Thanh Hóa: 2019 – Năm của những thành tựu quan trọng

Sỹ Chức 01/01/2020 01:04

Khép lại năm 2019, tỉnh Thanh Hóa phát triển toàn diện và đạt được nhiều mục tiêu quan trọng, có 25/27 chỉ tiêu hoàn thành, mức tăng trưởng GRDP đạt 17,15% là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay

Ông

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Trao đổi với Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp (DĐDN), ông Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

- Thưa ông, năm 2019 tỉnh Thanh Hóa đạt được tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất từ trước tới nay, nhiều chỉ tiêu về kinh tế tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Ông bình luận gì về những kết quả này? 

Đúng vậy. Năm 2019 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 17,15%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay; trong đó: Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 10,9%, giảm 1,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm 47,1%, tăng 1,7%; dịch vụ chiếm 33,2%, giảm 2,7%; thuế sản phẩm chiếm 8,8%, tăng 2,5%.

Sản xuất nông nghiệp mặc dù bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh, nhưng vẫn phát triển ổn định và đạt kết quả khá toàn diện; tổng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 28.199 tỷ đồng, tăng 2,27% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt kết quả vượt bậc. Năm 2019, có 05 huyện, thành phố, 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt kế hoạch (kế hoạch là 01 huyện, 41 xã), nâng tổng số đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 6 huyện, thành phố, 350 xã (đạt tỷ lệ 61,5%), 799 thôn, bản, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (đến năm 2020 có 05 huyện và 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới); bình quân toàn tỉnh đạt 16,7 tiêu chí/xã.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao; giá trị sản xuất ước đạt 126.072 tỷ đồng, tăng 32,6% so với cùng kỳ. Hầu hết sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều có sản lượng tăng so với cùng kỳ, trong đó một số sản phẩm tăng cao như: Thép (gấp 49 lần), thuốc lá (tăng 33,3%), giày (25,2%), quần áo (23,7%), đường (19%), bia (19%), xi măng (7,6%).

Các ngành dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng khá, đặc biệt lần đầu tiên có khoản 500 tỷ đồng từ doanh thu vận tải quốc tế (Cảng Container quốc tế Nghi Sơn). Mặc dù nhỏ nhưng mở ra triển vọng lớn với ý nghĩa Thanh Hóa kết nối thẳng với quốc tế sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Bên cạnh đó một số ngành có nhiều khởi sắc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 108.643 tỷ đồng, vượt 3,5% kế hoạch, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Năm 2019, toàn tỉnh ước đón 9,65 triệu lượt khách, vượt 1,6% kế hoạch, tăng 17% so với cùng kỳ, trong đó có 300 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 30,3%; doanh thu du lịch ước đạt 14.525 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ… Năm 2019 thu ngân sách nhà nước ước đạt 27.359 tỷ đồng, vượt 2,7% dự toán và tăng 18% so với cùng kỳ.

Cảng

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

- Với những kết quả đã đạt được như nêu trên, sang năm 2020, tỉnh Thanh Hóa sẽ có phương hướng đổi mới và sáng tạo trong công tác điều hành, cũng như cải cách hành chính để thu hút đầu tư như thế nào để tiếp tục phát triển kinh tế bền vững?

Năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực mới phát triển; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tích cực chuẩn bị các điều kiện để khởi công các dự án lớn, trọng điểm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao trong năm 2020, góp phần hoàn thành vượt mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Đồng thời, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, cải thiện đời sống nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Trong đó, ưu tiên tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững.

Đặc biệt sẽ nắm chắc tình hình của doanh nghiệp, tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển; hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động ổn định, đạt 90% công suất trở lên; nhà máy sản xuất dầu ăn, thép Nghi Sơn và các nhà máy xi măng, thủy điện, giày da, may mặc hoạt động đạt công suất thiết kế; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp dự kiến hoàn thành trong năm 2020, nhất là các dự án quy mô lớn để nâng cao năng lực sản xuất của ngành công nghiệp.

Chủ động đấu mối, làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty có các doanh nghiệp thành viên đóng trên địa bàn tỉnh để được giao tăng chỉ tiêu, nhất là các doanh nghiệp có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách tỉnh như: Xi măng, bia, thuốc lá, điện sản xuất. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, cải tiến quy trình sản xuất; nâng cao chất lượng thông tin, dự báo thị trường; chủ động tham gia và tận dụng thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tạo tác động lan tỏa cho ngành công nghiệp, như: Sản phẩm sau lọc hóa dầu, công nghiệp điện tử, ô tô, dược phẩm, sản xuất các chế phẩm sinh học; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp phụ trợ ngành may, giày da; sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản. Thu hút ở mức độ hợp lý ngành công nghiệp giải quyết nhiều lao động ở khu vực nông thôn, miền núi để giải quyết việc làm. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư.

Thực hiện hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại đến năm 2020. Khuyến khích doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đầu tư cải tạo, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất, loại bỏ công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu, không đáp ứng các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường,...

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thanh Hóa: 2019 – Năm của những thành tựu quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO