Xu hướng sử dụng dịch vụ thanh toán số của Trung Quốc đang mở rộng ra các quốc gia ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam...
Theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ những giao dịch trái phép nhằm tránh chảy máu ngoại tệ và thất thu thuế do các giao dịch này được xử lý ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Các phương thức thanh toán số của Trung Quốc đã và đang mở rộng ra nước ngoài khi ngày càng nhiều du khách Trung Quốc tăng cường đến các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam... Hai nền tảng thanh toán số được sử dụng rộng rãi nhất của Trung Quốc tại ASEAN là Weixin Pay của Tencent, thường được gọi là WeChat Pay và dịch vụ Alipay do Ant Group điều hành.
Theo số liệu thống kê do Weixin cung cấp, WeChat Pay hiện đang được hơn 100.000 doanh nhân sử dụng để thanh toán ở những quốc gia như Singapore… Weixin dành cho người dùng Trung Quốc, trong khi WeChat dành cho người dùng quốc tế.
Tương tự, nhà điều hành Alipay là Ant Group đã tích cực triển khai hệ thống thanh toán số ở các thị trường nước ngoài, chủ yếu để phục vụ du khách Trung Quốc. Alipay được chấp nhận ở hơn 200 quốc gia.
Du khách Trung Quốc chủ yếu sử dụng các ứng dụng này để mua sắm và thanh toán thực phẩm, cũng như đặt phòng khách sạn. Cả hai ứng dụng WeChat Pay và Alipay cũng đã được tích hợp vào hệ thống giao thông công cộng BTS Skytrain của Bangkok, phản ánh sự quan tâm của Thái Lan trong việc thu hút chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc.
Việc được cấp phép hoạt động thanh toán số tại Singapore, Thái Lan… có thể giúp các nền tảng thanh toán số của Trung Quốc dễ dàng mở rộng sang các quốc gia khác. Mặc dù vậy, việc sử dụng các nền tảng như Alipay, Wechatpay phần lớn chỉ giới hạn ở cư dân Trung Quốc, chủ yếu là khách du lịch, do các quy định của các nước trong khu vực.
Mặt khác, ông Shen Rui, Phó giáo sư tại Đại học Trung Quốc tại Hồng Kông, Thâm Quyến cho biết, các vấn đề như cơ sở hạ tầng, chuyển vùng dữ liệu và hệ thống viễn thông trong nước cần kết nối để các ứng dụng hoạt động bình thường. “Bảo mật dữ liệu là một mối quan tâm cần được tính đến. Dữ liệu được gửi đến ai? Liệu nó có được gửi trở lại Trung Quốc đại lục hay được lưu trữ tại các quốc gia Đông Nam Á? Đây đều là những vấn đề nhạy cảm", ông Shen nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, thị trường thanh toán số đang phát triển mạnh mẽ do dân số trẻ, am hiểu công nghệ đã thúc đẩy việc áp dụng các nền tảng thanh toán số. Bên cạnh đó, việc tham gia vào hiệp định RCEP có thể hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ số của các quốc gia khác mở rộng dịch vụ thanh toán số ở Việt Nam.
Năm 2017, NAPAS đã ký thỏa thuận với công ty quản lý dịch vụ thanh toán của Trung Quốc Alipay để cung cấp thêm một phương thức thanh toán mới đáp ứng nhu cầu của du khách Trung Quốc. Đây được xem là bước đệm để nền tảng thanh toán này thâm nhập thị trường thanh toán số Việt Nam.
Việc các nền tảng thanh toán số của nước ngoài gia nhập vào Việt Nam có thể xem là một tín hiệu tích cực thúc đẩy thị trường thanh toán số trong nước. Tuy nhiên, với tiềm lực tài chính mạnh mẽ và cơ sở người dùng lớn, các nền tảng như Alipay và Wechatpay có khả năng chiếm lĩnh thị trường nhanh chóng, khiến các doanh nghiệp thanh toán số Việt Nam gặp khó khăn trong việc duy trì thị phần.
Theo ông Đinh Hồng Sơn, chuyên gia tài chính số, một số tỉnh, thành du lịch như Nha Trang, Quảng Ninh, Đà Nẵng… đã chấp nhận thanh toán qua các nền tảng thanh toán số như Alipay, Wechat Pay. Về mặt lý thuyết, các giao dịch này phải có liên kết qua một bên trung gian ở Việt Nam ví dụ như Ví MoMo để đảm bảo kiểm soát được việc chuyển tiền xuyên biên giới. Tuy nhiên, tại rất nhiều điểm giao dịch, mua sắm, nhiều du khách Trung Quốc sử dụng các hình thức “chui” để thanh toán qua đồng tiền số Nhân dận tệ hoặc qua tài khoản sử dụng tiền Trung Quốc để trốn thuế và không bị lực lượng chức năng Việt Nam kiểm soát. Đây là nguồn gốc của tình trạng chảy máu ngoại tệ và thất thu thuế do các giao dịch đều được xử lý ngoài lãnh thổ Việt Nam.
“Việc các nền tảng thanh toán số Trung Quốc thâm nhập vào Việt Nam chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng, thậm chí khiến nhiều cổng trung gian thanh toán nội địa bị mất thị phần, thậm chí có nguy cơ bị phá sản. Những hoạt động thanh toán trái phép như đã phân tích ở trên là vi phạm pháp luật về quản lý ngoại hối”, ông Đinh Hồng Sơn nhấn mạnh.
Do đó, ông Đinh Hồng Sơn cho rằng, các nền tảng thanh toán số bắt buộc phải đặt dưới sự kiểm soát của các cơ quan chức năng để đảm bảo không có giao dịch thanh toán trái phép. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để chặn các giao dịch “chui” và kiểm soát các thanh toán sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam.