Đó là khẳng định của ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá tại buổi tiếp Đoàn Đại sứ quán Israel và Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao Doanh nhân trẻ Việt Nam.
>>>Động lực tăng trưởng của Thanh Hóa
Tại buổi tiếp Đoàn Đại sứ quán Israel và Câu lạc bộ (CLB) Nông nghiệp Công nghệ cao Doanh nhân trẻ Việt Nam đến thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư, xúc tiến thương mại vào tỉnh Thanh Hoá, ông Lê Đức Giang cho biết: Thanh Hóa hiện có 243.975 ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 21,95% tổng diện tích tự nhiên; năm 2022 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ước đạt 3,65%, cao nhất từ trước đến nay, tổng giá trị sản xuất 66.280 tỷ đồng (thứ 9 toàn quốc), chiếm 14,4% cơ cấu nền kinh tế của tỉnh; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 321,6 triệu USD.
Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã có mặt ở trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, tỉnh có 317 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (thứ 3 cả nước), trong đó có 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao, có những sản phẩm đã có mặt tại 61 siêu thị của Mỹ.
Trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ. Kết quả bước đầu đã phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; có lợi thế so sánh và năng lực cạnh tranh so với các sản phẩm nông nghiệp khác trên thị trường; có tiềm năng về quy mô và tốc độ tăng trưởng; thu hút được các nguồn lực đầu tư để tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm, gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
>>>Thanh Hóa: Du lịch báo hiệu một năm “bội thu”
>>>Thanh Hóa: Khai xuân với nhiều dự án “đại bàng”
Tuy nhiên, tỉnh Thanh Hóa vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Do vậy, ông Lê Đức Giang mong muốn Israel tăng cường trao đổi, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, đặc biệt các công nghệ của Israel trong lĩnh vực trồng trọt; chăn nuôi bò sữa; chế biến và bảo quản nông sản; hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các khu công nghiệp ứng dựng công nghệ cao để Thanh Hoá xây dựng thành công các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trở thành đầu cầu quan trọng của tỉnh trong hợp tác quốc tế, là nơi các doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp, hoặc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao.
Hỗ trợ Thanh Hóa xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát triển sản phẩm lợi thế nông nghiệp chủ lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ Thanh Hoá đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp.
Đối với CLB Nông nghiệp Công nghệ cao, ông Lê Đức Giang đề nghị các tập toàn, doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu hoặc hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp mà tỉnh Thanh Hoá có lợi thế. Hỗ trợ Thanh Hoá đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh như: gạo, rau quả, các sản phẩm chăn nuôi (thịt, sữa), các sản phẩm thuỷ sản (cá, tôm, ngao…) và các sản phẩm lâm nghiệp (gỗ, tre, luồng..)...
Đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của Thanh Hoá, ông Yaron Mayer, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Israel tại Việt Nam cho rằng đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai.
Đại sứ Yaron Mayer mong được đón tiếp đoàn công tác của tỉnh Thanh Hóa tại Israel để tìm hiểu, thúc đẩy hợp tác hai bên lên tầm cao mới. Đồng thời, trân trọng mời lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sang thăm, dự triển lãm nông nghiệp tại Israel diễn ra cuối năm 2023.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch CLB Nông nghiệp Công nghệ cao Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết: Với hàng trăm doanh nghiệp hội viên đang hoạt động động trong lĩnh vực nông nghiệp trên toàn quốc, trong đó có nhiều tập đoàn lớn, chúng tôi mong muốn hợp tác đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa để phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương cũng như của các doanh nghiệp hội viên.
Ngay tại buổi làm việc, một số doanh nghiệp trong CLB đã đề xuất mong muốn đầu tư các dự án nông nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi theo chuỗi giá trị khép kín từ con giống, chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu...
Có thể bạn quan tâm