Thanh hóa: Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

LÊ TRANG 10/01/2023 10:17

Những con số biết nói của tỉnh Thanh Hóa trong năm 2022 đã phần nào minh chứng cho những chính sách, chỉ đạo điều hành một cách có hiệu quả từ UBND tỉnh.

>>Doanh nhân trẻ tỉnh Thanh Hóa phát huy vai trò tiên phong, đổi mới kiến tạo

Mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước. Đến năm 2045 Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Sản xuất

Sau dịch bệnh COVID-19 các chính sách đã tạo đà tháo gỡ các "điểm nghẽn" giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi. 

Để sớm hoàn thành mục tiêu trên, bên cạnh sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp thì những định hướng, chỉ đạo quyết liệt trong công tác điều hành từ UBND tỉnh rất cần thiết.

Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đồng sức, đồng lòng đã đạt được nhiều thành tựu trong mọi lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng cao, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%) và đứng thứ 7 cả nước; trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,65%; công nghiệp - xây dựng tăng 16,33% (công nghiệp tăng 17,88%); dịch vụ tăng 10,18%; thuế sản phẩm tăng 16,9%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD, vượt 4,42% kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,585 triệu tấn, vượt 3,6% kế hoạch.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, thu Ngân sách nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay ước đạt 48.820 tỉ đồng, vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 30.150 tỉ đồng, vượt 62% dự toán và tăng 6% so với cùng kỳ...

Công tác cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương được quan tâm. Các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh được cải thiện rõ rệt, trong đó chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 của tỉnh đứng 3 cả nước, tăng 21 bậc so với năm 2020; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 đứng thứ 14 cả nước, tăng 15 bậc.

Ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn và trước hạn trong năm 2022 ước đạt 98%. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã cung cấp 870 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 và tích hợp 860 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia và thực hiện kết nối thanh toán trực tuyến với cổng Dịch vụ công quốc gia..v.v.

Từ những

Những chính sách hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa đã giúp nhiều doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội sản xuất, kết nối cung cầu ra thị trường

>>Thanh Hóa: Tháo gỡ “nút thắt” cung ứng vốn tín dụng năm 2023

>>Thanh Hóa: 2022 năm bản lề của chuyển đổi số

Những con số biết nói ở trên đã phần nào minh chứng cho những chính sách, chỉ đạo điều hành một cách có hiệu quả từ UBND tỉnh. Chẳng hạn:

Thứ nhất: Triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân

Với chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh theo Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND ngày 13/4/2022 của HĐND tỉnh và Quyết định số 3487/QĐ-UBND ngày 7/9/2021 của UBND tỉnh, tỉnh Thanh Hóa sẽ triển khai các chương trình bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, bồi dưỡng kiến thức về quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ chuyển phát kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, hỗ trợ sử dụng chữ ký số. Hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp trên nền tảng số của các cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Thanh Hóa; in ấn, cung cấp miễn phí cẩm nang hướng dẫn về trình tự thủ tục đăng ký doanh nghiệp, quy trình thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thanh Hóa, cho biết: “Việc tỉnh Thanh Hóa thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung ương; đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp riêng của tỉnh được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá hết sức thiết thực. Các chính sách này hướng tới nhiều nhóm đối tượng được hỗ trợ, nhất là đối với các doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiềm lực về tài chính, công nghệ, thị trường còn hạn chế là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay”.

Thứ hai: UBND tỉnh đã đẩy mạnh cải cách hành chính.

Thước đo thành công trong cải cách thủ tục hành chính là sự hài lòng của người dân và DN. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và cải thiện thứ hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Thứ ba: Cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.

Thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển đồng bộ và toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

UBND tỉnh Thanh Hóa và chính quyền các địa phương đã đồng hành với doanh nghiệp, nhất là trong trao đổi về những phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, xây dựng hạ tầng, tạo dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn thu hút đầu tư. Tư duy mới cần đi kèm với cách làm mới và đồng bộ để “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, với phương châm “Trung ương mở đường, Địa phương thúc đẩy, Doanh nghiệp đồng hành, Người dân tham gia” để xây dựng một môi trường thật sự thuận lợi cho phát triển.

Thứ tư: Tập trung xử lý những công việc một cách trọng tâm, trọng điểm.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp và lề lối làm việc của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật; xây dựng có cơ sở khoa học và tổ chức thực hiện thật tốt các chương trình, kế hoạch công tác, dành thời gian thỏa đáng cho việc tập trung nghiên cứu, xem xét xử lý căn cơ, bài bản, dứt điểm, có trọng tâm, trọng điểm các vấn đề kinh tế - xã hội nổi cộm, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án quy mô lớn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng các khu du lịch, khu, cụm công nghiệp, các dự án giao thông trọng điểm, có tính kết nối liên vùng đang triển khai.

Với những thành tựu quan trọng phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sẽ là bước tạo đà quan trọng để Thanh Hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn những năm tiếp theo, thực hiện thành công Nghị quyết số 58 -NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa; hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở khu vực phía Bắc của Tổ quốc.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nhân trẻ tỉnh Thanh Hóa phát huy vai trò tiên phong, đổi mới kiến tạo

    12:38, 07/01/2023

  • Thanh Hóa: Tháo gỡ “nút thắt” cung ứng vốn tín dụng năm 2023

    12:19, 07/01/2023

  • Thanh Hóa: 2022 năm bản lề của chuyển đổi số

    07:43, 31/12/2022

  • Thanh Hóa: Chung kết cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp lần thứ 11

    22:17, 24/12/2022

  • Thanh Hóa: Năm 2023 thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

    17:20, 22/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thanh hóa: Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO