín nhiệm giao trọng trách giữ cương vị cao. Thực tế, có những con người cả cuộc đời của họ rất được dân yêu mến. Đơn cử, Bí thư tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng.

Khi làm Bí thư Tỉnh Đoàn Hải Dương ông Phạm Xuân Thăng được đánh giá là người năng động, nhiệt huyết. Khi giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương… dân cũng rất quý mến. Nhưng khi làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Bí thì lại liên quan đến vụ Việt Á.

Theo kết luận điều tra, khi dịch COVID-19 bùng phát, CDC Hải Dương mua hơn 226.000 kit test xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất, trị giá hơn 106 tỉ đồng. Mức giá trên đã được Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á, cùng đồng phạm tự nâng khống 470.000/kit test (giá trị thực chỉ hơn 140.000 đồng/kit test). Từ đó, Phan Quốc Việt gây thiệt hại hơn 73,8 tỉ đồng cho chính quyền tỉnh Hải Dương.

Cơ quan điều tra cáo buộc việc này bắt đầu từ khi ông Phạm Xuân Thăng trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương được ông Nguyễn Thanh Long, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Y tế giới thiệu, đề nghị cho Công ty Việt Á về Hải Dương hỗ trợ xét nghiệm, phòng chống dịch. Do vậy, tại các cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương vào năm 2021, Bí thư Phạm Xuân Thăng chỉ đạo UBND tỉnh ký hợp đồng với Công ty Việt Á.

Trong quá trình Công ty Việt Á thực hiện việc xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống dịch tại Hải Dương, Phan Quốc Việt đến phòng làm việc của ông Phạm Xuân Thăng, đề nghị tạo điều kiện để Công ty Việt Á được xét nghiệm cho công nhân tại các khu công nghiệp, công nhân, người lao động ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Tại buổi gặp này, Phan Quốc Việt đưa cho ông Thăng 100.000 USD (tương đương hơn 2,3 tỉ đồng). Ngoài ra, ông Thăng còn được ông Phạm Duy Tuyến, khi đó là Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương đưa 600 triệu đồng và 50.000 USD.

Tôi thấm thía câu nói: “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”. Như vậy, giám sát quyền lực Đảng và Nhà nước phải làm mạnh mẽ. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước chưa khơi dậy được phong trào đấu tranh phòng chống tham nhũng trong nhân dân. Tôi nhớ lại câu nói của Bác: “Có dân là có tất cả, mất dân là mất hết”.

Vụ án Trịnh Xuân Thanh khởi đầu là do dân tố giác ô tô cá nhân nhưng lại gắn biển xanh. Hay một loạt các vụ án tham nhũng khác phần lớn là do dân phát hiện. Bởi, các quan chức tham nhũng sẽ không thể “giấu” được người dân khi xây nhà, mua đất.

Trong vụ đại án “chuyến bay giải cứu”, Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ 253 lần, với tổng số hơn 42,6 tỷ đồng. Điều này cho chúng ta thấy công tác quản lý cán bộ hiện nay đang bị buông lỏng một cách “quá mức”.

Tôi đã từng làm thư ký cho ông Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trách nhiệm thư ký thời đó là xin chữ ký, giúp thủ trưởng thường xuyên lúc “bí” và chịu trách nhiệm những vấn đề hết sức vô lý.

-Vậy, theo ông chúng ta cần phải có phương hướng như thế nào để phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả hơn?

Tôi rất hoan nghênh trung ương tìm mọi cách để ngăn ngừa tham nhũng. Một loạt nghị quyết của Bộ Chính trị, của trung ương quy định về phòng chống tham nhũng là rất mạnh mẽ và quyết liệt.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là thực hiện các nghị quyết đó như thế nào? Để triển khai được thì bộ phận tham mưu phải đóng vai trò then chốt, trong đó có công tác tổ chức.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 17 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 23 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Qua đây cho thấy, công tác tổ chức của chúng ta còn nhiều sơ hở. Công tác tổ chức mới làm trong nội bộ Đảng, chưa làm trong dân.

-Trân trọng cảm ơn ông!

 

Từ khóa
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Tham nhũng, tiêu cực đe dọa vận mệnh của Đảng tại chuyên mục Chính trị của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714220531 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714220531 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10