Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, từ đêm 29 đến ngày 30/8, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa to khiến nhiều nơi bị ngập lụt, giao thông chia cắt gây thiệt hại tài sản, 5.447 ha cây trồng bị ngập
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Thanh Hóa, mưa lớn từ đêm ngày 29/8 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Tại các huyện miền núi, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Thành Thành, Như Xuân.. .mưa lớn đã gây ngập úng nhiều tuyến đường giao thông, số hoa màu chuẩn bị cho thu hoạch cũng ngập chìm trong biển nước.
Cụ thể, tại xã Yên Nhân, huyện thường Xuân, sáng 30/8, mưa bão đã làm ngập lụt, chia cắt 5/6 thôn của xã Yên Nhân.
Ông Lê Hoàng Cường, Chủ tịch UBND xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân cho biết: Từ đêm 29/8, trên địa bàn xã Yên Nhân bắt đầu có mưa to. Rạng sáng 30/8 xuất hiện trận mưa lốc đã khiến cột dây cáp đổ, làm sập nhà của ông Lương Văn Thanh (thôn Mỵ), rất may không có thiệt hại về người.
Hiện nay, trên địa bàn vẫn tiếp tục có mưa to. Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương đã di dời các hộ dân ở vị trí có nguy cơ bị sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn.
Cũng tại huyện Như Xuân, các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện đã bị ngập sâu trong nước, gây chia cắt các xã Xuân Quỳ, Thanh Phong, Thanh Hòa và Thanh Lâm với Trung tâm huyện; cầu tràn tại các xã Bình Lương, Hóa Quỳ, Tân Bình cũng ngập sâu trong nước, người và các phương tiện tham gia giao thông không thể vào khu vực thị trấn.
Huyện Như Xuân có gần 30 ha lúa bị ngập úng và đổ, nguy cơ bà con nhân dân mất trắng. Đường dây điện thôn Hai Huân xã Thanh Phong bị đứt, Nhà mầm non khu lẻ Xuân Đàm, xã Hóa Quỳ bị tốc mái, Đập khe Chon xã Thanh Lâm bị sạt lở bể thu nước và bờ đập gây mất an toàn hệ thống công trình.
Theo thống kê ban đầu, của UBND huyện Ngọc Lặc có 788 ha diện tích lúa mùa bị ngập nặng có nguy cơ thiệt hại trên 70%. Mưa lớn còn khiến 214,9 ha diện tích cây trồng lâu năm bị ngập nặng. Ngoài ra, mưa lớn còn làm 96 ngôi nhà bị ngập sâu từ 1-3m; 107 m đường liên xã Cao Ngọc và xã Mỹ Tân bị sạt lở…
Hiện huyện Ngọc Lặc đang triển khai thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”. Khi xảy ra mưa lớn, lãnh đạo địa phương đã trực tiếp đến những địa bàn xung yếu để chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, tiến hành thống kê thiệt hại để có phương án hỗ trợ theo quy định...
Trước diễn biến phức tạp của mưa bão, Ban chỉ đạo Phòng chống bão lụt tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các lực lượng chức năng và huy động lực lượng tại chỗ có biệt pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Có phương án sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực có thể xảy ra ngập lụt, sạt lở.
Đối với các xã, huyện cơ sở cần đề cao công tác chủ động ứng phó kịp thời, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, đặc biệt là các hồ, đập; nghiêm cấm không để người dân đi vớt củi, đánh bắt cá trên sông, suối tránh thiệt hại về người.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa. Đêm 30 và ngày 31/8/2019 ở Thanh Hóa tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to và dông, tổng lượng mưa từ 50 – 150mm, lượng mưa giờ lớn nhất từ 40 – 60mm.
Các ngày từ 01 - 03, 04/9/2019 do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén yếu nối với áp thấp nhiệt đới, ở Thanh Hóa tiếp tục có mưa, mưa rào, mưa to và dông, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa từ 100 – 300 mm. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lỡ đất: cấp 1