Ngày 13/11, Thảo luận tại Quốc hội về công tác phòng ngừa, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng (PCTN), nhiều ĐB cho rằng tình trạng tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại.
Tham nhũng “vặt" vẫn ngang nhiên tồn tại
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc), năm 2018 là năm có nhiều đột phá trong công tác PCTN. Công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố xét xử đều được tăng cường, nâng cao chất lượng và đạt hiệu quả.
Đặc biệt, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng được đưa ra xử lý, xét xử nghiêm minh được xã hội và nhân dân quan tâm, đồng tình ủng hộ.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ĐB đoàn Vĩnh Phúc cũng chỉ ra, việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh chưa đồng đều, còn có tình trạng chạy theo số lượng, mang tính đối phó và chỉ sửa đổi câu chữ.
Tình trạng tham nhũng “vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn ngang nhiên tồn tại trong nhiều lĩnh vực.
“Mặc dù tham nhũng vặt ngang nhiên tồn tại nhưng người dân, doanh nghiệp vẫn chưa dám mạnh dạn đấu tranh, phê phán, tố cáo hành vi tiêu cực vì ngại đụng chạm, sợ bị trù dập, gây khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình”, ông Hà lo ngạị và nhấn mạnh, nếu không chấn chỉnh kịp thời sẽ gây mất niềm tin của nhân dân.
Vì vậy, ĐB đoàn Vĩnh Phúc đề nghị Chính phủ nhanh chóng đề ra các biện pháp quyết liệt để kịp thời ngăn chặn tình trạng này: Cần phải kiên quyết xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc, nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân.
Góp ý về tình trạng tham nhũng, ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo của Ủy ban Thẩm tra Tư pháp “có điều chưa ổn”, không thể đề ra chỉ tiêu năm tới phòng bao nhiêu, chống bao nhiêu. Tham nhũng là con người, người có chức, có quyền trừ nhân dân. Như vậy, đối tượng có điều kiện và khả năng tham nhũng có thể ước đoán được.
Chống tham nhũng bằng... giáo dục đạo đức
“Nhưng không phải ai có chức, có quyền cũng tham nhũng, nên chức quyền dù to hay nhỏ, cao hay thấp chỉ là điều kiện, còn lương tâm, phẩm chất đạo đức con người là cái quyết định. Muốn phòng ngừa tham nhũng thì xây dựng phẩm chất đạo đức con người cán bộ là quan trọng hàng đầu. Làm nhiều luật, sửa nhiều luật cũng chỉ góp phần ngăn chặn hành động tham nhũng, nhưng con người tham thì họ tìm đủ mọi cách. Nhiều nước tiên tiến có lịch sử pháp luật hàng trăm năm vẫn có kẽ hở, nên cần tập trung xây dựng phẩm chất đạo đức con người đi đôi với tăng nặng hình phạt cho hành vi tham nhũng. Đồng ý pháp luật là công bằng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, người biết luật, người cầm cân nảy mực, người thi hành nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng mà vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì tội phải nặng hơn” – đại biểu nêu ý kiến.
ĐB Sơn đồng thời cho biết, qua các buổi tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội, cử tri cho rằng muốn xin vào làm việc chỗ này, chỗ kia, lên chức này, chức kia, được việc này, việc khác cho nhanh đều có "giá" cả. Giá đó không mặc cả, không cò kè thêm bớt. Không ưng thì có người khác sẵn sàng thay thế. Đây là thách thức lớn đối với Đảng, Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.
“Trong báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng, ở trang 9 điểm d, có báo cáo về tặng quà và nộp lại quà tặng. Tuy nhiên, con số địa phương được nêu tên ở đây chỉ có 9 tỉnh, băn khoăn của tôi chỉ có 9 tỉnh có tình trạng tặng quà và nộp lại quà tặng, tỉnh ít nhất có một người, tỉnh nhiều nhất có 9 người nhận và nộp với tổng giá trị 451,5 triệu đồng. Vậy, các địa phương khác có tình trạng này không, hay không có ai tặng quà nên không có việc nộp lại quà tặng, nếu đúng như thế là đáng mừng. Tuy nhiên, báo cáo cũng chưa làm rõ ai tặng, tặng ai, quà gì, nộp vào đâu, cấp dưới còn đi biếu quà cho cấp trên không thì chưa được báo cáo Chính phủ đề cập” – đại biểu nêu câu hỏi, đồng thời đề nghị cơ quan nhà nước phải thu hồi tài sản tham nhũng và nộp lại ngân sách nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
05:47, 13/11/2018
10:42, 30/10/2018
07:05, 21/10/2018
00:14, 22/08/2018