Không chỉ tăng tốc triển khai đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trong nước, mà dường như quốc tế hoá đồng tiền này mới là chiến lược dài hạn của Trung Quốc
Được biết trong năm nay, Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Đông là những tỉnh giàu có nhất của Trung Quốc đều đưa ra các cam kết mới về thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số hay Thanh toán điện tử tiền tệ kỹ thuật số (DCEP) là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc, nhằm hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt.
Không giống như bitcoin và các loại tiền điện tử khác, tiền kỹ thuật số quốc gia DCEP của Trung Quốc được thiết kế như một phiên bản kỹ thuật số đồng nhân dân tệ. Một số dự án thử nghiệm đã được tổ chức tại Tô Châu, Thâm Quyến, Thành Đô và tới đây sẽ là các địa điểm tổ chức Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh. Sự kiện này dự kiến sẽ thu hút một lượng lớn khán giả trong và ngoài nước, cũng như hàng nghìn vận động viên và quan chức, thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ thanh toán ở thủ đô của quốc gia này.
Với sự phát triển nhanh chóng trên đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc còn đang chuẩn bị cho một dự án tiền kỹ thuật số xuyên biên giới với sự hợp tác của các Ngân hàng Trung ương Thái Lan, Hồng Kông và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng tìm cách khai thác sự “nóng hổi” của tiền điện tử mà các NHTW phát hành (CBDC) ở thị trường châu Á.
Hiện, sự phát triển của Fintech tại thị trường Ả Rập đang góp sức bắt nhịp cuộc đua CBDC. Năm 2020, Ngân hàng Thái Lan (BOT) và Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đã làm việc cùng nhau để khám phá các ứng dụng của CBDC. Theo đó, hai ngân hàng này đã cùng nhau tìm hiểu việc sử dụng công nghệ sổ cái phân tán (DLT), cốt lõi của hoạt động phân quyền mà không có người chơi nào có tiếng nói cuối cùng hoặc độc quyền.
Tất nhiên, tham gia cùng họ trong dự án này là Viện nghiên cứu tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ngân hàng Trung ương Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Một tiết lộ của Ngân hàng Trung ương Hồng Kông cho biết, dự án mới này sẽ khám phá các cách sử dụng DLT để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thanh toán qua lại ngoại hối xuyên biên giới theo thời gian thực.
“Các tổ chức tài chính truyền thống đã thất bại trong việc ứng biến công nghệ thanh toán xuyên biên giới trong hai thập kỷ qua. Chúng tương đối chậm và mất khoảng hai ngày để giải quyết tính đến thời điểm hiện tại. Các loại tiền kỹ thuật số dựa trên chuỗi khối hiện đang thay đổi hoàn toàn thị trường, gợi mở về một cuộc cách mạng công nghệ tài chính (FinTech) lớn ở phía trước”, Ngân hàng Trung ương Hồng Kông nhận định.
Mặc dù Trung Quốc đã cấm tiền điện tử công khai vào năm 2017, nhưng nước này lại ngày càng tập trung vào việc phát hành đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Có thể thấy rõ, Trung Quốc đang chạy đua để trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên giới thiệu đồng tiền kỹ thuật số tập trung.
Giới chuyên gia nhận định, một trong những tính năng đáng chú ý nhất của đồng tiền này là khả năng thực hiện giao dịch mà không cần internet, không giống như Alipay và WeChat Pay đã cực kỳ phổ biến ở Trung Quốc. Nó cũng sẽ không yêu cầu tài khoản ngân hàng để truy cập, giúp 20% người lớn ở quốc gia này không có tài khoản ngân hàng có thể tham gia. Và qua đó tiếp tục thể hiện sức mạnh công nghệ Trung Quốc, hiện đang dẫn đầu thế giới về thanh toán kỹ thuật số, chiếm 44% tổng giá trị giao dịch trên toàn cầu.
Trên thực tế, các máy bán hàng tự động tại một số ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh hiện có thể chấp nhận đồng nhân dân tệ kỹ thuật số như một phần của các kịch bản ứng dụng ngoại tuyến đang được quảng bá trên toàn thành phố.
Linghao Bao, một nhà phân tích tại Trivium China cho rằng, với cuộc đua CBDC, Trung Quốc dường như đang có kế hoạch đẩy mạnh việc sử dụng đồng nhân dân tệ đã được số hóa của mình trên thị trường toàn cầu, đồng thời từ đó giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.
“HiệnPBoC vẫn tập trung vào thanh toán trong nước, nhưng quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ này mới thực sự là mục tiêu chiến lược dài hạn”, Linghao Bao đánh giá.
Có thể bạn quan tâm