Hàng trăm lao động nghèo tại Thanh Hóa lại vượt biên sang Trung Quốc lao động “chui”. Nhiều người trong số đó đã bị chủ đánh đập, quỵt lượng, thậm chí mất cả mạng sống.
Theo thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có gần 2.000 người lao động trái phép tại Trung Quốc. Tình trạng công dân xuất cảnh đi lao động trái phép ở nước ngoài nói chung và Trung Quốc nói riêng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục diễn biến phức tạp, gây nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế, an ninh trật tự tại địa phương.
Vỡ giấc mộng đổi đời
Theo ghi nhận của PV báo DĐDN, nhiều thanh niên các xã ven biển của huyện Hoằng Hóa sau Tết đã ùn ùn kéo nhau đi theo “cò” vượt biên sang Trung Quốc lao động “chui”. Thậm chí, có nhiều em chưa đủ 18 tuổi nhưng cũng theo bố mẹ, anh, chị vượt biên với giấc mơi đổi đời.
Cuối năm ngoái, em Nguyễn Thị L ở xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa) trở về từ Quảng Đông (Trung Quốc) với sự ấm ức vì bị chủ quỵt lương, và nỗi sợ hãi khi vừa thoát “lưỡi tử thần” vì bị công an Trung Quốc rượt đuổi phải bơi qua sông để trở về Việt Nam.
Vừa đan lưới, L vừa kể: “Để sang được Trung Quốc, mỗi người phải đóng 5 triệu đồng cho “cò” môi giới và tự bắt xe từ nhà đến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Đoàn của em có 10 người, khi đến Móng Cái được người môi giới đón đi đường rừng để tránh công an. Hôm ấy mưa tầm tã, ai cũng ngã lên ngã xuống vì đường trơn, vắt rừng cắn đầy chân. Lúc đi bộ, lúc đi xe ôm, sau 3 tiếng đồng hồ chúng em được đưa lên xe tải chở đến xưởng may của người Trung Quốc.
Vì không biết tiếng nên chúng em cũng không biết họ chở đến chỗ nào. Ban đầu, người môi giới đưa chúng em vào làm ở xưởng may, nhưng mới được 3 ngày thì bị công an kiểm tra. Sợ quá, em chuyển sang xưởng sản xuất đồ nhựa, nhưng vẫn bị công an truy tìm. Tháng đầu tiên, em phải chuyển 5- 6 chỗ làm nên không có lương. Tháng thứ 2, chúng em làm ở xưởng tái chế nhựa, công việc chỉ là cạo chữ, nhãn mác trên vỏ máy ảnh, rồi dán nhãn mác khác vào”.
Mỗi ngày, L làm 8 tiếng, ngày nhiều hàng thì tăng ca 6 tiếng. Xưởng cho ăn một bữa, còn một bữa về ăn chung với nhà trọ, lương tính ra tiền Việt được 8 triệu đồng/tháng. Sau hơn 2 tháng sống chui lủi trên đất Trung Quốc và bị vắt kiệt sức lao động, L quyết định trở về Việt Nam.
Đường đi đã khó, đường về cũng không dễ dàng gì. Mỗi người phải đóng 3 triệu đồng để môi giới dẫn về bằng đường sông. Vừa lên đò thì có công an Trung Quốc truy quét phía sau, nhiều người không kịp lên đò đã nhảy ùm xuống sông để bơi về Việt Nam, có người không may bị nước cuốn trôi mất tích.
Không chỉ L, mà còn rất nhiều em chưa đủ 18 tuổi cũng vượt biên lao đông chui như em Trương văn C, em Nguyễn Văn T (thôn 1, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa) cũng vỡ mộng phải trở về nước.
Hiểm họa không lường
Theo số liệu thống kê mới nhất của tỉnh Thanh Hóa, vài năm trở lại đây có gần 3.000 trường hợp bị phía Trung Quốc bắt, đánh đuổi về nước. Trong đó có 29 trường hợp bị đưa ra xét xử, 41 trường hợp bị tai nạn, tử vong.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, tình trạng công dân xuất cảnh đi lao động trái phép trên địa bàn đang có diễn biến phức tạp, để lại nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế, an ninh trật tự tại địa phương.
Việc các công dân xuất cảnh đi lao động “chui” phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm, nhiều trường hợp bị ngược đãi, đánh đập, cưỡng bức lao động.
Thời gian vừa qua, Công an tỉnh này đã khởi tố điều tra 10 vụ/10 đối tượng, đưa ra xét xử, tuyên án 7 đối tượng liên quan đến việc tổ chức, dẫn người đi lao động trái phép tại Trung Quốc.
Cũng theo cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa, hầu hết các lao động xuất cảnh trái phép qua Trung Quốc đều do các “cò” môi giới dùng thủ đoạn gặp gỡ, tiếp xúc với những người đang có nhu cầu tìm việc làm, vẽ ra viễn cảnh công việc ổn định, lương cao để dụ dỗ, lôi kéo người lao động. Nếu không có tiền, các đối tượng sẽ bao trọn gói toàn bộ chi phí xuất cảnh, sau đó sẽ trừ vào tiền lương hàng tháng. Mục đích của các đối tượng là dụ dỗ, lôi kéo càng nhiều người đi lao động trái phép càng tốt, nhằm hưởng hoa hồng và thù lao.
Nhằm ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép của công dân chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể đã tích cực vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ bản chất của “cò” môi giới, phân tích cho người dân biết được những rủi do có thể gặp phải, vận động người dân không xuất cảnh trái phép, nhất là dịp trước, trong và sau Tết.