Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc các huyện sớm về đích nông thôn mới (NTM) có vai trò đóng góp rất lớn của lực lượng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Gần đây nhất, ngày 24/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ký Quyết định 1238/QĐ-TTg, Quyết định 1239/QĐ-TTg công nhận huyện Thọ Xuân và huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2019. Đây là hai trong bốn huyện của Thanh Hóa về đích NTM trong năm nay, nâng tổng số 5/27 huyện thị thành phố đạt chuẩn NTM của tỉnh Thanh Hóa.
Trước đó, tháng 8/2019 và tháng 9/2019, huyện Quảng Xương và huyện Đông Sơn đã công bố về đích NTM sau gần 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đối với huyện Quảng Xương đã có 29/29 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, là huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 558 ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ, với 100% số xã đạt chuẩn NTM và 9 tiêu chí cấp huyện đạt chuẩn. Năm 2018, giá trị sản phẩm thu được bình quân 1 ha đất trồng trọt đạt 104 triệu đồng; 1 ha đất nuôi trồng thủy sản đạt 220 triệu đồng. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển, giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân từ năm 2011 đến năm 2018 đạt 14,3%, tăng 2,5% so với giai đoạn 2005-2010. Thu nhập bình quân đầu người đạt 40,3 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 3 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,8% năm 2010 xuống còn 3,25% năm 2018.
Riêng đối với huyện Đông Sơn có 14/14 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và là đơn vị đầu tiên trong tỉnh có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế và vệ sinh an toàn thực phẩm… Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 43,5 triệu đồng/người/năm (gấp 3,2 lần so với năm 2011 và gấp 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người của tỉnh). Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân toàn huyện giai đoạn 2011-2018 đạt 17,4%; tỷ lệ hộ nghèo từ 22,1% (năm 2011) giảm xuống còn 2,41% (năm 2018), đến tháng 9/2019 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,63%. Chất lượng an sinh xã hội được nâng lên rõ rệt…
Trong hai huyện mới được công nhận đạt chuẩn NTM đáng chú ý là huyện Thọ Xuân có 36/36 xã đạt chuẩn NTM và là huyện có số đơn vị hành chính cấp xã cao nhất tỉnh Thanh Hóa. Sau 9 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện Thọ Xuân năm 2018 đạt 37 triệu đồng/người/năm. Diện mạo nông thôn huyện thay đổi toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng tích cực, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ…
Tương tự, huyện Vĩnh Lộc có 15/15 xã đạt chuẩn NTM, năm 2019, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện ước đạt 42,15 triệu đồng/người/năm; trong đó khu vực nông thôn ước đạt 41,56 triệu đồng/người/năm cao hơn mức bình quân chung của tỉnh và cao hơn khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình 29,04 triệu đồng/người/năm.
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc các huyện sớm về đích NTM có vai trò đóng góp rất lớn của lực lượng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nhiều hơn nữa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tập trung chỉ đạo lựa chọn những sản phẩm truyền thống, có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai theo Chương trình OCOP của địa phương. Tiếp tục tổ chức khai thác có hiệu quả các công trình đã đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, tạo chuyển biến hơn nữa nhóm các tiêu chí văn hóa - xã hội - môi trường, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân nông thôn… Phấn đấu có nhiều gia đình, thôn, xã, cơ quan, đơn vị và huyện sớm đạt tiêu chí kiểu mẫu, góp phần xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.