Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát: Cần sự linh hoạt, bình đẳng

GIA NGUYỄN 29/11/2020 05:00

Không chỉ chịu tác động chung do dịch bệnh COVID-19, nhiều chuyên gia cho rằng, sự sụt giảm của ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát còn đang phải chịu tác động mạnh từ chính sách… 

Được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp có đóng góp lớn về thuế cho ngân sách Nhà nước, thế nhưng, thời gian vừa qua, ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát đang phải chịu nhiều tác động dẫn đến tình trạng sụt giảm về sản lượng tiêu thụ, tồn kho tăng,... Theo thống kê của Bộ Tài chính năm 2019, thì sản lượng bia tiêu thụ là 4 tỷ lít, tuy nhiên, đến năm 2020, con số này đã giảm đến 20% dẫn đến hàng loạt khó khăn bủa vây doanh nghiệp.

 Diễn đàn Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tại Hà Nội.

Diễn đàn "Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tại Hà Nội.

Khó chồng… khó

Bên cạnh những tác động hiện hữu từ đại dịch COVID-19, thì Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp trong ngành bia, rượu.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành bia, rượu, nước giải khát, ngoài vấn đề tài chính, bối cảnh khách quan, vấn đề nội tại của doanh nghiệp,... những chính sách tác động tiêu cực lên ngành công nghiệp này cũng cần thay đổi 

Theo ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội bia, rượu, nước giải khát Việt Nam khẳng định: Chúng ta đưa ra chính sách đúng khi quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống bia, rượu, tuy nhiên, cần phải có một khái niệm đúng về tác hại bia, rượu và cách phòng ngừa để có thể đưa ra các quy định ở mức độ khác nhau, phù hợp với điều kiện thực tiễn thì chính sách mới đi vào cuộc sống. Nhất là khi năm 2020, các doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch COVID-19.

Theo thống kê, năm 1990, mức tiêu thụ tại Việt Nam là 1,5 lít/người, nhưng cho đến nay con số này đã lên tới 40 lít/người, mức tăng này hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển truyền thống”, ông Việt nói.

Cũng theo ông Việt, hiện nay dư luận đang có một cái nhìn chưa đúng về bia rượu và tác hại của nó. Trong những quy định của pháp luật được ban hành cũng có những điểm quá hà khắc bởi bia, rượu chỉ có tác hại khi nó bị lạm dụng quá mức. “Nếu quy định của pháp luật về phòng chống, theo tôi nên phòng chống việc lạm dụng bia, rượu”, ông Việt nêu quan điểm.

Dẫn dắt thực chứng, vị Chủ tịch Hiệp hội bia, rượu, nước giải khát chia sẻ, Việt Nam không phải là nước có mức tiêu thụ bia, rượu như truyền thông và dư luận đã đưa ra, mà hiện nay, chúng ta chỉ là một trong những nước có mức tiêu thụ ở cấp độ trung bình thấp trong khu vực.

“Theo thống kê của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2010 – 2016, con số tiêu thụ của chúng ta chỉ là 3,9 – 4,5 lít/người/năm, thế nhưng, cùng thời điểm, con số thống kê của WHO lại là 4,7 – 8,3 lít/người/năm, đây là những thông tin không đảm bảo tính khách quan, dẫn đến cái nhìn sai lệch từ định nghĩa, đánh giá đến ban hành các quy định của pháp luật”, ông Việt dẫn chứng.

Tác động nào tiêu cực, cần sửa đổi ngay

Nhận định về thực trạng hiện nay của ngành công nghiệp bia, rượu, Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá, đại dịch COVID-19 và những quy định trong xử phạt vi phạm hành chính của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, đã có những tác động chi phối đến sản lượng tiêu thụ của ngành công nghiệp này một cách rõ rệt.

d

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Diễn đàn "Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát "

Không chỉ có vậy, ngành bia, rượu, còn chịu sự chi phối của Luật Quảng cáo, Nghị định số 24/2020/NĐ-CP ban hành ngày 24/02/2020, khi đưa ra các quy định khắt khe hơn trước về quảng cáo bia, rượu dẫn đến những thay đổi trong thị hiếu của người tiêu dùng.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, để giải quyết những khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất bia, rượu cần tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc chi phí để duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn; điều chỉnh phương thức tiếp cận thị trường theo hướng sản xuất những dòng bia mới, hoặc có thêm những sản phẩm thay thế để tránh tác động từ Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Danh Huế – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông chia sẻ: để tháo gỡ khó khăn cho ngành bia, rượu, nước giải khát, ngoài vấn đề tài chính, bối cảnh khách quan,... những chính sách tác động tiêu cực lên ngành công nghiệp này, cũng cần thay đổi ngay. Hơn nữa, ngành bia rượu nước giải khát hiện đang sử dụng hơn 220.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp. Hàng năm, toàn ngành đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 60.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hơn 60% người lao động bị mất công ăn việc làm, giảm thu nhập, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách của Nhà nước.

Theo Luật sư Huế, mục tiêu của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đưa ra là đúng đắn, có nhiều điểm tiến bộ, tuy nhiên, một số điều khoản chưa hợp lý. Ví dụ như, cứ có nồng độ cồn trong máu là xử phạt, như vậy rất khiên cưỡng, vội vàng, ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội, tới doanh nghiệp...

Có thể bạn quan tâm

  • Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát

    Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát

    14:11, 20/11/2020

  • [TRỰC TIẾP] Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát

    [TRỰC TIẾP] Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát

    13:49, 20/11/2020

  • Ngành bia, rượu, nước giải khát: Tìm hướng đi dài hạn

    Ngành bia, rượu, nước giải khát: Tìm hướng đi dài hạn

    06:00, 20/11/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát: Cần sự linh hoạt, bình đẳng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO