Khó khăn cho đầu ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ dẫn đến một số làng nghề truyền thống tại Thanh Hóa đứng trước nguy cơ mai một, đặc biệt là làng nghề cói.
Câu ca “chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng…” đã đi vào tiềm thức của người Việt. Nhưng nay, do thị trường đầu ra thu hẹp, việc duy trì nghề làm sản phẩm cói của người dân Nga Sơn (Thanh Hoá) đang là bài toán khó giải hơn bao giờ hết.
Phòng Nông nghiệp huyện Nga Sơn cho biết, năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, diện tích trồng cói trên địa bàn huyện đã xuống thấp mức kỷ lục trong suốt nhiều năm qua. Nếu như thời kỳ cao nhất trên địa bàn huyện có 3.255 ha trồng cói, thì năm 2018 trên địa bàn chỉ còn khoảng 1.624 ha diện tích trồng cói và tiếp tục giảm trong năm 2019.
Nga Tân là một xã có diện tích cói lớn nhất huyện Nga Sơn. Năm 2013 toàn xã có 320 ha đất trồng cói, trên 7.500 nhân khẩu, trong đó, 3.500 – 4.000 người trong độ tuổi lao động, nghề trồng cói là nghề chủ lực của gần 80% số lao động trong xã. Đến nay, diện tích trồng cói của Nga Tân còn lại 200ha, trên 7.640 nhân khẩu, có 2.103 lao động làm trong lĩnh vực trồng cói và nghề thủ công mỹ nghệ từ cói.
Lý giải việc giảm diện tích trồng cói trong thời gian qua, lãnh đạo xã Nga Tân cho rằng, do biến đổi của thời tiết, khí hậu; và là vùng triều, nguồn nước ngọt nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, thâm canh cây cói dẫn đến việc chi phí trồng cói cao. Để có năng suất ổn định như vậy, sau 1 – 2 năm canh tác, người dân nơi đây phải cải tạo đồng cói (bốc đất, hạ thấp độ sâu 15 – 20 cm, bóc đi lộn lại), với chi phí tới 95 – 100 triệu đồng/ha.
Ông Dương Đình Dịu, Chủ tịch Hiệp hội Chiếu cói Thanh Hóa cho rằng, nguyên nhân của việc diện tích trồng cói trên địa bàn giảm nhanh chóng là do giá cả một số năm trước có dấu hiệu giảm sâu, người trồng cói và nghề cói không có hiệu quả kinh tế. Đặc biệt là trong những năm trước thị trường chiếu cói xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc bị khép lại hoặc bị ép giá. Cụ thể, trong năm 2012, giá bình quân của cói dài (hơn 1,75 m) là 11 triệu đồng/tấn, cói ngắn (dưới 1,75 m) là 6 triệu đồng/tấn, thì sang năm 2013, giá cói dài giảm còn 8,5 - 9 triệu/tấn, cói ngắn còn 4,5 – 5 triệu/tấn.
Bên cạnh đó, việc xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch bị hạn chế, mà xuất khẩu theo đường chính ngạch thì chi phí quá cao. Trong khi đó, nhu cầu nguyên liệu cói của các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống trong nước lại quá ít. Điều này đã dẫn đến sự điều chỉnh cơ cấu cây trồng trong chính sách địa phương.
“Nếu nhìn ở góc độ kinh tế, việc trồng cói gắn với chế biến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói vẫn mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa, nhưng khúc mắc là phải tìm được thị trường đầu ra cho sản phẩm”, ông Dịu nhìn nhận.
Trong thời gian gần đây, việc xuất khẩu các sản phẩm từ cói sang Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi, giá cói dài (hơn 1,75 m) là 16 triệu đồng/tấn, cói ngắn (dưới 1,75 m) là 13 triệu đồng/tấn. Nhưng với thực tại, việc thu mua cói nguyên liệu lại trở lên khó khăn hơn do diện tích đã bị thu hẹp và lực lượng lao động đã dịch chuyển sang ngành nghề khác.
Để xoay xở giữ gìn nghề truyền thống, chính quyền huyện Nga Sơn và hàng chục làng nghề làm chiếu đã phải tìm hướng đi mới cho cây cói, với việc đa dạng hóa các sản phẩm từ cói và tìm kiếm thị trường cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.
Hình ảnh những cánh đồng cói bạt ngàn ở Nga Sơn đang mờ nhạt dần và câu chuyện duy trì nghề truyền thống gắn với sự phát triển kinh tế ổn định của người dân nơi đây đang là một bài toán cần lời giải cụ thể.