Thực tế hiện nay, nhiều quy định trong các luật hiện hành đang là rào cản kìm hãm sự phát triển của ngành nông nghiệp, đặc biệt là phân bón.
Thực tế cho thấy, những bất cập trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thuốc thú y. Theo quy định của hai luật này, các sản phẩm, hàng hóa thuộc Nhóm 2 (Sản phẩm, hàng hóa Nhóm 2 là sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường) phải được công bố hợp quy.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, quy định công bố hợp quy phân bón có nhiều bất cập về sự chồng chéo, xung đột giữa các quy định pháp luật hiện hành, mang nặng tính hình thức, gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Cụ thể, thứ nhất là tính chồng chéo pháp luật. Hiện nay Luật trồng trọt quy định cơ sở sản xuất phân bón phải được cơ quan nhà nước chuyên ngành đánh giá điều kiện cơ sở vật chất, quy trình kiểm soát chất lượng và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh. Sau khi được cấp giấy, cơ sở chịu đán giá giám sát 2-3 năm/lần và chịu chi phí liên quan đến việc đánh giá, giám sát, đồng thời chịu sự kiểm tra, thanh tra tại nhà máy và lưu thông sản phẩm trên thị trường. Như vậy việc một tổ chức chứng nhận hợp quy đến nhà máy sản xuất phân bón đã được cơ quan nhà nước kiểm soát để lấy mẫu sản phẩm thử nghiệm là không cần thiết.
Thứ hai là tính xung đột pháp luật. Hiện nay đang có 2 loại hình văn bản pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng của sản phẩm phân bón, văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và văn bản về QCVN của Bộ Khoa học và Công nghệ, mỗi văn bản này quy định cách thức quản lý chất lượng phân bón khác nhau. Như vậy, cũng là quản lý chất lượng sản phẩm phân bón, nhưng ban hành bằng QCVN thì phải công bố hợp quy, ban hành bằng thông tư thì không phải công bố hợp quy.
Thứ ba là việc đánh giá quá trình sản xuất, lấy mẫu để làm thủ tục công bố hợp quy hay đánh giá giám sát chỉ xảy ra ở thời điểm đánh giá, nhưng sau lấy mẫu đánh giá đó, có rất nhiều lô sản phẩm khác được sản xuất ra theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, việc đánh giá, lấy mẫu để công bố hợp quy tại 1 thời điểm hoàn toàn là hình thức, không mang lại giá trị cho mục đích kiểm soát chất lượng sản phẩm phân bón.
Thứ tư là các chí phí hợp quy phân bón là một nguyên nhân làm tăng chi phí sản phẩm phân bón trong nước, giảm tính cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu và làm tăng giá thành sản xuất trồng trọt của người nông dân. Ước tính chi phí hợp quy cho sản phẩm phân bón khoảng 3 triệu đồng/sản phẩm sản xuất trong nước hoặc 1 lô hàng nhập khẩu thì chi phí hợp quy cho toàn ngành phân bón sẽ vô cùng lớn (hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, trong đó có những doanh nghiệp phải chi trả vài tỷ đồng/năm).
“Thông lệ quốc tế không có quốc gia nào xuất khẩu sang thị trường Việt Nam có công bố chứng nhận hợp quy và cũng không có nước nào yêu cầu chứng nhận hợp quy với các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu. Do vậy, việc bỏ quy định công bố hợp quy là cần thiết để doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty Cổ phần SOP Phú Mỹ thông tin, Việt Nam hiện có khoảng 790 cơ sở sản xuất phân bón vô cơ và hữu cơ, với sản lượng hàng năm hơn 20 triệu tấn. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng phân bón trong nước chỉ khoảng 10,5 - 11 triệu tấn/năm.
"Những con số này cho thấy ngành phân bón Việt Nam có dư địa lớn để phát triển xuất khẩu. Tuy nhiên, các quy định về kiểm định và công bố hợp quy đang khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế. Nếu không có sự thay đổi trong chính sách, ngành phân bón trong nước sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh và bị tụt hậu so với các nước khác", đại diện SOP Phú Mỹ cho biết.
Ngoài ra, đối với lĩnh vực phân bón, một số ý kiến kiến nghị điều chỉnh mức thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón Urê từ 5% xuống 0%, vì việc áp thuế xuất khẩu sẽ suy giảm năng lực cạnh tranh, gây bất lợi cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, do các nước xuất khẩu lớn như Trung Đông, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Brunei… không áp dụng thuế xuất khẩu đối với Urê. Việc điều chỉnh này vẫn sẽ đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật và tuân thủ thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển kinh tế bền vững, đồng thời tạo thêm nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia thông qua xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu.
Được biết, đầu tháng 3/2025 vừa qua, Hội Chăn nuôi Việt Nam cùng 8 hiệp hội ngành hàng đã có công văn gửi Tổng Bí thư Tô Lâm đề xuất ghép Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật thành một luật, đồng thời kiến nghị bỏ quy định công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa.